Nơi những chàng trai muốn được vợ phải cả đời ở rể

Nơi những chàng trai muốn được vợ phải cả đời ở rể

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Người Mạ ở Tà Lài, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai dù đã được xây những ngôi nhà tường gạch khang trang, cũng vẫn thích ở những nếp nhà sàn dựng tranh của mình bởi không gian ấy ẩn chứa những điều thú vị, khác lạ đã gắn liền với họ.

Cao giá như con gái Mạ

"Vương quốc" Mạ nằm sát bên rừng Quốc gia Cát Tiên, được bao quanh bởi những ngọn núi. Thanh niên Mạ ngày nay không còn cà răng, căng tai, đeo chuỗi hạt đủ các loại màu trên cổ như ông bà, cha mẹ mình nữa. Những đứa trẻ lớn lên được đến trường, được lên thành phố học hành, làm việc như mọi người, chứ không chỉ quanh quẩn với nương rẫy, cái bếp, những bậc cầu thang trước nhà sàn như ông bà xưa kia.

Chị K'Riển, con gái bà K'Bào - người từng được công nhận là nghệ nhân dân gian người Mạ của tỉnh Đồng Nai cho biết: "Hôn nhân của người Mạ là một vợ, một chồng, theo chế độ phụ hệ. Nhưng người Mạ không hề có quan niệm trọng nam khinh nữ như nhiều nơi khác. Khi con trai đến tuổi trưởng thành (khoảng 15- 17 tuổi), cảm mến cô gái nào thì báo cáo cha mẹ để tìm người mai mối. Người Mạ quan niệm, khi người con gái đi lấy chồng, nhà gái mất đi một lao động, nên sính lễ được đòi hỏi khá nhiều để đền bù sự mất mát đó.

Người con trai muốn đính hôn với một người con gái thì phải biếu bố mẹ vợ tương lai nhiều món quà quý, thường là một ché rượu, một con gà, một số tặng phẩm như chuỗi hạt đeo cổ, lục lạc, lược sừng và một số đồ trang sức nhỏ khác theo ý thích của người vợ tương lai" .

Pháp luật - Nơi những chàng trai muốn được vợ phải cả đời ở rể

Những chủ nhân tương lai của "vương quốc" Mạ.

Theo lời chị K'Riển, trước khi tiến hành hôn lễ, nhà trai nộp cho nhà gái một cặp chiêng, ba mươi cái ché, hai con trâu, ba đến sáu con lợn. Suốt đêm vợ chồng trẻ và mọi người trong bon (có thể hiểu là buôn) tiệc tùng, cũng có nhà tiệc tùng suốt mấy ngày liền. Sau khi cưới, chàng trai phải sang bên gia đình vợ ở rể. Được vài năm, cha mẹ họ hàng đàng trai làm lễ trả của cho đàng gái.

Trường hợp chưa trả đủ thì hẹn lại lần sau, nhưng chàng trai phải tiếp tục ở rể. Vì vậy nên có những người con trai nhà quá nghèo hoặc cha mẹ mất sớm không có người lo liệu lễ vật, có thể sẽ ở rể cả đời mà vẫn chưa trả hết số lễ vật để đưa được vợ về nhà mình. Nam nữ Mạ được phép ăn nằm với nhau trước hôn nhân, và việc này không hề ảnh hưởng đến giá trị của người con gái lúc đi lấy chồng.

Ở rể đến lúc chết vẫn chưa được vợ

Theo dòng hồi tưởng, chị K'Riển kể chuyện về gia đình mình. Cha chị K'Riển là một người nghèo ở trong làng, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vì vậy nên lúc lấy mẹ chị, ông phải qua nhà vợ ở rể để trả cho hết số nợ lễ vật cưới vợ còn thiếu. Ở nhà vợ đến khi có với nhau 10 mặt con mà vẫn chưa hoàn tất lễ vật, thì ông bị bệnh rồi qua đời. Chính vì vậy anh em chị sẽ không lấy họ theo họ cha mà lấy theo họ mẹ.

Chị K'Riển giải thích rằng: "Bởi vì chị không sống bên nhà bố, bố chưa kịp trả của thì đã mất nên vẫn chưa được coi là đã có cưới hỏi đầy đủ". Thì ra với người Mạ, khi người con trai ở rể thì những người con của hai vợ chồng vẫn mang họ mẹ, chỉ đến khi nào người cha trả hết của thì con mới chuyển sang họ cha. Lúc đó người con trai mới thực sự hoàn tất việc cưới vợ của cuộc đời mình.

Rồi đến việc lập gia đình của chị. Chồng chị K'Riển cũng là một thanh niên nghèo, cha mẹ đều mất sớm. Chính vì vậy mà đến giờ anh vẫn còn ở rể nhà chị, dù người con lớn của chị năm nay đã ở lứa tuổi đôi mươi. Không biết anh còn phải ở rể thêm bao nhiêu năm nữa thì mới trả đủ số lễ vật cho gia đình vợ, để các con anh sẽ mang họ của anh. Và việc lấy vợ của anh được hoàn tất theo quan niệm của người Mạ?

Tuy nhiên, chị K'Riển cũng tiết lộ rằng thường chỉ có những người nào mồ côi cha mẹ sớm, không anh em họ hàng thân thích thì mới phải chịu ở rể đến hết đời ở nhà vợ. Còn những gia đình khác, dù nghèo nhưng đông anh em hoặc còn dòng họ, thì họ hàng trong họ sẽ góp của lại cho con cháu mình để trả đủ số của, đưa vợ về ở nhà mình chứ không chịu ở rể suốt đời. Vì người Mạ cũng e ngại chuyện ở rể suốt đời sẽ khiến dòng họ, gia đình của mình dần dần mất đi người nối dõi.

Ở rể để trả của cho nhà gái với người Mạ là chuyện rất đỗi bình thường trong mối quan hệ gia đình và xã hội. Trong cuộc sống hiện đại này, chúng ta hiển nhiên cho rằng hôn nhân chỉ cần một tờ giấy đăng ký kết hôn, được pháp luật công nhận còn quan trọng hơn cả việc tổ chức một đám cưới.

Việc hai người yêu thương nhau, được sống bên nhau còn quan trọng hơn cả đống của cải vật chất. Nhưng với người Mạ thì khác. Thậm chí hiện nay dù chấp hành đúng pháp luật, nghĩa là ra xã đăng ký kết hôn, thì người Mạ vẫn duy trì tục ở rể để trả công nuôi dưỡng vợ cho gia đình nhà gái. Và chắc chắn sẽ không có cô gái Mạ nào chịu theo không người con trai khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ và chưa được tổ chức lễ cưới. Khi việc ở rể là điều bất đắc dĩ không hề mong muốn của bất kỳ đàn ông người Việt nào, thì lại là điều tất yếu phải có khi đến tuổi lập gia đình của con trai Mạ.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xưa kia bộ tộc người Mạ là một "tiểu vương quốc" trong một nhóm các tiểu vương quốc góp phần tạo nên quần thể di tích thánh địa Cát Tiên. Một "tiểu vương quốc" không có ngai vàng của các vị vua chúa, chỉ có những người già làng duy trì mọi hoạt động của làng bằng các luật tục, được truyền từ đời này sang đời khác mà không một người làng nào dám phá bỏ. Ngày nay, làng người Mạ vẫn có những vị già làng như thế, nhưng vai trò của già làng chỉ còn quan trọng trong việc duy trì các tập quán văn hóa tinh thần của người Mạ mà thôi.

Chiều về trên làng người Mạ, những cô bé, cậu bé Mạ - những chủ nhân tương lai của "vương quốc" hồn nhiên đuổi nhau chạy trên con đường đất. Không biết trong số họ mai này, có cậu bé nào sẽ phải ở rể suốt đời bên nhà gái khi lấy vợ nữa không?

Lễ vật có thể lên tới cả trăm triệu đồng

Chị K'Riển có bốn người con thì đến ba trong số họ là con gái. Chị mang ảnh chụp gia đình mình cho chúng tôi xem. Những cô con gái chị K'Riển đều theo học đại học, cao đẳng ở thành phố, nên ít nhiều đã mang hơi thở chốn thị thành náo nhiệt, phồn hoa. Chúng tôi hỏi chị ba cô con gái học cao thế này thì chắc lễ vật thách cưới phải nhiều lắm? Chị cười lắc đầu: "Tới thời tụi nhỏ bây giờ đám cưới cũng khác rồi, chỉ còn một số gia đình vẫn giữ lại tập tục cưới hỏi như trước đây thôi. Nhưng là người Mạ lấy người Mạ họ mới chịu làm theo tập tục, nếu là người Kinh thì thường chỉ tổ chức như đám cưới của người Kinh thôi. Chị cũng cho biết thêm, tính theo giá trị hiện nay, tổng số lễ vật nhà trai phải trả cho nhà gái lên tới hàng trăm triệu đồng. Đây quả là một con số không nhỏ với hầu hết mọi người lao động bình dân, chứ không riêng gì người Mạ.

Lam Giang - Quyên Triệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.