Trong suốt 20 năm gắn bó, tôi đã tận mắt chứng kiến những thăng trầm của tờ báo (nay là tạp chí), từ lúc báo in khổ to như báo Nhân dân của những số đầu tiên cho đến những cuộc cải cách vô cùng ấn tượng.
Ngày ấy, báo phát hành một tuần một số nên có bài được đăng, với một phóng viên là một vinh dự, là niềm tự hào, hãnh diện nên ai cũng nâng niu “con đẻ” của mình. Tuy phóng viên ít nhưng không phải cứ viết bài là được đăng, sự cạnh tranh có thể nói là vô cùng khốc liệt. Cái khó nhất đối với phóng viên ngày đó chính là chọn đề tài.
Vì là tờ báo mới, nhân sự lại ít nên công tác phát hành chưa thực sự phát triển, mỗi sáng phát hành, từng nhân sự của tòa soạn lại hăm hở đến trụ sở, lấy báo đi giao cho từng sạp báo bán lẻ. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi thành viên trong “ngôi nhà chung”. Nhờ những ngày ôm báo trực tiếp đi giao đó, từ chỗ “ngoại đạo” về nghề báo, tôi đã hiểu thế nào là phát hành, thế nào là lưu chiểu…
Cứ như thế, từ chỗ chỉ in hàng ngàn, đã có lúc số lượng phát hành của báo lên tới hàng trăm ngàn bản, “phủ sóng” khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí cả ở nước ngoài. Để có được thành quả ấy là công sức của cả một tập thể, từ Ban Biên tập cho đến từng nhân sự, đồng lòng, đồng tâm. Sau này, khi kể lại giai đoạn khó khăn này với các lớp đàn em, chúng tôi vô cùng tự hào vì mình đã góp một chút sức lực nhỏ nhoi để đặt nền móng cho tờ báo ngày hôm nay!
20 năm, tôi đã chứng kiến từng thế hệ (mà chúng tôi thường gọi vui với nhau là F1, F2…) lớn lên và trưởng thành, chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chia ly. Và cũng tự hào thay, sau khi “ra đi”, dù tiếp tục làm công tác báo chí hay chuyển hướng kinh doanh nhưng ai cũng trưởng thành. Với tư cách là “người ở lại”, cá nhân tôi, mừng cho họ!
Năm 2007 có lẽ là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời làm báo của tôi. Sau 6 năm làm phóng viên nội chính, ngồi mòn ghế các phòng xử án, chạy đôn chạy đáo lấy tin an ninh trật tự, một ngày, Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Thanh (khi ấy đang là Phó tổng biên tập phụ trách nội dung) bảo tôi: “Em có muốn làm biên tập không? Đừng trả lời anh ngay, cứ suy nghĩ cho kỹ đi rồi quyết định”. Đề nghị của sếp khiến tôi suy tư mất… 3 ngày. Làm phóng viên đang “bay nhảy”, tháng đi “du lịch miễn phí” 2, 3 lần, giờ “đút chân vào gầm bàn”, liệu tôi có chịu được sự bó buộc hay không? Xưa nay, khi viết bài, mình chỉ phải chịu trách nhiệm với bài viết của chính mình, nay khi sửa bài, dùng bài của người khác, mình sẽ phải chịu trách nhiệm với BBT, với cả phóng viên… Đây chính là câu hỏi khiến tôi trăn trở nhất. Được sự động viên của sếp Thanh và các bạn đồng nghiệp, tôi đã trở thành thành viên của ban Thư ký từ đó.
Từ lúc làm biên tập, tôi bắt đầu có cái nhìn khác về việc làm báo. Nếu khi làm phóng viên, quan tâm lớn nhất của tôi mỗi khi báo ra là tin, bài của mình có được đăng không, có bị “cắt, gọt, chỉnh, sửa” gì không? Nhưng khi làm biên tập, cái tôi quan tâm là trong số báo ngày mai, có tin, bài gì hay, hấp dẫn bạn đọc nhất? Thế là trong hàng xấp tin, bài của cộng tác viên, của phóng viên, văn phòng đại diện, văn phòng thường trú gửi về, thành viên ban thư ký chúng tôi phải “gạn đục, khơi trong”, chọn ra những tác phẩm hấp dẫn nhất, hot nhất để “bày mâm, sắp cỗ”.
Ngày ấy, Đời sống và Pháp luật mới chỉ có báo giấy, phát hành tuần 3 số, chưa có báo điện tử cũng như truyền hình như bây giờ, Internet cũng chưa thực sự phát triển. Phóng viên chủ yếu nộp bài bằng bản in A4 và công tác biên tập cũng thực hiện trên giấy và in đêm. Có làm biên tập mới thấy có những lỗi ngớ ngẩn đến không ngờ như kiểu “24h đêm”, quả sake nhưng phóng viên viết thành ngọc kê… Việc của chúng tôi là không để cho những “hạt sạn” ấy xuất hiện trên mặt báo. Ngày mai, ấn phẩn mà bạn đọc cầm trên tay phải là toàn mỹ nhất, đặc sắc nhất.
Trong 20 năm làm báo, tôi có một độc giả trung thành, bà là hàng xóm sát vách nhà tôi, giờ đã hơn 80 tuổi. Ngày nào đi làm về, bà cụ cũng hỏi tôi: “Hôm nay không có báo à con?”, rồi khi cầm tờ báo trên tay, bà đọc không sót một trang nào. Sự mến mộ của bà cụ đối với tờ báo chính là nguồn động viên vô bờ để chúng tôi có động lực thực hiện các số báo tiếp theo. Sau này, dù đã có hàng triệu bạn đọc, tôi vẫn không quên được hình ảnh bà cụ nhỏ nhắn cầm tờ Đời sống&Pháp luật chăm chú đọc…
Trong giai đoạn cải cách lần thứ nhất, có những số báo, đích thân sếp Thanh chỉ đạo làm trang 1. Giật tít thế nào, bài nào xứng làm bài trung tâm, bố trí, sắp xếp ảnh ra sao cho hấp dẫn nhất…
Chính vì phải chờ tin đến “phút 89” nên việc phải “đón Giao thừa” ngoài đường, hay “cơm đường, cháo chợ” cũng là chuyện cơm bữa với các thành viên ban Thư ký. Thế nhưng cái cảm giác “nhẹ nhõm” sau khi hoàn tất từng số báo vào thời đó rất khác so với bây giờ. Chỉ sau khi bản can cuối cùng được in ra, kỹ thuật viên mo-rát soát xong và chốt “ok” thì mọi người mới thở phào và lục tục ra về. Tám tiếng đồng hồ sau, mọi thứ lại bắt đầu như ngày hôm qua!
20 năm làm báo, 13 năm làm công tác biên tập, tôi đã quan sát, đã chứng kiến từng lớp, từng lớp phóng viên trưởng thành. Họ đến với báo vào giai đoạn khó khăn có, giai đoạn phát triển có, lúc chững lại cũng có, từng người đều có những dấu ấn, đóng góp nhất định với tờ báo. Để rồi những lúc gặp lại nhau, chúng tôi lại có một điểm chung đó là “ôn kỷ niệm” về quãng thời gian cùng làm việc với nhau…
20 năm, từ cô sinh viên luật mới ra trường, chân ướt chân ráo vào làm báo, lạ lẫm tìm hiểu cách săn tin, viết bài, làm quen với từng ký hiệu biên tập, cách xếp trang để ra một số báo hoàn chỉnh, tôi đã trở thành một thư ký tuổi trung niên. Cuộc mưu sinh đôi khi khiến tôi chai sạn cảm xúc, nhưng mỗi khi nhớ về những ngày đầu tiên làm báo ấy, đặt chân về lại chốn xưa, những nơi báo từng đặt trụ sở, tôi vẫn không giấu được cảm giác bồi hồi, xúc động. Nơi ấy, tôi được học cách làm báo, được nhận những lời khen, chê từ bạn đọc, được từng bước trưởng thành. Còn nhớ hôm chia tay tòa soạn để thực hiện giãn cách xã hội khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất, chúng tôi ai cũng nghẹn ngào như sắp phải rời xa người thân. Thế mới biết, trong tâm của mỗi người, tòa soạn đã như ngôi nhà thứ hai.
Bây giờ, trong không khí hân hoan chào mừng ngày Đời sống&Pháp luật ra số báo đầu tiên, tôi có thể tự hào khi nói rằng: “Thanh xuân của tôi chính là Đời sống&Pháp luật!”.
Kim Ngân