Trung thu luôn mang một ý nghĩa đặc biệt mà ai cũng trân quý, đó là giây phút được về bên vòng tay cha mẹ, cảm nhận tình yêu thương của bậc sinh thành, cùng các em nhỏ hát hò, rước đèn trông trăng. Tuy nhiên, cũng không ít những người con vì công việc, bệnh tật mà nhiều năm không được quây quần bên cha mẹ, đón một Trung thu đúng nghĩa. Họ chỉ biết ở xa, nhớ về những kỉ niệm ngày nhỏ.
Nói chuyện với PV, cô gái ung thư gan giai đoạn cuối Phạm Thị Huế cho biết: “Đã nhiều năm nay, tôi không được ở nhà đón Trung thu cùng bố. Tôi phải ở viện điều trị vì bệnh của tôi là căn bệnh hiểm nghèo. Những lúc ấy, tôi thấy buồn tủi vô cùng, chỉ biết gọi điện về nhà để hỏi han, tâm sự với bố mẹ”.
Cô gái nhớ lại, Trung thu hồi còn nhỏ, Huế thường được các anh chị trong xóm đến từng nhà phát kẹo, bánh. Sau đó, mỗi nhà sẽ góp gạo, thức ăn, cùng nhau nấu cơm chung để các em nhỏ trong xóm có một bữa cơm đầm ấm bên nhau. Trước khi vào mâm ăn cơm là có tiếng trống đánh rộn rã, mọi người hát hò, reo múa. Thậm chí, có những năm còn được cắm trại, múa diễu hành quanh xóm. Khi lớn lên, Huế được các anh chị đoàn viên trong xóm lựa chọn là gương mặt sáng để đi thi múa vào buổi tối. Nhưng, năm ấy trời lại mưa to, Huế chỉ được múa tại xóm cho các bạn xem và đổ hết trại đã mất công dựng cả ngày…
“Với tôi, những kỷ niệm ấy sẽ không bao giờ quên được. Ngày đi học, xa gia đình, thường xuyên ở bệnh viện nên tôi không còn được vui đùa nữa, tất cả chỉ còn trong kí ức. Tuy nhiên, ở bệnh viện, tôi cũng được đón Trung thu, nhận quà bánh từ các đội từ thiện, mạnh thường quân. Có một năm tôi nhớ nhất là được cùng câu lạc bộ từ thiện Thiên thần tổ chức cho các bệnh nhân ung thư khoa Nhi (bệnh viện K3, Tân Triều, Hà Nội) dưới sảnh tầng một.
Hôm đó rất vui, có cả chị Hằng, chú Cuội, rồi được ca sĩ Tuấn Hưng đến dự. Ca sĩ Tuấn Hưng có đứng cạnh tôi và hỏi cháu thích bài gì chú hát tặng. Khi ca sĩ Tuấn Hưng hát, rất nhiều bệnh nhân kéo đến ngồi xung quanh. Rồi nhiều anh chị tình nguyện viên đến xem, chụp ảnh, xếp hình trái tim. Các em bé luôn vui tươi, chờ mong đến lượt để lên nhận quà”, Huế tâm sự.
Đối với Huế, đó là những kí ức đáng nhớ và sẽ được giữ gìn. Dù có vui, có được nhận nhiều quà, nhưng Huế vẫn mong được đón Trung thu ở quê, được ở bên bố mẹ.
Còn bạn Hồng Hạnh (23 tuổi, Yên Bái) chia sẻ: “Trung thu ở quê tôi tổ chức to lắm, trước cả một tuần. Trẻ con sẽ được tập múa lân, hát những bài truyền thống để đi quanh xóm. Nhà nào nhà đấy đều thắp đèn ông sao, đèn lồng. Thế mà 2 năm nay, tôi không được đón Trung thu ở nhà, vì cuộc sống mưu sinh nên tôi phải ở lại Thủ đô”.
Năm ngoái, vào dịp Trung thu, Hạnh gọi điện về nhà để hỏi thăm bố mẹ. Hai mẹ con đã bật khóc trong điện thoại vì cả gia đình được quây quần chỉ có Hạnh đang ở một mình, ăn bánh Trung thu một mình. “Công ty tôi làm ca, vì thế Trung thu tôi thường đổi ca cho những người có con nhỏ để họ về đưa con đi chơi. Nhưng sang năm, tôi nhất định sẽ về nhà”, Hạnh bày tỏ.