Đại ca tay run run... cầm phấn
Trưa hè, trời như đổ lửa, trong trung tâm Chữa bệnh giáo dục xã hội tỉnh Hòa Bình xen vào tiếng ve kêu ra rả là tiếng đồng thanh tập đọc của một lớp học. Trong căn phòng rộng rãi, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng hiếm có, đúng như một lớp "bình dân học vụ" ngày trước.
Hàng chục người đàn ông đã lớn tuổi vẫn đang cặm cụi tập viết, đánh vần từng con chữ một cách ngọng nghịu, khó khăn. Đó là cảnh người đàn ông già nua, nhỏ bé với ánh mắt đã mờ đang dán mắt vào bảng, tay run run cầm phấn tập viết tên mình và địa chỉ nhà. Tuy nét chữ chưa được đẹp, còn nghệch ngoạc nhưng trong ánh mắt hấp háy kia loé lên niềm vui, sự hy vọng.
Cảm động hơn là cảnh người đàn ông với ngón tay cụt từng một thời ngang dọc giang hồ nay lại ngượng nghịu xoay xở chiếc bút một cách khó khăn đang tô theo quyển sách tập viết. Chiếc bút thỉnh thoảng lại tuột khỏi tay, rơi ra bàn rồi lăn xuống đất. Lần nào cũng vậy, người đàn ông ấy cũng chậm rãi, cúi xuống nhặt bút lên thổi cho sạch rồi tiếp tục công việc của mình. Nhiều lúc màu tô chệch ra ngoài nét mẫu, anh chán nản, định bỏ cuộc, thì cô giáo lại có mặt động viên, cầm tay uốn nắn từng ly từng tý một. Đến khi người đàn ông ấy vui vẻ, chú tâm hơn vào môn học, cô giáo mới chuyển sang hướng dẫn người khác.
Lớp học ươm mầm ánh sáng mới cho những người từng lầm lỡ
Trong lớp học ấy, còn có ánh mắt hiền dịu của gã xăm trổ đầy mình với cái đầu trọc đang tập đọc ê a, khiến người ngoài nhìn vào như một bức tranh trái ngược. Bởi, nhìn vào "tàn tích" trên cơ thể, chắc hẳn trước kia hắn cũng phải là kẻ có "máu mặt". Khi bị giáo viên nhắc nhở, gã cũng chỉ cười hiền, đưa tay lên gãi đầu bảo: "Vâng, em sẽ rút kinh nghiệm!".
Trong lớp học ấy, chúng tôi ấn tượng nhất với hình ảnh người đàn ông đen đúa, gầy gò với mái tóc muối tiêu, khoác trên mình chiếc áo công nhân sờn vải cứ cúi gằm xuống quyển sách tập đọc. Anh là Đinh Công Yên, trú tại xóm Pảnh, xã Piềng Vế, Mai Châu, Hòa Bình, nếu ở quê, nhiều người bằng tuổi, thậm chí là ít hơn đã có cháu nội, cháu ngoại đề huề, còn anh ta vẫn phải ngồi đây loay hoay tập đọc, đánh vần từng con chữ trong quyển sách lớp 1.
Yên sinh ra trong gia đình có 7 anh em, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học đành đứt gánh. Ngày bé, anh làm nông, lớn theo nghề mộc, cuộc sống cứ yên ả, bình dị như thế nếu anh không sa chân vào ma túy. Bị bắt rồi đưa vào Trung tâm, sau khi được cắt cơn, cho uống thuốc, anh được đưa đến học lớp xóa mù này. Thời gian đầu, Yên cảm thấy việc học vất vả, khó khăn hơn nhiều so với việc làm nương rẫy, dựng nhà, đóng giường tủ mà mình vẫn làm. Bởi cái tay cầm thước, cầm đục đã quen, nay chuyển sang cầm bút, cầm phấn quá đỗi khó khăn. Nhưng, được sự động viên, hướng dẫn tận tình của cô giáo, giờ đây những bỡ ngỡ ban đầu đã chuyển sang say mê. Yên đã nhận ra được lợi ích lớn lao khi mình biết đọc, biết viết sẽ thế nào.
Mong học chữ để viết thư gửi về nhà
Điểm đặc biệt của lớp học này nữa là, dù chỉ có khoảng hơn 20 học sinh, nhưng lại được chia ra thành nhiều nhóm. Có khi cô giáo vừa hướng dẫn người này tập đọc theo chương trình lớp 1, lại quay sang hướng dẫn người khác làm toán lớp 5. Hay cùng một chiếc bảng nhỏ, nhưng có đến ba người ở ba lớp khác nhau cùng lên làm bài tập.
Theo cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên của lớp cho biết: "Do cơ sở còn nhiều khó khăn, số học viên cũng không quá nhiều, giáo viên lại ít nên Trung tâm đành phải gộp tất cả số học sinh vào cùng một lớp. Chính vì thế lớp học đặc biệt này không chỉ hai trong một mà là năm trong một. Chương trình dạy cho các học sinh này cũng khác nhiều so với chương trình bên ngoài, bởi chưa đầy hai năm đã phải hoàn thành tốt nghiệp tiểu học. Trong khi đó, học sinh ở đây thường lớn tuổi nên khó khăn trong việc tiếp thu bài vở cũng như tập đọc, tập viết. Do đó, việc giảng dạy hết sức vất vả. Nếu không có tình yêu nghề, chắc hẳn chúng tôi không thể trụ lại được".
Cô Tâm cho biết thêm, sở dĩ mình gắn bó với những học sinh "đặc biệt" bởi cô có niềm vui nghề nghiệp. Đó là việc những học viên khi vào Trung tâm không biết đọc, biết viết, sống trong cảnh u tối, thiếu hiểu biết. Sau khi cải tạo xong, ra ngoài, họ có thể bắt nhịp được với cuộc sống. Và không ít những người đã trưởng thành, có công ăn việc làm, trở thành người lương thiện, biết tính toán làm ăn hợp pháp, nuôi dạy con cái ngoan ngoan, viết những bức thư đẫm nước mắt gửi về cảm ơn cán bộ Trung tâm.
Sau khi hoàn thành bài kiểm tra một cách khó khăn, bởi mắt kém, ngón trỏ và ngón giữa bị cụt, anh Bùi Văn Miền (SN 1964) trú tại xóm Mượt, xã Cun Pheo, Mai Châu, chậm rãi trở về chỗ ngồi của mình, cặm cụi đọc lại bài tập.
Giữa giờ nghỉ giải lao, chúng tôi mới có dịp trò chuyện với Miền. Miền đã có vợ và 3 đứa con nhưng vì mải chơi nên sa chân vào ma túy, cuộc sống cứ lay lắt, như người thừa. Thậm chí ngay cả việc dạy con, cháu học bài cũng không thể. Từ khi vào Trung tâm, được cán bộ dạy dỗ, bảo ban, giờ đây anh đã biết đọc, biết viết và cộng trừ, nhân chia.
Anh vui vẻ bảo rằng: "Từ khi biết cái chữ, tôi thấy cuộc sống tươi đẹp hơn nhiều. Giờ đây tôi đã có thể viết thư về động viên mẹ con. Sau này, khi hết thời gian cải tạo, tôi sẽ đem kiến thức của mình để dạy cho các cháu của mình, bảo ban chúng cố gắng học tập để thành người hiểu biết, tránh vi phạm pháp luật".
Tìm chút ánh sáng cuộc đời Cô giáo Hồ Thị Chính, người giảng dạy lớp học đặc biệt này cho biết: "Đây là lớp học xóa mù chữ cho những học viên đang phải cải tạo trong trung tâm Chữa bệnh giáo dục xã hội. Trước khi đến đây, hoàn cảnh của mỗi học viên mỗi khác, người thì nghiện ngập, người nhiễm HIV, người trộm cắp, đánh bạc, người lại môi giới, bán dâm… nhưng họ lại có cùng một điểm chung là không biết đọc, không biết viết. Việc dạy cho những đối tượng này thường rất khó khăn, bởi không ít người trong số họ trước đây là đối tượng "bất hảo", không biết tiếng phổ thông, có dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết về khả năng học, đọc". |
Nhật Tân