Ký ức hào hùng
Thiếu tá Trần Đại Nghĩa sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng. 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 1 thời gian huấn luyện ở phía Bắc, ông được phân công về ở Tiểu đoàn 33 đặc công của mặt trận B4 - B5 đóng trên địa bàn Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.
Khi vừa đến đơn vị, ông được tham gia đánh trận Quán Ngang ở Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. “Thời điểm này, chúng tôi được phân công tiêu diệt địch ở Quán Ngang. Chúng di chuyển pháo và đạn dược vào tuyến lửa ở Vĩnh Linh để đánh quân ta. Cuộc chiến xảy ra rất ác liệt, gần 100 người đã ngã xuống, đau đớn lắm nhưng không thể đưa các đồng chí về”, Thiếu tá Nghĩa rơm rớm nước mắt.
Tuy trận chiến khốc liệt là thế nhưng với ý chí quyết tâm, các chiến sỹ đặc công vẫn không chịu lùi bước. Nén nỗi đau vào trong, các chiến sỹ lại lao vào trận chiến mới.
Giữa năm 1971, quá trình tham gia chiến đấu ở đợt cao điểm 288, chiến sĩ Trần Đại Nghĩa bị địch phát hiện và phục kích trong lúc đang đi điều tra trinh sát trên đường. Trong loạt đạn như mưa của quân thù, chiến sĩ Nghĩa đã bị thương ở vùng đầu và bàn tay. "Là người lính được tôi luyện ở miền Bắc vào miền Nam tham gia chiến đấu, chúng tôi xác định “một mất, một còn” với địch, không hề có sự giao động trong tư tưởng và sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc. Rất nhiều đồng chí đã hy sinh trong mấy trận chiến", ông Trần Đại Nghĩa chia sẻ.
Sau khi điều trị lành vết thương, tháng 8/1971, Trần Đại Nghĩa cùng đại đội đặc công tham gia đánh trận tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trong trận đánh này, quân ta tập kích đánh thắng 2/3 cứ địa.
Sau đó, ông tiếp tục tham gia giải phóng Đông Hà (Quảng Trị) và Thừa Thiên Huế và năm 1973, được bầu làm Đại đội trưởng. “Hồi đó, sau một trận đánh, gần chục anh em đặc công chúng tôi bị kẹt lại bên dòng Bến Hải. Khi đang tìm cách vượt sông về hậu cứ thì phát hiện 13 chiếc xe tăng địch đang tiến lại gần. Chúng tôi cùng nhau cố gắng đánh địch đến cùng. Nếu chẳng may bị địch vây ráp, phải sẵn sàng quyên sinh, nhất quyết không để rơi vào tay địch”, cựu chiến sĩ đặc công Trần Đại Nghĩa bồi hồi nhớ lại.
Tiếp đó, những người lính đặc công Tiểu đoàn 33 tiếp tục ghi dấu ấn trong những trận đánh ở Khe Sanh, Làng Vây, Cồn Tiên – Dốc Miếu, Ái Tử… Ông Nghĩa tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng Huế, cùng chiến dịch Hồ Chí Minh đưa cuộc trường chinh của dân tộc đến bến bờ thắng lợi.
Sau khi hòa bình lặp lại, cựu Đại đội trưởng Trần Đại Nghĩa tham gia công tác ở nhiều cương vị khác nhau. Ông hành quân ra bắc tham gia huấn luyện bộ binh, huấn luyện đặc công ở Quân Khu IV tại Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Năm 1979, tiểu đoàn 33 của ông được bổ sung cho Bộ Tư lệnh đặc công. Trong khi đồng đội đi chiến đấu ở Vị Xuyên thì ông được cử lên Điện Biên làm tiểu đội trưởng đặc công độc lập D46...Tiếp đó, ông tiếp tục đưa tiểu đoàn sang làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào bảo vệ thành quả của cách mạng.
Trong quá trình công tác, ông cũng được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý như Huân chương chiến công, Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương chiến sĩ giải phóng miền Nam và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Nỗi đau đáu về đồng đội đã hy sinh
Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, cởi áo lính, ông Nghĩa lại tiếp tục giành giật sự sống cho con. Người con trai cả của ông bị bệnh tim bẩm sinh. Để có tiền chữa bệnh cho con ông làm nghề đạp xích lô đề có thêm thu nhập. Người đàn ông này dành dụm được một ít tiền và quyết định đưa con trai đi phẫu thuật tim. Ca phẫu thuật ở tuổi 24 đã cứu mạng con trai ông. Sau 10 năm ròng rã đạp xích lô, người cha đã có thể thở phào trút được gánh nặng đè trĩu trong tim hàng chục năm trời. Con khỏe mạnh, người đàn ông này tiếp tục tìm kiếm hài cốt đồng đội.
“Mình còn được sống và trở về với gia đình là điều may mắn lắm rồi. Chỉ thương cho những đồng đội đang nằm lại ở “mảnh đất lửa” mà vẫn chưa tìm được hài cốt. Đã 4 lần tôi và những đồng đội cũ về chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Tuy nhiên, tìm mãi cũng chỉ đưa được 1 hài cốt trở về. Chiến tranh đã kết thúc nửa thế kỷ rồi mà vẫn chưa tìm được các đồng chí ấy, thấy đau và day dứt lắm...”, ông Trần Đại Nghĩa rơm rớm.
Cuộc sống với những bộn bề nhưng khi nhận được thông tin về đồng đội còn sống là ông Trần Đại Nghĩa lại vác ba lô lên đường. Ông đến tận nơi để lưu lại tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại với ước vọng mong manh là gặp được nhân chứng, tìm manh mối về những đồng đội đã ngã xuống. Thậm chí, ông còn tìm đến thân nhân các liệt sĩ để thu thập những mảnh giấy báo tử, những kỷ vật... còn sót lại để lưu vào hồ sơ và lập danh sách chờ cơ hội tìm kiếm.
Qua bao nhiêu năm tìm thông tin, ông Nghĩa có bản danh sách 120 chiến sĩ ở 12 tỉnh đã anh dũng hi sinh trong chiến trường Trị - Thiên. Mới đây, ông Trần Đại Nghĩa nhận được những kỷ vật thiêng liêng, là chiến lợi phẩm của các đồng đội chiếm được của địch từ hậu cứ Thừa Thiên Huế gửi ra. Đó là chiếc bi đông, ăng gô, đầu đạn, mìn... đã gỉ sét qua thời gian, sắp tới sẽ được ông trao cho bảo tàng Quân khu IV cất giữ.
“Tôi hy vọng mình sẽ tìm được những hài cốt trong bản danh sách 120 liệt sĩ đã hy sinh. Tìm được những hài cốt ấy đưa về quê hương khi đó tôi mới yên lòng nhắm mắt được”, ông Nghĩa chia sẻ.
Minh Tâm