Đơn giản, vì khi ấy người ta đang háo hức với những vật liệu mới. Và, chỉ khi bê tông đã xâm lấn và ngự trị, một hôm nào đó qua đường chợt nhìn lại, dấu tích xưa mới dậy lên trong lòng người nỗi nhớ nôn nào về một ký ức làng – một câu trả lời thuyết phục và có lý cho sự nôn nóng và nông nổi về văn hóa.
Làng quê, vốn dĩ chẳng phải là một di sản văn hóa quý hiếm gì. Nếp sinh hoạt, cách dựng nhà, đắp đường, quy hoạch kiểu tự giác bằng tinh thần tự túc.
Nhưng thật lạ, khi những lề lối ấy đã thẩm thấu vào đời sống tinh thần, bỗng dưng thành thứ hồn vía ám mị những tâm hồn vốn dĩ đã tự lấp mình bằng nỗi lo toan tính, mưu sinh.
Con đường mới mở tít tắp hàng cột đèn uốn cong từng chùm sáng bạc. Ban ngày, nhìn chúng như những cây hoa hướng dương hướng về hừng đông đón nắng. Ruộng vẫn còn đó nhưng không còn xanh mải miết bởi những khu công sở mới chia màu xanh ấy thành từng phân khúc.
Trên kia là quạt gió điều hòa chạy ù ù, dưới ruộng là người nông dân mướt mát mồ hôi đi thăm mảnh ruộng nhà. Nhưng, chỉ cần bỏ một chiều dạo mát chứ không lượn xe máy vù vù, chợt thấy nhói lòng khi nhìn ngõ làng vẫn uốn khúc nguyên sơ, mép cỏ vẫn in hằn cái dấu nếp của bao đời chân người làng qua lại.
Mỗi bụi tre làng là một dấu mốc, tạo ra khúc cua, một dấu ngã phân vân cho những ai đã trót lãng quên cội rễ. Tên những xóm Xê, xóm Gai mộc mạc như cây cối ven đường nhưng tha thiết một thời làng Việt Mường với đình, miếu, lễ hội.
Mải ngước mắt nhìn lên ngọn đồi xẻ vát như một tia chớp cắt ngang, xóa đi sự tĩnh lặng của xanh thẳm rừng đồi, nơi từng đàn lợn rừng chạy loạn những ngày rừng động.
Thế mà khi vừa ngó xuống đã bắt gặp những ngõ làng Mường xưa vắt qua sườn đồi như chiếc thắt lưng xanh của sơn nữ Mường. Không đâu như miền rừng này, mọi con đường đều đẹp như một một huyền thoại.
Mỗi khúc uốn, nút thắt đường qua làng này xóm khác đẹp như một thứ trang sức cho diện mạo hoang sơ mà tràn sức sống của làng quê miền thượng.
Ngẫu nhiên mà những con đường dẫn vào làng lại quanh co ngõ trúc. Không thẳng tuột đến cửa nhà ai quyền quý, không hoang tàn dẫn lối đến một mái tranh nghèo.
Nhìn mà chợt nhớ xưa dưới bóng mát ấy là hun hút gió quê như lời gọi mời ma mị, là mùi bùn nồng và mát từ những ao làng, đìa sen, từ tiếng chào mào đua tiếng trong nắng trưa. Mới đó mà đã xa, lần xa này dường như bất tận. Nhìn nhà cao, phố mới mà hoa mắt như vẫn trông thấy một bóng làng mờ ảo.
Lần khác lại bất chợt nhìn thấy vóc dáng xưa của làng từ trên chiếc cầu cũ bắc qua con ngòi Thia nhỏ bé. Phải chăng những đường viền, những khúc đệm ấy lại là nơi nương náu của hồn vía làng xưa hay chính những gì nằm ngoài những biến động kia lại trường cửu nhất?
Không rõ những dấu vết làng xưa ấy sẽ còn lại bao lâu, như bụi tre già bao năm vẫn tồn tại một cách ngạc nhiên giữa phố xá Hà thành; như những cây đa Mường Khến của Mường Bi vẫn nằm giữa ngã ba của những con đường tấp nập hay sẽ sớm mất đi để vĩnh viễn cắt đứt mối liên hệ với chất quê mùa ngày xưa, để rồi những kẻ mang tâm bệnh hoài cổ, nhớ quê khỏi vương vấn và tơ tưởng.
Nhưng, trước khi những điều ấy xảy ra, trong cái nhìn của con người hôm nay vẫn khắc khoải một sự hy vọng. Dù biết sau ngõ trúc, đường tán tre rợp mát kia lại hiện lên nhà lầu, biệt thự.
Vẫn biết ngòi nước kia sẽ chẳng chạm được vào những mảnh vườn giờ đã chia lô, cắt khúc, vẫn biết tất cả phải tự làm mới mình để bắt nhịp cho một sức sống mới nhưng dường như tất cả những kiến giải đó đều không thể xua đi một ước muốn.
Hồi ức như chiếc lá tre vàng rớt xuống ngòi nước kia, gửi những lãng quên ngờ nghệch của tuổi thơ đi bất tận mà đến hôm nay vẫn chưa thấy trở về trên mặt nước xanh trong lấp lánh ánh nắng một trưa mùa Hạ.
Theo Doanh nhân Sài Gòn