Cần chú trọng tham vấn ý kiến doanh nghiệp
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam được gần 3 năm. Trên thực tế, CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi cam kết ở phạm vi rộng nhất.
Một phần đáng kể trong số này đã được triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020, với các văn bản được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung trong nhiều lĩnh vực, ở các cấp độ pháp lý khác nhau.
Tại hội thảo “Hoạt động Xây dựng Pháp luật thực thi CPTPP - Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” sáng 10/11, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, nhằm thực thi các cam kết trong CPTPP thì việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa là một trong những công tác trọng tâm trong quá trình triển khai Hiệp định này của Việt Nam.
Tổng hợp của VCCI cho thấy, theo các kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành thì có tổng cộng 7 Luật, 6 Nghị định và 6 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động xây dựng pháp luật này dự kiến chia làm 2 đợt: Đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn.
Rà soát của VCCI được thực hiện với tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 4 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019 - 2021.
"Phần lớn các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật này đều tương thích với cam kết CPTPP mà chúng “nội luật hóa”. Thậm chí một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn. Một số trường hợp quy định “nội luật hóa” có điều chỉnh nhất định so với yêu cầu của cam kết gốc (về phạm vi, điều kiện…) nhằm bảo đảm sự hài hòa, hợp lý và nhất quán trong bối cảnh pháp luật nội địa Việt Nam", bà Trang cho hay.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả, chất lượng của các quy định pháp luật nó nằm ở chỗ trong quá rình soạn thảo, các cơ quan soạn thảo có lấy ý kiến doanh nghiệp hay không. Có tiếp thu một cách hợp lý và với 1 thái độ cầu thị đối với hoạt động ý kiến của doanh nghiệp hay không?
Theo bà Trang, việc tham vấn doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo, rà soát cho thấy tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả trường hợp được soạn thảo theo quy trình rút gọn hay văn bản cấp thông tư, đều công khai dự thảo trên website của cơ quan soạn thảo để lấy ý kiến tham vấn.
Tuy nhiên, việc công khai trên các website là một chuyện, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận và quan tâm lại là một câu chuyện khác.
Bà Trang cho hay, VCCI có rà soát 11 văn bản thì có ít nhất 10 văn bản đều công khai ở trên các website của các bộ phụ trách soạn thảo, nhưng việc chỉ đưa lên website thì doanh nghiệp chưa hẳn đã quan tâm.
“Thực chất, doanh nghiệp họ có rất nhiều việc phải làm, chúng tôi ở đây còn không theo dõi được hết huống gì doanh nghiệp. Vì vậy, tôi mong các văn bản do các cơ quan thực hiện việc ban hành, có thể gửi dự thảo đến lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI.
Với các trường hợp này, dự thảo được doanh nghiệp biết đến rộng rãi hơn qua hoạt động phổ biến và lấy ý kiến của VCCI, đồng thời cũng được VCCI tổng hợp ý kiến đóng góp tập trung và hiệu quả hơn”, bà nói.
Vị Giám đốc WTO và Hội nhập cũng cho rằng, các dự thảo cũng cần phải đi kèm với bản giải trình để doanh nghiệp có thể hiểu được tại sao cơ quan soạn thảo lựa chọn cách quy định như vậy. Vì theo bà, nhiều khi đọc mỗi dự thảo thì lại không hiểu cặn kẽ, gây khó khăn nhất định cho việc tìm hiểu và góp ý của các chủ thể liên quan.
Tư duy làm luật đã được nâng tầm
Cũng tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh thành sau 1 năm thực thi CPTPP thì có hơn 460 văn bản pháp luật ở cấp địa phương đã được sửa đổi, ban hành. Dù các văn bản này có nhiều văn bản không nói đích danh về CPTPP nhưng lại có những nội dung đề cập đến CPTPP.
Ông Khanh đánh giá, con số nói trên cho thấy cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc rà soát các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo tương thích với Hiệp định CPTPP. “Việt Nam đã thực sự quyết tâm đảm bảo hệ thống pháp luật sau khi gia nhập CPTPP là tương thích với hiệp định này”, ông nói.
Theo ông Khanh, ở cấp độ luật và nghị định, theo Nghị quyết 72 thì phải sửa đổi 7 luật, hiện tại đã thực hiện xong 5 luật, còn 2 luật là sửa đổi Bộ Luật hình sự và sửa đổi Luật Tố tụng hình sự thì vẫn đang trong quá trình thực hiện. Còn 6 nghị định phải sửa đổi, ban hành thì đến nay thì đã ban hành đủ.
“Những gì chúng ta có thể làm ngay là chúng ta làm luôn, cái gì có lộ trình thì sẽ theo đúng lộ trình”, ông Khanh đánh giá.
Chia sẻ về việc theo dõi việc thực thi, sửa đổi pháp luật trong 2 năm vừa qua, ông Khanh nói rằng đối với cả 2 hiệp định EVFTA và CPTPP thì tư duy làm luật của Việt Nam đã được nâng tầm.
“Chúng ta đã chấp nhận một tiêu chuẩn cao hơn, không chỉ dừng lại ở WTO và đã quan tâm đến CPTPP. Việc quan tâm tới CPTPP tức là quan tâm ở mức tiêu chuẩn cao hơn hẳn, điều này rất đáng để kì vọng trong việc ban hành các văn bản pháp luật trong thời gian tới”, ông nói.
Về các hàm ý chính sách cho hoạt động xây dựng thực thi CPTPP trong thời gian tới, báo cáo của VCCI đã đưa ra các khuyến nghị để nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật để tiếp tục thực thi CPTPP cũng như các FTA mới ký kết, có hiệu lực của Việt Nam.
Thứ nhất, hoạt động rà soát tính tương thích với cam kết FTA và lập kế hoạch xây dựng thực thi cam kết cần được thực hiện một cách bao trùm hơn, có tính liên ngành, minh bạch và tham vấn đầy đủ với các đối tượng liên quan.
Thứ hai, việc soạn thảo nội dung cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn.
Thứ ba, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình.
Thứ tư, quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, và thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết.
Cuối cùng, các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA cần được xem xét mở rộng mục tiêu, xây dựng pháp luật không chỉ để tuân thủ cam kết mà còn để đáp ứng chính nhu cầu nội tại của Việt Nam trong quá trình hội nhập FTA.