Chưa biết đúng sai của sự việc ra sao, nhưng nhiều chuyên gia pháp lý đặt ra lo ngại khi hội chứng này ngày càng có xu hướng... "nhân bản".
Nỗi lo “nhân bản”
Sự việc hàng ngàn người dân TP. Vĩnh Yên diễu quan tài mang xác của anh Nguyễn Tuấn A. (ngày 17/3/2013) nhằm yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ cái chết của nạn nhân này chưa nguôi dư luận, thì thông tin hàng trăm người nhà vác xác ông Nguyễn Văn Q. (Thủy Nguyên, Hải Phòng) vào sáng ngày 8/4 trước cửa UBND xã đã cho thấy một "hố đen" khó kiềm chế bức xúc từ người dân dồn về phía chính quyền.
Nguồn tin dẫn lời cơ quan công an cho hay, tối ngày 7/4, lực lượng Công an huyện Thủy Nguyên và Công an xã Chính Mỹ ập vào bắt ổ bạc tại nhà bà Nguyễn Thị Dân, ở thôn 10, xã Chính Mỹ. Vào thời điểm lực lượng công an xuất hiện, gần 20 con bạc đang sát phạt nhau dưới hình thức xóc đĩa ăn tiền. Lực lượng công an đã bắt giữ được tám đối tượng. Trong số các đối tượng bỏ chạy có ông Q.. Bỏ chạy khỏi xới bạc chưa được bao xa, ông Q. bị bắt giữ, sau đó người này bất ngờ lên cơn co giật rồi xỉu người đi. Mặc dù đã cứu chữa tận tình nhưng ông Q. đã không qua khỏi.
Lời giải thích chung chung này, cùng với việc công khai các thông tin về kết quả khám nghiệm tử thi chưa thấu tình đạt lý, hàng trăm người nhà nạn nhân đã mang xác ông Q. quay lại UBND xã Chính Mỹ khiếu nại. Một số đối tượng lợi dụng việc tụ tập đông người không tiếc lời chửi bới, la ó... lực lượng cơ quan chức năng.
Mặc dù đến cuối giờ chiều cùng ngày, sau khi được sự thuyết phục động viên của chính quyền, người nhà nạn nhân đã đưa thi thể ông Q. về mai táng, nhưng dư âm và nỗi đau vẫn đọng lại cho những ai chứng kiến vụ việc.
Quay trở lại với sự vụ tốn quá nhiều giấy mực của báo giới xảy ra ở Vĩnh Phúc, truy tìm nguyên nhân khiến hàng ngàn người đưa quan tài anh Nguyễn Tuấn A. xuống đường, không ít người té ngửa, bởi động cơ xúi bẩy họ cũng chỉ vì cách lý giải chưa rõ ràng về kết quả khám nghiệm tử thi. Chỉ đến khi, báo chí lên tiếng, bộ Công an vào cuộc lòng dân mới được yên.
Rất cần minh bạch thông tin trong những sự vụ “diễu quan tài”.
Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An cũng vào cuộc để làm rõ về cái chết của anh Nguyễn Văn A. (SN 1971, trú thị xã Thái Hòa, Nghệ An). Vụ án mạng được quan tâm khi rất đông người nhà mang theo di ảnh và quan tài của nạn nhân kéo đến trụ sở Công an thị xã Thái Hòa (trưa ngày 18/1/2013) yêu cầu làm rõ trách nhiệm những người liên quan và nguyên nhân tử vong của anh A. Hiện cơ quan công an chưa chính thức có kết luận về vụ việc, nhưng theo tố cáo của người nhà nạn nhân, nguyên nhân là vì xích mích khi tham gia giao thông với anh A. một thiếu úy Công an thị xã đã gọi đồng đội đến và xảy ra xô xát, khiến anh A. phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau hai ngày.
Sự việc anh Nguyễn Văn Kh. (Bắc Giang) sau khi bị đưa về trụ sở công an để lập biên bản xử lý vi phạm giao thông, đã chết, không rõ nguyên nhân cũng gây bức xúc cho người nhà. Nghi ngờ anh này đã bị công an đánh chết, ngày 25/7/2010 trong quá trình gia đình tổ chức đưa xác anh Kh. đi an táng tại nghĩa trang địa phương, một số người đã kích động đưa xe tang lên thẳng UBND tỉnh. Nhiều người tiếp tục tạo thành đám đông vây quanh trụ sở. Trong đám đông có những trường hợp kéo đổ tường rào khu cổng phụ và ném đá vào lực lượng công an bảo vệ tại đây, gây mất trật tự khu vực này.
Trước đó là hàng loạt vụ kích động, tập trung đông người đưa xác bệnh nhân trước cổng bệnh viện, phòng khám,... trên khắp cả nước khiến nhiều người đặt ra lo ngại về tính bất ổn trật tự xã hội trong những việc được mượn danh đi đòi... "công lý".
Truy tìm "thủ phạm"
Theo dõi liên tục những vụ "diễu quan tài" đi đòi công lý thời gian qua, TS. Dương Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (bộ Công an) nhận định: "Chưa bàn đến tính đúng sai trong mỗi vụ án khiến nạn nhân tử vong, việc người dân tập trung đông người, tụ tập gây rối có dấu hiệu của tội "gây rối trật tự công cộng". Về mặt pháp lý, việc mang quan tài diễu phố, gây ùn tắc giao thông, náo loạn trên đường là hành vi gây rối trật tự công cộng...".
Cũng theo TS. Dương Mạnh Hùng, có thể thông cảm với việc người nhà nạn nhân làm như vậy là do quá đau buồn, bức xúc không kiềm chế được. "Nhưng những đối tượng không liên quan mà đã hô hào, kích động tham gia diễu hành thì cơ quan điều tra cũng cần phải xem xét, xử lý phù hợp để tránh tạo ra các tiền lệ xấu sau này", TS. Hùng nhấn mạnh.
"Có một điều cần đặt ra, trong những sự vụ này, gia đình nạn nhân đã bức xúc trước cái chết của người thân, trong khi không nhận được những giải thích thấu đáo từ cơ quan chức năng nên đã cùng rất đông người mang quan tài, hay xác nạn nhân đi đòi lẽ phải. Không thể không có một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng", vị tiến sĩ gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực pháp lý của bộ Công an thẳng thắn nhìn nhận.
Luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc Công ty Luật hợp doanh Sự Thật, cho rằng: "Khi phát hiện thi thể của một người đã chết, trước hết cơ quan bảo vệ pháp luật phải tiến hành quay phim chụp ảnh, khám nghiệm tử thi ngay tại đó. Đồng thời, có những người chứng kiến. Khi có kết luận khám nghiệm tử thi thì cơ quan công an phải công bố cho gia đình nạn nhân biết. Sau đó, cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra xem sự việc xảy ra dẫn tới cái chết của nạn nhân thì có ai làm chứng không và trong hoàn cảnh như thế nào".
"Những tài liệu đó được công bố trung thực, khách quan thì tôi tin rằng sẽ không xảy ra những sự việc đám đông người dân mang quan tài người đã chết trên phố để đòi công lý", vị luật sư có hơn 10 năm kinh nghiệm tranh tụng nói.
Đưa ra nhìn nhận khi được hỏi, luật sư Mai Thanh Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Mai Thanh Hải cho hay: "Không chỉ riêng chính quyền, người dân cũng phải nhìn thấy lỗi của mình, họ không nên nghe những tác động từ bên ngoài. Mọi sự việc có khiếu tố, khiếu nại phải được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, giải quyết theo trình tự của pháp luật, không nên vì bức xúc mà làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan chính quyền. Những ai cố tình lợi dụng việc đó để gây rối trật tự thì cũng phải xem xét để xử lý nghiêm theo pháp luật".
Ông Hải khẳng định: "Mọi việc làm của cơ quan chức năng là làm sao để không xuất hiện những tin đồn trong người dân. Vì thế việc kết luận cũng cần được làm rõ ràng và công bố công khai với dân".
Trong khi thực hiện bài viết này, một nguồn tin riêng báo ĐS&PL có được, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang hoàn tất hồ sơ khởi tố một vụ án khác liên quan đến việc nhiều người mang quan tài diễu hành trên phố gây náo loạn, làm mất trật tự công cộng. Tuy nhiên, để chấm dứt hiện tượng trên, rất cần sự công tâm, khách quan, có trách nhiệm từ các cơ quan chức năng đầu tiên thụ lý các vụ việc, tránh để người nhà nạn nhân hiểu lầm, bức xúc mà đẩy sự việc đi xa hơn.
Năm 2015 sẽ có luật Biểu tình? Đại diện Ủy ban Pháp luật (Quốc hội) cho biết, Dự án luật Biểu tình đã nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII, cần được ban hành để thể chế hóa nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp, do đó đề nghị đưa vào Chương trình năm 2014 trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (năm 2015). Được biết, luật Biểu tình được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất xây dựng nhằm thể chế hóa quy định tại Điều 69 Hiến pháp hiện hành. Báo cáo trước Quốc hội nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động người dân xuống đường bày tỏ chính kiến thời gian qua, khi chưa có luật để quản lý, điều chỉnh đã làm khó cho cả người dân khi thực hiện quyền được hiến định lẫn chính quyền trong công tác quản lý, dễ nảy sinh lúng túng, từ đó làm phát sinh việc mất an ninh trật tự, xuất hiện hiện tượng lợi dụng của các thế lực xấu để kích động, xuyên tạc, gây phương hại cho xã hội. |
Trần Quyết