Tuy nhiên, ở góc khác của cuộc đời, họ vẫn khao khát được sống, được lao động và làm điều gì đó có ích cho gia đình và xã hội.
Chúng tôi về thăm trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Hải Phòng thuộc xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng trong cái nắng gay gắt của mùa hè. Các học viên trong trung tâm, mỗi người có một hoàn cảnh, sự lầm lỡ khác nhau, nhưng ở họ đều có chung niềm tin được làm lại cuộc đời. Có thể nói hơn một nghìn học viên trong Trung tâm là hơn một nghìn mảnh đời ghép lại…
Tiếp chuyện với chúng tôi là thượng tá Nguyễn Quang Toàn, gám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Hải Phòng. Người lính Trường Sơn năm xưa nay trở về lại dũng cảm nhận một nhiệm vụ mới không kém phần gian khó là giúp đỡ những người nghiện ma túy tìm lại chính mình.
Thượng tá Nguyễn Quang Toàn cho biết: "Hiện tại Trung tâm có 280 cán bộ nhân viên, thường xuyên quản lý, chữa trị cho trên 1.200 người nghiện ma túy tuổi từ 18 đến 60 (có 40% nhiễm HIV/AIDS). Khi mới vào Trung tâm, hầu hết đối tượng đều trong tình trạng sức khỏe suy giảm, biểu hiện hội chứng cai rõ rệt, dữ dội. Hơn nữa, số người lệ thuộc ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng với biểu hiện trầm cảm, hoang tưởng, hung hăng nên rất khó khăn cho công tác quản lý và chữa trị".
Chúng tôi được ông Nguyễn Quang Toàn chỉ dẫn xuống Đội QLHV Số 3 để tìm hiểu không gian sinh hoạt của các học viên nơi đây. Theo quan sát của chúng tôi, khu nhà dành cho các học viên được xây dựng khá khang trang: Mỗi phòng ở có 8 chiếc giường sắt, hệ thống phòng sinh hoạt, tắm giặt đều tươm tất, đầy đủ. Giám đốc Toàn giới thiệu cho chúng tôi biết đây là khu nhà của học viên sau khi cắt cơn nghiện. Khi đến đây họ sẽ được chuyển sang dạy nghề làm giấy vàng mã hay học nghề làm gốm, xưởng mài đá mỹ nghệ.
Lúc này, các học viên đang giờ nghỉ trưa, họ túm năm tụm ba thành từng nhóm nhỏ nói những câu chuyện vui. Khi thấy có khách lạ đến thăm, họ nhìn chúng tôi bằng ánh mắt tò mò và bối rối chào hỏi: "Em chào cán bộ ạ!". Chúng tôi giật mình khi được biết, các học viên này chính là những người nghiện lâu năm đã bị nhiễm H. Sau vài ba phút chia sẻ, câu chuyện của chúng tôi và các học viên dần trở nên gần gũi và đồng cảm với nhau hơn, nhất là khi nghe học viên Trịnh Thế Định kể lại câu chuyện đẫm nước mắt về cuộc đời lầm lỡ của mình.
Định sinh ra và lớn lên trên thành phố Cảng với phố phường rợp trời hoa phượng mỗi độ hè về. Những năm tháng tuổi thơ, Định luôn sống trong vòng tay thương yêu trìu mến của gia đình. Cuộc sống gia đình khó khăn nhưng cha mẹ Định vẫn tần tảo, chắt chiu từng đồng, từng hào để con trai được ăn học đến nơi đến chốn. Sau mấy năm học đại học, Định đã trở thành kỹ sư nhà máy đóng tàu. Hạnh phúc của Định trở nên viên mãn khi có một tổ ấm nho nhỏ, đơn sơ cùng tiếng cười bi bô con trẻ bên người vợ hiền yêu quý. Những tưởng mái ấm gia đình Định cứ thế bình lặng, êm trôi, nhưng ở đời có ai biết được chữ ngờ.
Cuộc đời Định rẽ sang ngang khi Định bị cơn lốc ma túy cuốn đi trong phút giây không làm chủ được bản thân. Những cuộc vui bên "làn khói trắng" làm Định không còn là chính mình nữa. Mái ấm khi xưa không còn tiếng cười đùa của cả gia đình mà thay vào đó là những giọt lệ đau buồn của người vợ hiền cùng ánh mắt ngây thơ nhìn đến nao lòng của con trẻ, hình ảnh còm cõi của mẹ già đang tuyệt vọng và những ánh mắt xa lánh của người thân. Cuộc sống của anh rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc bởi "cơn lốc ma túy". Trên con đường cùng tưởng như không còn lối thoát ấy, Định cay đắng phát hiện mình bị nhiễm HIV trong một lần chích chung kim tiêm. Và cuộc đời Định ngỡ như một dấu chấm hết!
Sau 15 năm "bầu bạn" cùng ma túy, số phận đã may mắn mỉm cười với Định khi có cơ hội được cai nghiện tại trung tâm, chăm sóc giảm nhẹ cho căn bệnh nhiễm H. Và hơn hết là những viên thuốc nghĩa tình cùng sự chăm sóc tận tụy của cán bộ, nhân viên trung tâm. Cuối mùa hè này, Định sẽ trở về hòa nhập cộng đồng, về với tổ ấm gia đình và làm lại cuộc đời.
Vy Giáng