Nỗi niềm của “đại gia cò” miền Tây

Nỗi niềm của “đại gia cò” miền Tây

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Sở hữu khu vườn rộng 22.500m2 cùng hơn 10 vạn con cò với gần 20 loài khác nhau ông được người dân địa phương gọi thân thương là "ông Cò".

"Tài sản lớn nhất của đời tôi là cò. Chúng cho tôi niềm đam mê về cái đẹp thanh cao ở đời, những niềm vui vô tận nhưng cũng khiến tôi phải lao tâm khổ tứ" - ông Nguyễn Ngọc Thuyền, "đại gia cò" Tây Đô chia sẻ.

Bất động sản - Nỗi niềm của “đại gia cò” miền Tây

Ông Năm, người bán chuối cạnh vườn cò trò chuyện với phóng viên

Số phận được thiên nhiên ưu đãi

Chúng tôi tìm đến nhà "đại gia cò" Tây Đô ở ấp Thới Bình I, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ vào buổi chiều tàn dưới cơn mưa tầm tã. Đường vào khu vườn cò của ông Nguyễn Ngọc Thuyền hoa bằng lăng nở rộ soi tím cả đáy nước kênh Bằng Lăng. Sau này, khi mở đường vượt kênh, tên cầu Bằng Lăng cũng được đặt theo tên dòng kênh đó. Đối với ông Thuyền, để cho ấn tượng và tiếp nối truyền thống của người xưa nên ông cũng đặt luôn tên khu vườn nhà mình là Vườn Cò Bằng Lăng".

Nói đến ông Nguyễn Ngọc Thuyền, người dân tại quận Thốt Nốt đều biết ông là người của ta cài vào làm việc cho ngụy quyền Sài Gòn. Chiến tranh kết thúc, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương chiến đấu hạng 3 và quay trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới. Những năm đầu lập nghiệp, vợ chồng ông chỉ có mấy công đất để cấy lúa, trồng rau. Ông luôn day dứt với câu hỏi: "Cứ thế này thì bao giờ mới thoát khỏi cảnh nghèo?".

Năm 1982, ông bàn với vợ mua mảnh đất rộng hơn 22.500m2 của một người bạn với mục đích ban đầu là mở rộng công đất làm ruộng, đồng thời để bảo vệ những cây dừa ông trồng ven con lộ nhỏ gần nhà. Ông Nguyễn Ngọc Thuyền chia sẻ: "Khi gia đình tôi vừa mua khu đất xong thì bỗng dưng cò ở đâu tìm về trú ngụ, chúng đậu kín một dãy trên ngọn cây bằng lăng mà tôi chưa kịp đốn hạ để mở rộng công đất ruộng. Ban ngày thì chẳng có con nào, tới khi chiều về cò lại ở đâu bay tới.

Lúc đầu có khoảng hơn 200 con, tôi bàn với vợ cứ để đó, đằng nào các con cũng còn nhỏ, một mình khai hoang khu đất này thành ruộng sợ không xuể. Nếu mướn người làm thì tốn quá, trong khi tiền nhà mình chẳng có là bao. Mặt khác, số ruộng vợ chồng tôi đang có, cứ chịu khó làm cũng đủ ăn. Rồi cứ chiều chiều cả gia đình tôi ra ngắm đàn cò bay về vườn nhà mình trú ngụ”.

Năm 1983, vợ chồng ông Thuyền và cả xóm làng ấp Thới Bình I bất ngờ khi ngày ngày chứng kiến từng đàn cò đổ về trú ngụ với số lượng ngày một đông hơn. Vốn yêu thiên nhiên nên ông Thuyền chưa bao giờ xua đuổi hay săn bắt cò. Nhiều khi thấy người dân săn bắn, đặt bẫy để bắt cò ông Thuyền ra sức can ngăn và giải thích để họ hiểu và không săn bắn cò nữa. Ông Thuyền chia sẻ: "Đất có lành thì chim mới đậu. Cò về trú ngụ tại khu vườn nhà tôi âu cũng là cái may mắn ở đời mà thiên nhiên ban tặng cho tôi. Tôi bảo vệ loài cò tức là đã góp phần bảo vệ thiên nhiên".

Năm 1991, nước lũ tràn về khiến 40% cây cối trong vườn nhà ông bị chết, đàn cò tản tác khắp nơi. Sau đó, ông và người thân trong gia đình phải lao lực suốt một tuần để dựng cây giả với mục đích cho cò về trú tạm. "May mắn thay, sau đó ít lâu thì gia đình tôi nhận được tiền hỗ trợ từ một vài cá nhân, tổ chức hảo tâm giúp đỡ. Tôi đã dùng số tiền này để mua giống cây, trồng lại chỗ những cây đã chết", ông Thuyền cho biết.

Đến năm 1994, số lượng cò về vườn nhà ông nhiều hơn gấp bội. Ông bàn với vợ con bỏ làm ruộng, đào ao nuôi cá làm thức ăn cho cò, đồng thời trồng thêm cây cho chúng cư trú. Ông Thuyền cho biết: "Gia đình tôi hết sức bất ngờ khi lần đầu tiên sau hơn 10 năm cò về đây, đàn cò bắt đầu sinh sản. Đầu tiên tôi đếm trong khu vườn chỉ có khoảng 5, 7 ổ trứng thôi, nhưng một tuần sau tôi đếm thì số ổ đã vượt quá con số 50 rồi, cả gia đình mừng hết biết".

Bất động sản - Nỗi niềm của “đại gia cò” miền Tây (Hình 2).

Vườn Cò Bằng Lăng

"Ông Cò" của xóm làng

Cho tới bây giờ, người dân ấp Thuận An vẫn thường gọi ông Thuyền với cái tên trìu mến "ông Cò". Họ gọi ông với cái tên như vậy chỉ đơn giản vì ông yêu cò. Ông bảo: "Làm việc phục vụ cho cò mệt lắm, không có sức thì không làm được đâu. Giờ tôi còn mạnh khỏe thế này cũng nhờ đàn cò cả đấy. Tuy mệt nhưng tôi cũng quen rồi". Hàng ngày, ông Thuyền vẫn một mình ngược xuôi theo những con rạch, con mương từ sáng sớm tới chiều muộn chỉ để nhặt lá, tỉa cành tạo môi trường thích hợp cho cò sinh sống và kiếm ăn.

Ông cho biết, để cò sinh sống và phát triển thì điều cốt yếu nhất là phải trồng những loài cây thích hợp để cò đậu và có thức ăn tại chỗ cho cò mẹ. Như thế cò mới sinh sản và phát triển được. "Từ khi cò về khu vườn nhà tôi sinh sống, tính đến nay tôi đã 5 lần thay đổi các loại cây trồng. Cò thích ở nhất trên cây tre, cây trúc, vầu, lứa hay me nước, bằng lăng... hoặc những loại cây có gai, không thích ở trên cây bưởi, cây xoài... vì thế, vườn nhà tôi không trồng một loại cây ăn quả nào hết", ông Thuyền tiết lộ.

Ông Thuyền không chỉ chăm lo cây cối, vườn tược mà còn là "vị bác sĩ" mát tay của đàn cò. Trong cuộc đời, gần 30 năm gắn bó với đàn cò, ông phân biệt rành mạch đặc điểm của từng loại cò. Cò ngà mùa sinh sản mỏ chuyển sang màu đen, bình thường mỏ của chúng màu vàng. Giống cò hay cắn nhau nhất là loại cò ma (tên khoa học là cò bợ) cánh trắng, mình đen, khi bay trên trời ta nhìn thấy nó màu trắng, đáp xuống đất thì lại hóa màu đen nhìn như màu đất. Vì thế, người dân quen gọi là cò ma. Cò ruồi có mỏ màu vàng, ngực vàng, mình trắng, chân đen. Cò nhạn là loại bự con nhất... Cò thường về theo mùa, ra giêng là mùa của cò ruồi, tháng 8, tháng 9 là mùa của cò cá (cò trắng), cò còng cọc...

Ông Thuyền cho biết chuyện ngắm nhìn cò chỉ vì tính hiếu kỳ thì ai cũng có nhưng ít ai biết cách thưởng thức vẻ đẹp trong đời sống của cò. Điều này cần có cái nhìn tinh tế, vốn sống và sự am hiểu nhất định về cò. Thông thường, người ta thích ngắm cò khi nó đang bay hoặc những lúc nó đậu để thấy sự thanh bình của cuộc sống. "Ít ai biết, cái thanh bình ấy, cái tự nhiên hút hồn người ấy lại chính là lúc cò bắt đầu đáp xuống tìm chỗ trú ngụ.

Trước khi cò đáp xuống, nó phải chao đảo vài vòng trên không trung bằng đôi cánh, đồng thời dùng hai chân liên tục đá mạnh lên cao ý muốn nói với những con khác rằng hãy tránh qua một bên nhằm chiếm chỗ cho cả đôi. Dù đậu trước hay đậu sau, con đực cũng như con cái đều làm như vậy.

Vì cò sống theo bầy đàn, nó đặc biệt đề cao tính chung thủy trong đời sống. Khi bay hay đậu, chúng đều đi với nhau, từng cặp, từng cặp một. Lúc bị nạn hay bị xâm lấn, bắt nạt..., chúng nương tựa vào nhau để bảo vệ, bênh vực và chiến đấu... Đặc biệt, một cò mẹ thường nuôi 4 cò con, nhưng dù đàn cò đông đúc thế nào thì vẫn mẹ nào con nấy không bao giờ lạc", ông Thuyền nhận xét.

Những trăn trở của "ông Cò"

Năm nay, "đại gia cò" Tây Đô đã bước sang tuổi 67 nhưng nhìn nước da ngăm đen, thân hình vạm vỡ, chắc nịch của ông Thuyền thì không ai nghĩ ông đã già.

Ông Thuyền cho biết: "Tôi được khỏe như vậy là do đàn cò mang lại. Chúng cho tôi biết niềm đam mê cái đẹp thanh cao ở đời, những niềm vui vô tận nhưng cũng bắt tôi phải lao tâm, khổ tứ biết bao nhiêu ngày tháng qua. Chúng quây quần về đây trú ngụ là cho tôi sự thanh bình. Chúng sinh nở tại đây là cho tôi niềm hạnh phúc. Nhưng tôi đã có tuổi, sức khỏe có hồi, không biết trời cho sống được bao nhiêu nữa nên cũng lo bộn bề. Ngặt vì nhiều anh chị em, ngặt vì con cái đông đúc, cháu chắt một bầy, ngặt vì tình yêu tôi dành cho cò còn nhiều dang dở nên chúng khiến tôi khó nghĩ quá...".

Nghe ông phân tích chúng tôi mới hiểu được nỗi âu lo của ông phần nào. Người ta đồn quả không sai, cách đây vài năm ông đã muốn bán vườn cò đi để lo cho gia đình nhưng chưa được giá nên lại thôi. Ông cho biết thêm: "Tôi muốn bán vườn cò để hưởng tuổi già, có người bạn đã trả tôi 17 tỷ đồng nhưng tôi chưa đồng ý. Tôi và vợ con có bàn, nếu ai đó trả 22 tỷ mới bán được. Khi đó mới đủ phần chia cho con, cho cháu, phần giúp đỡ xã hội và hưởng tuổi già...".

Trong danh sách chia phần của ông, chúng tôi chú ý nhất là phần ông dành một số tiền khá lớn để giúp đỡ xã hội. Đó là dự định xây cho địa phương một nghĩa trang khang trang. Ông Thuyền cho biết: "Mong muốn ấy của tôi xuất phát từ thực tế. Cả đời tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu đám tang phải chôn bờ, chôn bụi. Họ chết rồi mà không có một nơi chính đáng để yên hồn. Vì thế, tôi mong muốn góp phần nhỏ của mình vào công cuộc phát triển chung của xã hội. Nhưng đây vẫn là dự định".

Ông lắc đầu, nói thêm: "Nếu có bán được vườn cò thì tôi cũng xin ông chủ mới (người mua) cho phép vợ chồng tôi dựng một túp lều tại vườn cò này để ngày ngày chăm sóc chúng như con, như cái. Hoặc cũng xin họ cho chúng tôi ở đây vài năm để chúng tôi hướng dẫn cách chăm sóc, chữa trị cho cò. Chỉ thế thôi là đủ. Nếu một ngày nào đó phải xa chúng, không biết vợ chồng tôi sẽ sống ra sao...".

Từng được trả giá 10 và 17 tỷ đồng

Năm 2004, dịch cúm gia cầm bùng phát, một thông tin sai lệch của một tờ báo đã khiến ông đổ sụp. Từ cơ quan Thú y đến các cơ quan hành chính Nhà nước đều vào cuộc và đòi tiêu hủy vườn cò của ông. Ngày ngày, gia đình ông phải đối mặt với rất nhiều đoàn cán bộ xuống điều tra, tìm hiểu sự việc. Cuối cùng, ông phải cầu cứu đến chính quyền TP. và TP. đã có quyết định phải bảo tồn bằng được vườn cò sung túc bậc nhất đất Tây Đô này. Hiện tại, người dân nơi đây coi vườn cò Bằng Lăng như một thứ tài sản chung vô giá.

Ông Năm, người bán chuối nướng bên cạnh vườn cò nhà ông Thuyền nhận xét: "Ông Thuyền tâm huyết với vườn cò này lắm. Mấy năm trước có người từ An Giang tới trả giá 10 tỷ đồng nhưng ông không bán. Rồi vừa đầu năm nay, ông bạn của ổng làm bên du lịch, trả ông với giá 17 tỷ đồng, ông cũng lắc đầu. Sướng không muốn sướng mà suốt ngày chân lấm tay bùn lo từng chỗ ăn, chỗ ngủ cho cò không à...".

Đăng Văn - Nguyễn Việt


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.