Nỗi lòng của sinh viên trọ học xa nhà

Nỗi lòng của sinh viên trọ học xa nhà

Nhập bài QC

Nhập bài QC

Thứ 6, 18/05/2018 15:38

Nỗi lòng của sinh viên trọ học xa nhà - là những tâm sự đầy thương cảm của một tân sinh viên Cao Đẳng Y Dược - Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch khi phải sống xa gia đình.

Những ngày này, đất trời Hà Nội như ngập trong biển nước. Bầu trời xám xịt. Trời mưa! Mưa kéo dài! Mưa như xối xả, như trút nước. Tôi một mình co ro trong chiếc chăn mỏng, thu mình lại trong góc nhà. Trời không lạnh mà lòng tái tê. Căn phòng trống vắng. Cô đơn lạnh lẽo và trong tôi bỗng ùa về hình ảnh cha mẹ, các em. Nhớ gia đình da diết. Lòng thắt lại. Ánh mắt vô định với những ước ao. Ước ao được nghe một tiếng cười, tiếng nói của cha mẹ, của em thơ để lòng vơi đi nỗi nhớ, nỗi cô đơn, để căn phòng bớt lạnh lẽo. Nhưng sao xa vời! Và tiếng khóc nấc lên từng hồi xen lẫn tiếng mưa nhạt nhòa.

Tuổi mười tám, lần đầu tiên sống xa gia đình, xa cha mẹ và các em, xa quê hương. Trước ngày nhập học, háo hức về một cuộc sống mới, về một cuộc sống tràn đầy màu hồng với sự tự do, tự lập ở đất Hà Nội nhưng khi đặt chân đến đây mới thấu hết mọi khó khăn vất vả của cuộc sống trọ khi học xa nhà. 

Nỗi lòng của sinh viên trọ học xa nhà

 

Con còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, ngày cùng cha ra Hà Nội làm thủ tục nhập học. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Hà thành, bầu trời xám xịt và mưa y như hôm nay. Sau khi cha lo lắng hết các thủ tục nhập học, phòng trọ cho đứa con nhỏ, cha vội vã về vì còn nhiều công việc đang dở dang ở quê nhà. Giây phút cha bước lên xe bus, tôi chỉ cắn chặt môi mà sao vẫn khóc lên thành tiếng. Lúc cha quệt ngang dòng nước mắt nhìn con với bao sự kỳ vọng mà lòng chợt thắt lại. Khi bóng cha dần khuất, tôi chẳng biết mình đã mười tám tuổi, cứ khóc òa như thuở còn bé thơ.

Một cảm giác lạnh người, tôi thấy mình bị bỏ rơi trên mảnh đất đơn độc, không người thân thích. Và chiếc xe cứ vô tình đi xa còn nước mắt tôi cứ chảy dài... Những ngày sống một mình mới cảm nếm được tình yêu gia đình. Có những buổi trưa tan học trở về nhà, mở cửa phòng ra, tự an ủi bản thân rằng mẹ luôn kề bên, tôi khẽ cất tiếng gọi âu yếm, nũng nịu "Mẹ ơi". Nhưng đáp trả chỉ là sự im lặng của bốn bức tường trắng xóa. Tôi phải tập chấp nhận rằng chỉ mỗi một mình tôi thôi. Một mình thôi! Lòng chùng xuống và sự trống trải bỗng chốc xâm chiếm cả căn phòng.

Nhớ lúc còn ở quê nhà, khi tôi đi học về "đã sẵn cơm mẹ nấu", chỉ việc tranh giành với em. Còn bây giờ đi học về tôi không muốn đi chợ, nấu nướng. Không phải vì tôi không biết làm nhưng tôi sợ sự cô đơn và cần lắm những bữa cơm gia đình, sự quan tâm của cha mẹ, tiếng nói cười của em thơ. Có khi vừa ăn cơm, trong lòng vừa thổn thức suy nghĩ: "Lúc mình ở nhà, giờ này cha mẹ và em đang đợi mình về ăn cơm". Nụ cười của mẹ, giọng nói của cha và cảnh tượng gia đình quây quần bên nhau cứ hiện lên trong tâm trí. Mỗi khi nhớ gia đình quá, tôi gọi điện về cho mẹ để được nghe giọng nói, những lời an ủi, động viên và giọng mẹ đầy quan tâm: "trưa nay con ăn gì, cả nhà đang ăn cơm, thiếu mình con, em không phải tranh giành với ai nữa cả". Mẹ vừa cúp máy tôi lại ngồi khóc thút thít.

Nỗi nhớ cứ thế cùng những giờ học miệt mài, những bữa cơm, những giấc ngủ với tiếng nấc xen lẫn giọt lệ lăn dài. Và tôi thấy mình như một con chim non lần đầu tập bay, yếu ớt và khập khễnh, cảm thấy cuộc sống sao mà khó khăn quá! Vừa thiếu thốn tình cảm vừa khó hòa nhập.

Thiếu thốn tình cảm là vậy, còn về bạn bè nhiều lúc cũng thấy tủi thân. Những ngày đầu đi học, không quen ai, sự khác biệt về giọng nói khiến tôi không hòa nhập được. Nhớ lắm giọng quê ấm áp, trầm trầm thân thương Nghệ Tĩnh. Tôi ghét phải đổi giọng, nhưng mà không đổi thì các bạn không hiểu tôi nói gì. Lúc đó tôi ao ước được quay lại thời gian học cấp ba. Nhớ lắm bạn bè ấu thơ, thoải mái tâm sự, thoải mái vui đùa cùng nhau. Nay bạn bè mới, cảm thấy rất khó gần và thật xa cách.

Môi trường đại học và cấp ba khác hẳn nhau. Tôi cảm thấy ngày xưa được thầy cô bạn bè quý mến thương yêu thì giờ đây chỉ thấy sự thờ ơ, không ai biết mình và mình cũng chẳng biết ai. Không còn được thầy cô kèm cặp, bạn bè cùng tỉ tê với nhau. Vì vậy nên tôi như thu mình lại, chỉ một mình đến lớp, nghe giảng rồi lại một mình thui thủi về phòng. Luôn là cái cảm giác thiếu tình người, lạc lõng và tẻ nhạt.

Thật nghẹn ngào khi nhớ lúc mới nhận giấy báo nhập học, tôi vui không tả xiết, ước mơ về một cuộc sống mới đầy tự do, mới lạ và thú vị ở một môi trường mới. Một môi trường giàu có, tấp nập và đô thị hơn. Cái cảm giác sung sướng khi nghĩ mình như một con cá vàng tự do tung tăng vui đùa. Nhưng con cá Vàng đó có biết đâu rằng nơi tung tăng đó thiếu vắng tình yêu hay vì quá bon chen khiến nó không buồn chơi nữa. Nụ cười vui vẻ, vô tư ngày nào như chẳng còn trên môi. Nó trở nên yếu đuối, buồn tủi trong vỏ bọc mạnh mẽ, vui tươi. Đã có nhiều lúc nó thấy cuộc sống thật bế tắc, chững lại và tương lai mịt mờ. Để rồi, có những lúc suy nghĩ mông lung, dồn dập. Nó tự hỏi: "Liệu mình có chọn sai con đường không?" Vì nó chẳng thể tìm thấy niềm vui, niềm đam mê ở đây.

Lúc bấy giờ nó chỉ thầm ước có một chỗ dựa thật vững chắc, có một lời khuyên sáng suốt để dựa vào. Trong đầu lại hiện lên bao suy nghĩ muốn đi sang một con đường khác, muốn tìm môt lối rẽ khác, muốn tìm nơi nào đó có tình người, có yêu thương. Và cần lắm một bàn tay kéo nó ra khỏi cuộc sống mà nó cảm nhận thật tối tăm và vô vọng. Bài vở ngày một dày lên và "chất đống", mà động lực còn đâu ngoài sự buồn phiền. Dẫu biết rằng cần phải học tập, làm việc nhưng thật sự nó không thể thoát tâm trạng buồn phiền, chán nản và tuyệt vọng đó.

Cứ thế, từng ngày, từng ngày nối tiếp nhau, cuộc sống càng lâm vào bế tắc. Cảm giác như muốn thoát, nhưng càng giãy giụa cố gắng thì càng thấy kiệt sức. Nó chợt để buông xuôi, bỏ mặc tất cả, không còn muốn đối mặt với thử thách hằng ngày, đối mặt với tình trạng bản thân mà nó cho là tồi tệ. Nó cứ trốn tránh, cứ giết thời gian và vùi lấp mọi việc trong giấc ngủ. "Ngủ cho quên đi tất cả", để không phải nhìn nhận về một sự thật: Nó là người vô trách nhiệm với bản thân.

Nhưng "phía trước là bầu trời", tôi đã tìm thấy được một nơi - là ánh sáng duy nhất có thể giúp tôi vượt qua được cuộc sống bế tắc, bộn bề này. Thứ ánh sáng ấy mạnh lắm! Làm cho một tâm hồn đầy những mây đen giăng kín tối tăm phải biến mất. Tựa như miền đất khô cằn tìm được nguồn nước trong lành. Nhớ một buổi tham gia vào buổi tình nguyện của hội sinh viên Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, tôi đã khóc khi thấy hình ảnh các cụ già, bà lão, các em nhỏ nở nụ cười mãn nguyện khi được cầm trên tay những liều thuốc miễn phí. Lúc đó nỗi nhớ gia đình lại ùa về và xen lẫn đó là cảm giác tội lỗi vì lâu nay tôi quá bê tha với bản thân, đã không cố gắng học hành và vươn lên, nghĩ đến cha mẹ cùng với bao ước mong, niềm tin đã đặt vào tôi. Cha mẹ ngày càng thêm tuổi, tóc thêm bạc, da thêm những nếp nhăn, cũng vì một hy vọng các con thành đạt và vươn lên học hành ở chốn thị thành này. Nhớ lại những lần gọi về hỏi thăm sức khỏe mẹ: "Mẹ à, chân mẹ còn đau không? Trời lạnh thế này nó nhức nhiều hơn không mẹ". Giọng mẹ ấm áp trả lời: "Không con à, mẹ khỏe lắm, hết đau rồi. Ở với mẹ mười tám năm, tôi hiểu chân mẹ đau như thế nào và tôi biết mẹ đang nói dối vì không muốn con mẹ lo lắng, để con mẹ an tâm học hành. Và sau buổi tình nguyện hôm ấy, trở về phòng, lòng tôi tràn đầy rất nhiều quyết tâm. Nhất định sẽ phải ra được cái kén chật chội và tối tăm này. Tôi hiểu rằng cần phải chiến thắng bản thân mới rèn luyện nên người. Và giờ tôi có thầy cô, bạn bè là sức mạnh nâng đỡ.

Học CĐ, ĐH khó hơn học cấp ba nhiều, lượng kiến thức phải học nhiều hơn hẳn. Tự bản thân phải chăm chỉ, cố gắng thật nhiều. Và để quyết tâm hơn, tôi thường nghĩ về những hy sinh và vất vả của cha mẹ. Đậu ĐH, CĐ là một niềm vui của con dành cho cha mẹ nhưng lại là một nỗi lo. Tấm lưng cha mẹ sẽ phải cúi xuống thấp hơn, mồ hôi sẽ phải đổ nhiều hơn, mái tóc kia sẽ phải bạc hơn, vì con. Trong tôi nỗi nhớ nhà càng nhiều bao nhiêu thì quyết tâm học lại càng lớn bấy nhiêu. Bây giờ cuộc sống đã không còn tăm tối, tồi tệ như trước nữa, thoải mái và dễ chịu hơn nhiều rồi, tôi mở lòng hơn và cũng tìm được một số người bạn để tỉ tê hằng ngày, để lấp đầy sự thiếu vắng tình cảm gia đình. Vâng! Cuộc sống là vậy, luôn có những khó khăn, thử thách. Mỗi chúng ta hãy vượt qua chính mình để vượt qua những khó khăn thử thách. Dù tất cả mọi người đều quay lưng thì với bạn vẫn còn gia đình. Gia đình là chốn bình yên, dung dị nhất. Nên bạn đừng bao giờ bỏ cuộc mà hãy tìm cho mình những động lực để cố gắng vượt qua. Tôi đã vượt qua. Và bạn cũng sẽ vượt qua.

Một năm qua rất nhanh, mới đó thôi nhưng giờ tôi gần được nghỉ hè. Một năm đầy thử thách cùng với bao tâm trạng cảm xúc mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Giờ đây, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, thấm thía cuộc sống hơn và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân hơn. Tôi cũng quen được nhiều bạn mới, những người bạn đích thực, tìm được những tình cảm khác cũng quý trọng và thân thương như tình cảm gia đình. Đó chính là câu lạc bộ tình nguyện xung kích Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch họ là những sinh viên trong trường đến từ đủ các chuyên ngành đào tạo như sinh viên cao đẳng dược, cao đẳng điều dưỡng, cao đẳng hộ sinh, cao đẳng y dược, cao đẳng y tế . Cuộc sống màu hồng hơn. Tôi luôn thầm cảm ơn cuộc sống đã cho tôi được gặp những con người này, học ở mái trường thân yêu này. Mọi thứ có thể khắt khe nhưng đừng khó khăn trong việc trao yêu thương. Ước mong rằng: "Chốn Hà thành tình người cũng nhiều như số người sinh sống trên nó".

Nguồn: http://truongcaodangykhoaphamngocthach.edu.vn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.