Hiện tại, ở các bệnh viện ở trên địa bàn TP.Vinh, tỉnh Nghệ An có hàng trăm bệnh nhân phải lọc máu chạy thận thường xuyên. Vì vậy, Tết cổ tuyền đã đến gần nhưng những bệnh nhân chạy thận vẫn phải bám trụ lại các bệnh viện để tiếp tục chạy thận, duy trì sự sống. Đa số những bệnh nhân chạy thận họ có hoàn cảnh khó khăn phải thuê trọ để điều trị bệnh.
Những ngày cận Tết này, khu trọ chạy thận đối diện bệnh viện Đa khoa TP.Vinh không có không khí Tết. Không đào, không quất,…những bệnh nhân chạy thận lặng lẽ ngồi bên nhau đốt củi sưởi ấm. Với họ, Tết đến nhưng vẫn phải chống chọi với bệnh tật.
Tết đến, những con người kém may mắn đó vẫn nương tựa vào nhau để có thể chống chọi với bệnh tật. Họ động viên, an ủi nhau trong những căn phòng trọ chật hẹp. Vợ chồng ông Nguyễn Văn K., 73 tuổi, trú huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã xuống ở trọ cạnh bệnh viện đã 9 năm. Do bệnh tật, đường xá đi lại khó khăn nên vợ chồng ông phải xuống thuê trọ. Ông K. bị bệnh nên vợ cũng phải xuống cùng để chăm sóc chồng. Vì không đủ tiền để thuê căn phòng trọ nhỏ với giá 1,3 triệu đồng/tháng, vợ chồng quyết định ở ghép với một bệnh nhân chạy thận khác để giảm bớt chi phí.
“Mặc dù phòng trọ chật chội nhưng vợ chồng tôi cũng cố gắng. Ông mắc bệnh nặng nên tôi phải xuống cùng để chăm sóc. Ai thuê việc gì thì tôi làm nấy kiếm thêm đồng mua gạo, dầu, …để hai vợ chồng sống qua ngày. Mấy năm qua vợ chồng tôi chưa được về nhà đón một cái Tết cùng gia đình cho trọn vẹn. Vì chỉ mãi đến chiều 30 Tết mới về được nhà. Ở nhà được hai hôm thì mồng hai đã phải xuống viện để tiếp tục lọc máu để duy trì sự song” bà Tô Thị M. nghẹn giọng nói.
Thành thông lệ, những ngày 29, 30 tháng Chạp, những người chạy thận ở đây lại đưa những chiếc bánh chưng của các nhà hảo tâm đến trao tặng ra rồi ăn uống cùng những người trong xóm trọ như một bữa tất niên cuối năm. Có những người phải đón giao thừa ở viện, có những người về đón giao thừa rồi mồng 1, hoặc mồng 2 lại vào bệnh viện chạy thận. Ngày Tết đến tâm trạng của họ ngổn ngang hơn bao giờ hết.
Những ngày cuối năm, đáng lẽ họ được sum vầy bên con cháu sắm sửa đón Tết, gói bánh chưng nhưng họ phải ở lại để chạy thận. "Gần đến Tết chúng tôi buồn lắm. Muốn về để cùng con cháu chuẩn bị Tết nhưng không được. Tết chỉ tranh thủ về nhà được một hai hôm lại phải vào. Mọi người đang quay quần đón Tết cùng gia đình mà chúng tôi phải vào chạy thận”, Nguyễn Thị H., 69 tuổi, trú tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An nghẹn giọng nói.
Chị Chu Thị L, 36 tuổi, trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng không giấu được cảm xúc của mình. Người phụ nữ này bị mù hai mắt và mắc bệnh thận. “Tôi mắc bệnh thận đã 5 năm rồi. Do hoàn cảnh khó khăn nên phải xuống đây thuê trọ. Chiều 30 Tết về nhà, mùng 2 Tết lại khăn gói vào để chữa bệnh. Nhà nghèo, đau ốm quanh năm nên chẳng mấy khi nghĩ đến Tết”, chị L. tâm sự.
Hầu hết các bệnh nhân ở xóm chạy thận được nhà nước hỗ trợ, các mạnh thường quân giúp đỡ, song nhiều người vẫn khó khăn, không đủ duy trì được việc chạy chữa. Họ cũng phải bươn chải đủ thứ nghề từ nhặt ve chai, rửa bát thuê, dọn dẹp nhà cửa... để có thêm tiền trang trải chi phí hằng ngày.
Với bệnh nhân chạy thận, cơm có thể bỏ bữa nhưng lọc máu thì không thể dừng ca nào. Tết, nhà nhà sum họp còn họ vẫn phải lên viện để duy trì sự sống cho chính mình. Ngày Tết đến, với những bệnh nhân ở “xóm chạy thận”, đã từ lâu họ đã không còn chúc nhau “làm ăn phát đạt” mỗi khi năm mới đến. Năm mới họ chúc cho những người hàng xóm của mình trong Tết này cũng như nhiều Tết sau vẫn đủ sức khỏe để chiến đấu với bạo bệnh. Điều họ mong muốn lúc này một phép màu để có thể chiến thắng bệnh tật, về đoàn tụ với gia đình trong những ngày Tết đến, Xuân về.
Minh Tâm