Khoảng một giờ kể từ lúc động đất đo được 9.0 độ richer, sóng thần cao hơn 10 mét tràn qua đê biển cao 5.7 mét và làm tê liệt các máy phát điện dự phòng, gây nên trục trặc kỹ thuật tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi.
Phóng xạ rò rỉ từ nhà máy sau một loạt vụ cháy và nổ làm hư hại bốn trong số sáu tòa nhà có lò phản ứng, làm tê liệt nghiêm trọng hệ thống làm nguội và gây chuỗi khủng hoảng tiếp theo.
Sinh ra và lớn lên ở Thành phố Fukushima, Mana và người bạn cùng lớp là Rika Fujiwara không muốn rời bỏ thủ phủ của tỉnh, nằm cách nhà máy điện gặp sự cố khoảng 60km. Mana Watanabe học sinh cấp ba của trường Toryo nói: “Tôi lo lắng cho sức khỏe của mình. Còn bố mẹ tôi lo sau này tôi có gia đình và có con thì có thể ảnh hưởng tới con cái”.
Mana Watanabe nói sẽ rất buồn nếu gia đình buộc phải rời khỏi thành phố mình sinh ra.
Mặc dù chính phủ Nhật tuyên bố khu vực cách ly với bán kính 20km từ nhà máy, hiện có quan ngại phóng xạ vượt xa hơn phạm vi này. Nhưng các nhà quan sát tỏ ra quan ngại về khả năng phóng xạ rò rỉ lẫn vào không khí, di chuyển bằng gió, mây, mưa và tuyết.
Điều họ phát hiện là đôi khi mức phóng xạ đo được ở khu vực xa hơn khu vực cách ly 20km lại cao hơn tại chính khu vực này. Nói nôm na là không nhất thiết cứ ở xa hơn nhà máy bị trục trặc thì an toàn hơn.
Bà Takahashi Seiko, người có con trai sắp tốt nghiệp cấp ba và chuẩn bị vào đại học nói với BBC tiếng Việt: “Tôi thấy quyết định ở lại thành phố này của tôi là một sai lầm. Nỗi lo về nhiễm phóng xạ làm tôi quá mệt mỏi, thực sự nếu muốn sống ở đây thì phải quyết định là đừng lo lắng gì cả để mà sống”.
Sự lo ngại này hiện hữu nhiều trong số cha mẹ có con em nhỏ tuổi hơn.
Có nhiều quan ngại nhiễm xạ với giới trẻ do tế bào cơ thể còn đang phát triển.
Một số tổ chức xã hội tại đây đã đưa các cháu ở độ tuổi mẫu giáo và cấp một ra ngoài thành phố mỗi ngày vài giờ để các cháu được tự do chơi đùa ngoài sân, không bị giới hạn khoảng chừng nửa giờ như một số gia đình đang làm vì lo ngại.
Bà Sachiko Satou, Chủ tịch Mạng lưới Bảo vệ Trẻ em Khỏi Phóng xạ nói: “Ngay khi có sự cố, chúng tôi yêu cầu chính quyền tỉnh đo lượng phóng xạ tại các trường tiểu học thì 75% các trường đều có lượng nhiễm xạ cao hơn mức thông thường”.
Sachiko Satou, Chủ tịch Mạng lưới Bảo vệ Trẻ em Khỏi Phóng xạ (Kodomo Fukushima)
Trên đường tại Thành phố Fukushima có rất nhiều biểu ngữ cổ động cho tinh thần vượt khủng hoảng xuất hiện nhiều nơi, trên các cột điện, nhà ga và cả trên đầu xe bus. Các em học sinh Mana Watanabe và Rika Fujiwara nói, cho dù bất kỳ chuyện gì xảy ra họ không muốn bỏ rơi thành phố và sẽ cùng người dân ở đây cố gắng khắc phục.
Hãy cố lên, Fukushima! là biểu ngữ xuất hiện nhiều nơi, ngay cả trên đầu xe bus.
Một số em nhỏ cho biết: "Nếu mọi người đồng loạt bỏ thành phố quê hương đi thì sẽ mất đi thế hệ trẻ tiếp quản các giá trị văn hóa và truyền thống của Fukushima có cả ngàn năm".
Hoàng Tuấn