Trong tâm lý học, khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis) là một trạng thái cảm xúc sâu sắc và lo lắng về ý nghĩa cuộc sống, tồn tại và cái chết. Người trải qua khủng hoảng hiện sinh thường đối mặt với những câu hỏi lớn về ý nghĩa của cuộc sống, giá trị cá nhân và cảm giác tồn tại, mất mát. Điều này có thể xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời và thường đòi hỏi sự tự nhìn nhận sâu sắc.
Như thế nào là khủng hoảng hiện sinh?
Trong tác phẩm nổi tiếng Existential Psychotherapy, của bác sĩ tâm lý Irvin Yalom đã phân loại khủng hoảng hiện sinh vào 4 vấn đề quan tâm chính bao gồm: cái chết, sự tự do, sự cô độc và thiếu niềm tin trong cuộc sống.
Chúng ta muốn sống nhưng chúng ta biết rồi mình sẽ chết; chúng ta muốn tự do lựa chọn nhưng không có sự đảm bảo nào cho các lựa chọn này. Chúng ta muốn hòa đồng, nhưng chúng ta cảm thấy cô đơn trong những trải nghiệm của chính mình. Chúng ta muốn cuộc sống của mình ý nghĩa hơn nhưng sự xuất hiện này không có ý nghĩa gì trong vũ trụ.
Bạn L.T.N.T (20 tuổi, ngụ thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ:"Mình đang ở cái độ tuổi 20 đầy thứ phải lo lắng. Mình hiện tại vẫn chưa thể xác định được mình là ai, sẽ làm gì, làm như thế nào để thành công. Rồi thành công để làm gì? Mình quằn quại trong suy nghĩ này suốt một thời gian dài, nhìn bạn bè ai ai cũng có một cái gì đó gọi là nổi bật, nhìn lại bản thân thì không có gì cả."
Ở mỗi độ tuổi đều có những khoảng lo nghĩ, và hiển nhiên một lần trong đời chúng ta cũng từng đặt cho bản thân mình vô số câu nghi vấn về chính mình. Một trong số đó được gọi là khủng hoảng hiện sinh như sau:
Khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống
Một trong những câu hỏi trọng tâm xoay quanh khủng hoảng hiện sinh là “ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” hay “mục đích sống của tôi là gì?” Không ai muốn sống một cuộc đời vô nghĩa. Do đó, con người có xu hướng tạo ra ý nghĩa của cuộc đời mình nếu họ không tìm thấy nó.
Khủng hoảng cảm xúc và sự tồn tại
Một số người cố tình gạt đi những cảm xúc tiêu cực như đau khổ hoặc tức giận vì cho rằng như vậy sẽ khiến họ hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, điều này thường dẫn đến cảm giác hạnh phúc giả tạo. Khi họ không trải nghiệm hạnh phúc thực sự, họ bắt đầu cảm thấy trống rỗng và lạc lõng.
Khủng hoảng kết nối và cô lập
Kết nối và cô lập là hai trạng thái đối lập nhưng lại có mối liên quan sâu sắc với nhau. Con người vốn dĩ là sinh vật xã hội và cần hình thành kết nối với những người khác để đáp ứng một số nhu cầu cơ bản. Ngược lại, chúng ta cũng cần những khoảng thời gian riêng để gắn bó với bản thân và thấu hiểu chính mình.
Khủng hoảng về cái chết
Khủng hoảng hiện sinh cũng có thể xảy ra khi chúng ta bước sang mỗi độ tuổi nhất định. Ví dụ, bước sang tuổi 50, chúng ta liền cảm giác bản thân đã già, dần hình thành nên những câu hỏi tiêu cực về cái chết sẽ đến với mình.
Khủng hoảng về tự do và trách nhiệm
Chúng ta có quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng, tuy nhiên khi đã lựa chọn là phải chịu được trách nhiệm và đồng ý với kết quả của sự lựa chọn đó. Điều này gây tâm lý lo sợ của nhiều người nếu kết quả không đạt như mong muốn.
Theo Th.S Tâm Lý Học Nguyễn Thị Ngọc Vui, Chuyên gia Tâm lý học, Giảng viên Khoa Tâm lý học của Đại Học KHXH&NV (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khủng hoảng hiện sinh là một sự thật, một sự kiện xảy ra và điều đó không hẳn là xấu. Khi mà một người có đặt ra những cái câu hỏi hiện sinh lớn lao như Tôi là ai?; Ý nghĩa cuộc đời tôi là gì?; Tôi đi về đâu?;...những câu hỏi này giúp cho chúng ta có thể định hướng lại về mục đích cuộc đời, giúp cho chúng ta biết ưu tiên về cái cách mà chúng ta sống và từ đó sẽ nhận diện cho nên bản thân một lối đi, con đường đúng”.
Ngoài ra, Th.S Nguyễn Thị Ngọc Vui cũng dành lời khuyên cho những ai đang trải qua giai đoạn khủng hoảng hiện sinh này là: ”Nếu đang phải đối diện với những cái khủng hoảng hiện sinh thì có thể tìm đến với những mentor, những cái cố vấn hoặc là những nhà tâm lý chuyên môn để cùng với các bạn giải đáp những cái thắc mắc ở bên trong của các bạn.
Ngoài ra, chúng ta cần tập thói quen quan sát, cách tư duy, cách vận hành. Thay vì chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực, hoài nghi về ý nghĩa cuộc đời thì hãy tập trung phát triển bản thân nhiều hơn, lúc này chúng ta sẽ nhìn nhận bản thân dưới một cái tầm cao hơn.”
Một số biểu hiện, triệu chứng của khủng hoảng hiện sinh:
1. Thường xuyên lo lắng
Cảm giác lo lắng trong khủng hoảng khác với căng thẳng hàng ngày ở chỗ bất cứ điều gì cũng có thể khiến bạn khó chịu và bồn chồn, kể cả sự tồn tại của bạn. Bạn buồn bã hoặc lo ngại về vị trí và kế hoạch của mình trong cuộc sống. Bạn bận tâm đến những vấn đề khó có sự giải đáp, chẳng hạn như điều gì sẽ diễn ra ở “thế giới bên kia”.
2. Trầm cảm
Bạn có thể bị trầm cảm khi rơi vào khủng hoảng hiện sinh. Các triệu chứng cụ thể bao gồm mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, mệt mỏi, đau đầu, cảm giác vô vọng và buồn dai dẳng. Trong một số trường hợp, trầm cảm khủng hoảng hiện sinh có thể khiến bạn hối hận về những điều trong quá khứ và dẫn đến ý định tự sát.
3. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Những lo lắng về ý nghĩa và mục đích cuộc sống có thể đè nặng lên tâm trí bạn, khiến bạn liên tục đặt những câu hỏi lặp đi lặp lại về chúng đến mức không thể kiểm soát. Tình trạng này được gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế.