Nằm cách quốc lộ 1A khoảng hơn 10km, trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng hiện đang nuôi dưỡng 108 thương bệnh binh. Trong đó có 41 thương binh nặng (tất cả đều thương tật từ 81 – 95%) bị loạn thần do vết thương chiến tranh.
Cả trung tâm có 3 khoa gồm Kích động, Xã hội và Thuyên giảm nhưng nặng nhất là khoa Kích động. Ở đây luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài” để bệnh nhân không bỏ trốn ra ngoài.
Những hôm trái gió trở trời hay thay đổi thời tiết những vết thương chiến tranh còn lại một phần trong thân thể khiến những thương bệnh binh này lên cơn đau nhói, có người thì la hét, có người thì tưởng là quân giặc trước mặt nên trút những cái đấm, cá đá vào những bệnh binh khác. Tất cả họ đấu tranh với chính mình, đấu tranh với bệnh tật.
Những lúc tỉnh táo thì cùng nhau luyện tập thể dục rèn luyện sức khỏe.
…nắm tay nhau nđi khắp dãy nhà.
Hay cùng nhau san sẻ những điếu thuốc. “Vì đa phần không có người thân, không có gia đình nên những người thương binh trong trung tâm đều rất thích hút thuốc, có lẽ đó là cách để vơi bớt đi nỗi buồn cô quạnh”, anh Lê Tuấn Anh, cán bộ trung tâm chia sẻ.
Nhiều người xem phim không phân biệt được màu sắc nên phải đứng sát tivi để nhìn cho rõ.
Là người thương tật tới 95%, bác Nguyễn Xuân Tái (68 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) bị bệnh đường ruột mãn tính nên ăn uống không hấp thụ được. Suốt ngày thơ thẩn không biết mình là ai, ở đâu?
Thương binh Trần Văn Cơ (61 tuổi) có biệt tài là người trốn ra ngoài giỏi nhất, từ khi được đưa vào trung tâm ông đã trốn ra ngoài đi lang thang cả chục lần. Ông bị tâm thần phân liệt nên cứ nhìn thấy nước là tắm.
Bác Lê Anh Vũ quê ở Yên Bái là người vào trung tâm từ khi mới thành lập, đi chiến trường rồi mắc bệnh, bác chưa từng có mảnh tình nào, nước sôi không uống nhưng cứ thấy nước lã là bác lại chạy ra thò miệng vào uống rồi vặt cỏ dại ăn.
Anh Thủy (43 tuổi) là người trẻ tuổi nhất trung tâm, trước đây anh từng là sĩ quan hàng hải nhưng vì loạn thần nên anh được chuyển vào trung tâm. Những khi tỉnh táo anh lại xách nước tưới rau để rèn luyện sức khỏe cũng như để khuây khỏa nỗi buồn khi không có người thân bên cạnh.
Những lọ thủy tinh đựng thuốc được ghi rõ tên từng bệnh binh để chuẩn bị cho giờ uống thuốc. Mỗi ngày các bệnh binh phải uống thuốc 2 lần.
Hiện tại, mỗi thương bệnh binh được hưởng chế độ ăn là 1,8 triệu đồng/tháng. Những thương bệnh binh ở trung tâm được các y, bác sĩ chăm sóc rất tận tình, kính trọng và tri ân đối với những người đã hy sinh cuộc đời mình cho nền độc lập của dân tộc.
Văn Định