Mong con được học trường tốt
Ngay sau khi Hà Nội công bố điểm thi và điểm chuẩn lớp 10 công lập, hơn 40% thí sinh trượt nguyện vọng 1, thậm chí là đỗ nguyện vọng 1 nhưng vẫn muốn chọn trường khác… bắt đầu ôm máy tính, điện thoại lao vào cuộc đua lựa chọn những ngôi trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ tài chính có tiếng. Và uy tín của một số trường đã tạo nên cơn sốt cho cuộc đua.
Theo báo Văn hóa, đứng đầu danh sách là Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa), một trường công lập hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính. Mức học phí của trường khoảng 5,8-5,9 triệu đồng/tháng chưa bao gồm các chi phí ăn uống, bán trú. Tổng chi phí hơn 7 triệu đồng/tháng.
Năm nay, Trường đề nghị 380 chỉ tiêu, được Sở duyệt 350 chỉ tiêu, tuyển sinh 2 đợt, đợt 1 xét tuyển học bạ 150 chỉ tiêu, đợt 2 xét tuyển theo điểm chuẩn 200 chỉ tiêu.
Hồ sơ được nhà trường phát hành từ ngày 3/4, và theo thông báo thì 7h30 ngày 4/7 nhà trường sẽ bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh cho đến khi đủ chỉ tiêu. Nhưng chưa đến 6h sáng 4/7, nhiều phụ huynh đã ngỡ ngàng vì 200 hồ sơ đã được nhà trường nhận xong trước đó nửa tiếng. Nhiều phụ huynh cho biết, đã đến “chầu chực” tại cổng trường từ 1h sáng để đợi đến khi trường mở cổng (khoảng 5h30), trong khi không ít phụ huynh “chủ quan” đến đúng giờ (thực ra là đã đến sớm cả tiếng theo lịch chính thức), đành ngậm ngùi ra về.
Vừa trở về từ cuộc xếp hàng tại Trường THPT Phan Huy Chú, chị Phạm Hoàng Trang (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ với báo Tin Tức: “Khi biết thông tin trường nhận hồ sơ, gia đình tôi đã vào phố từ tối và chờ. Gia đình tôi là một trong những gia đình may mắn khi được bảo vệ phát phiếu để ghi số vào danh sách. Khoảng 5h30, trường mở cổng để phụ huynh vào, phát đến số thứ tự 86 là dừng. Gần 7h sáng, giáo viên tới làm thủ tục nhận hồ sơ”.
Tình trạng quá tải hồ sơ đổ về trường Phan Huy Chú một phần nguyên nhân do nhiều học sinh đăng kí các trường công lập khác nhưng trượt cả hai nguyện vọng và lựa chọn trường Phan Huy Chú. Nhưng cũng có một nguyên nhân khác là Trường Phan Huy Chú trong những năm gần đây nổi lên là trường có quản trị tốt, ứng dụng nhiều đổi mới sáng tạo và hơn hết là môi trường giáo dục chú trọng nhiều đến giáo dục nhân cách, kỹ năng.
Thông tin trên Dân Trí, một trong những thế mạnh của Trường THPT Phan Huy Chú là đào tạo ngoại ngữ. Hằng năm, trường có trung bình 65% học sinh khối 12 đạt trình độ tiếng Anh từ B1 trở lên, 20% học sinh khối 12 đạt trình độ IELTS từ 6.0 trở lên.
Nhiều học sinh giành được học bổng du học Mỹ, Nhật, Hà Lan, Ý. Mục tiêu của nhiều học sinh là sử dụng điểm thi IELTS hoặc TOEFL - ITP để tuyển thẳng hoặc xét tuyển nhiều trường đại học trong nước.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chờ nộp hồ sơ đều thấy giữa sân trường có một bể bơi di động được lắp đặt để ngay sau khi học sinh lớp 10 nhập học, các em sẽ được "phổ cập bơi".
Những thông tin về chất lượng giáo dục và những điều mắt thấy tai nghe càng khiến cho cơn sốt với ngôi trường này tăng nhiệt trong một ngày Hà Nội rất nóng.
Sau Trường Phan Huy Chú, tình trạng xếp hàng dài từ đêm trước cổng tiếp tục diễn ra ở Trường THPT Hoàng Cầu và Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu. Với điều kiện cơ sở vật chất tốt và danh tiếng tạo dựng được, điểm chuẩn chỉ ở mức kha khá, hai trường này cũng là lựa chọn hấp dẫn của nhiều phụ huynh và học sinh.
Có mặt tại Trường THPT Hoàng Cầu từ nửa đêm, đợi đến 7h30 vào làm hồ sơ, chị Nguyễn Thị Liên ở Giảng Võ cảm thấy may mắn vì con mình vừa đủ điểm chuẩn (37) và đã hoàn tất hồ sơ nhập học. Ngay sau khi chị Liên nộp xong, điểm chuẩn đã nhảy phắt lên 38, khi có nhiều phụ huynh cùng có nhu cầu nhập học cho con.
Cũng có mặt tại Trường THPT Hoàng Cầu từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Tài, phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội cho hay, số thứ tự của mình là 410. “Trường công thì cháu đỗ nhưng gia đình muốn cho cháu học tại Trường THPT Hoàng Cầu vì gần nhà. Vì muốn con theo học 3 năm cấp III ở ngôi trường có chất lượng tốt, thuận tiện đi lại nên dù nắng nóng, mệt mỏi đến mấy tôi cũng cố gắng cho đến khi gọi tên vào nộp. Giá kể có thêm nhiều trường tốt thì cảnh xếp hàng này sẽ bớt đi….”, ông Tài chia sẻ với Kinh tế và Đô thị.
Mặc dù đến ngồi chờ từ đêm hôm trước, vạ vật đến sáng hôm sau, tự lập danh sách đợi khi trường mở cổng thì vào nộp, thế nhưng Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu lại không chấp nhận danh sách của phụ huynh mà phải theo số của trường phát ra. Với 450 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm nay, nhiều người thở phào vì nộp được hồ sơ cho con sau 7-8 tiếng đồng hồ “nằm gai nếm mật”. Một phụ huynh cho biết, con chị đăng ký NV1 vào Trường THPT Trần Nhân Tông, đạt 39 điểm, thiếu 0,75 điểm so với điểm chuẩn. Không hy vọng NV1 hạ điểm chuẩn, nên việc hoàn tất hồ sơ ở trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu là điều thực sự may mắn với gia đình chị.
Yêu cầu các trường tuyển sinh đúng quy chế
Theo Dân Trí, từ trước tới nay hiếm có chuyện hàng loạt trường THPT ở Hà Nội rơi vào cảnh bị phụ huynh quây kín, chầu chực từ nửa đêm xếp hàng nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con như những ngày qua.
Các năm trước, hi hữu mới có trường rơi vào cảnh này nhưng năm nay chuyện phụ huynh "áp đảo", quây kín cổng từ nửa đêm diễn ra dồn dập.
Điều khiến cha mẹ học sinh bức xúc là các nhà trường không công bằng trong tuyển sinh. Rất nhiều phụ huynh đến trường nộp hồ sơ cho con sớm hơn giờ công bố của nhà trường nhưng đã không còn cơ hội vì cả trăm người khác đã nhanh chân thức xuyên đêm giữ chỗ.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo chí, bà Cao Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho hay, trường còn khoảng 200 chỉ tiêu với phương thức xét tuyển kết quả thi lớp 10 do Sở GD&ĐT tổ chức. Trường đã từng nghĩ đến phương án tuyển sinh theo cách lấy điểm từ cao xuống thấp, kèm theo tiêu chí phụ để tuyển sinh để tránh việc “ai đến sớm thì được”, song không thể thực hiện.
Theo bà Nga, khi lấy điểm từ cao xuống thấp, số trúng tuyển sẽ có nhiều em điểm cao. Nhưng khi các trường công lập các em đăng ký nguyện vọng 1 hạ điểm chuẩn, nhiều em đủ điều kiện vào trường rồi lại rút hồ sơ vào công lập. Khi đó trường bị “hụt” thí sinh và ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch dạy học, xáo trộn những chuẩn bị cho năm học mới. Vì vậy, để đảm bảo số lượng đầu vào, nhà trường đành phải thu hồ sơ theo cách thức như hiện tại. Những phụ huynh, học sinh đến trường nhập học sớm thường xác định, định hướng, quyết tâm theo học trường rõ ràng hơn.
Về vấn đề tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hầu như năm nào thành phố cũng xảy ra tình trạng này nhưng không diễn ra ở nhiều trường như năm nay.
Tình trạng này là do nhu cầu của phụ huynh quá cao, chỉ tiêu nhà trường ít và một phần do hiệu ứng lo lắng.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay số lượng học sinh không quá đông. Các trường xảy ra tình trạng xếp hàng từ nửa đêm là trường tư, trường công lập tự chủ tài chính.
Ông khẳng định, trường cho học sinh trên địa bàn không thiếu nhưng khi sự căng thẳng bị đẩy lên ở một vài trường nào đó, theo hiệu ứng, phụ huynh lo lắng xếp hàng từ nửa đêm ở các trường còn lại để giữ chỗ.
"Về ý kiến phụ huynh cho rằng nên tuyển sinh trực tuyến để không diễn ra cảnh xếp hàng thế này, tôi cho rằng, những trường này đều đi đầu trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Thế nhưng khi nhu cầu phụ huynh quá cao, lên tới hàng nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu cho trường chỉ vài ba trăm, giải bài toán này khiến chúng tôi rất đau đầu, đến hiệu trưởng cũng phải tắt máy điện thoại vì quá áp lực", ông Cương nói.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, nhiều phụ huynh đang cảm thấy bức xúc, một phần do nhà trường không công bằng trong tuyển sinh. Phụ huynh đến trường nộp hồ sơ cho con sớm hơn giờ công bố của nhà trường nhưng không còn cơ hội. Do vậy, phụ huynh nghi ngờ có chuyện hồ sơ bị "luồn" vào từ trước.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, Sở duyệt chỉ tiêu cho trường dựa trên cơ sở vật chất và nhiều yếu tố khác. Về cách thức tuyển sinh giao cho hiệu trưởng toàn quyền quyết định, Sở GD&ĐT không thể kiểm soát đến từng chi tiết.
Mặc dù vậy, ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ khẩn trương yêu cầu các trường tuyệt đối không làm trái quy chế, tránh mất công bằng trong tuyển sinh. "Chúng tôi sẽ yêu cầu các trường tuyển sinh đúng với quy chế, đảm bảo công bằng và tạo điều kiện hết sức cho phụ huynh...", Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
M.H (t/h)