Dù biến thể Delta vẫn đang là tác nhân gây ra hầu hết số ca nhiễm Covid-19 mới trên thế giới, nhưng biến thể mới nổi Omicron đang tăng tốc nhanh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ khi được Nam Phi phát hiện hồi tháng 11, Omicron đã lan ra ít nhất 63 nước, tính đến ngày 9/12.
Tại Đan Mạch, cơ quan nghiên cứu đã phát hiện 3.437 ca nhiễm biến thể Omicron kể từ khi Đan Mạch ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Các nhà khoa học xác định biến thể Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị trong tuần này.
Tại Canada, theo Hãng tin Reuters, các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 có thể tăng nhanh trong những ngày tới do sự lây lan của biến thể Omicron trong cộng đồng. Cụ thể, số ca nhiễm ở bang Ontario, nơi có gần 40% dân số trong số 39 triệu dân của nước này sinh sống, số ca nhiễm đã tăng lên buộc chính quyền phải ngừng nới lỏng các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sinh. So với tuần trước, số ca nhiễm ở Ontario tăng 70%, trong đó có 80 ca là do biến thể Omicron.
Tại Anh, hôm qua (13/12), Thủ tướng Boris Johnson thông báo đã ghi nhận ít nhất một ca tử vong vì biến thể Omicron. Ông Johnson không nêu rõ về bệnh nhân này nhưng nhấn mạnh đã đến lúc gạt sang một bên quan niệm rằng đây là biến thể nhẹ hơn của virus, đồng thời kêu gọi tiêm vắc-xin tăng cường.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho hay, biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh chưa từng thấy với số mắc mới tăng gấp đôi trong 2 đến 3 ngày.
Ngày 12/12, các nhà chức trách Anh đã tuyên bố nâng cấp độ cảnh báo Covid-19 từ mức 3 lên mức 4 vì sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc biến thể Omicron. Mức 4 trong thang cảnh báo 5 cấp độ ở Anh chỉ “mức lây truyền cao và áp lực trực tiếp của Covid-19 đối với các dịch vụ y tế lan rộng, đáng kể hoặc đang tăng lên”.
Bộ trưởng Javid cảnh báo, Anh sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mạnh và nước này một lần nữa phải chạy đua tiêm vắc-xin nhằm bảo vệ người dân. Dữ liệu được công bố vào ngày 10/12 cho thấy, hiệu quả của vắc-xin chống lại sự lây nhiễm biến thể Omicron đã giảm đáng kể ở những người chỉ tiêm hai mũi, nhưng mũi thứ ba đã tăng cường khả năng bảo vệ lên đến trên 70%.
Tại Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 đã vượt mốc 50 triệu người với hơn 800.000 người thiệt mạng, theo Reuters. Số ca nhiễm mới mỗi ngày đang tăng trở lại trong 2 tuần qua và số ca nhập viện, tử vong cũng trên đà đi lên. Đáng chú ý, dù biến thể Delta chiếm 99% số ca Covid-19 mới nhưng biến thể Omicron đang lan nhanh và xuất hiện tại gần 25 tiểu bang.
Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho rằng ở thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu chuẩn vẫn là tiêm đủ 2 liều vắc xin, nhưng liều tiêm tăng cường sẽ mang lại mức độ bảo vệ tốt nhất trước biến thể Omicron, theo tờ The Guardian.
Trong khi đó, các bằng chứng từ WHO và các nghiên cứu khác cũng cho thấy biến thể Omicron gây ra nguy cơ toàn cầu "rất cao". Biến thể này có thể lẩn tránh hiệu quả bảo vệ của vắc- xin dù dữ liệu lâm sàng về mức độ nghiêm trọng của nó vẫn còn hạn chế.
Theo WHO, có bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có khả năng tránh hệ miễn dịch của cơ thể và tốc độ lây nhiễm cao, qua đó có thể khiến số ca mắc mới tiếp tục gia tăng với các hậu quả nghiêm trọng. WHO dẫn một số bằng chứng ban đầu cho thấy số người bị tái nhiễm biến thể Omicron đã tăng tại Nam Phi.
Mặc dù các nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể ít độc lực hơn biến thể Delta và tất cả các bệnh nhân nhiễm biến thể này ở châu Âu đều là thể nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng độc lực của Omicron vẫn là vấn đề đòi hỏi thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.
WHO nhấn mạnh, ngay cả nếu độc lực của biến thể Omicron thấp hơn độc lực của biến thể Delta, dự kiến số người nhập viện sẽ tăng do số ca nhiễm bệnh tăng có thể khiến hệ thống y tế quá tải, dẫn tới nhiều ca tử vong hơn. Dự kiến trong những tuần tới, WHO sẽ công bố các báo cáo mới về biến thể này.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Báo điện tử Chính phủ)