Thương tranh nhưng... bất lực
Chúng tôi tìm về miền đất cổ tích - thôn Đông Khê (hợp bởi hai làng Đông Hồ cũ và Tú Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) vào một ngày cuối năm, mang theo những kí ức xa xăm về một dòng tranh cổ từng làm nức tiếng dân tộc. Từ TP.Bắc Ninh, xuôi theo quốc lộ 38, tôi tìm về làng tranh Đông Hồ huyền thoại. Tìm đến nhà cụ Nguyễn Hữu Sam - một trong hai nghệ nhân còn thủy chung với tranh Đông Hồ, chúng tôi được nghe về lịch sử cũng như vận hạn của dòng tranh này. Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ vắng. Tấm biển chỉ "Tranh dân gian Đông Hồ" như lạc lõng giữa một thế giới đồ nghề hàng mã đủ kiểu.
Cụ Sam tiếp tôi trong phòng khách, nơi treo những sản phẩm tranh Đông Hồ quý giá của gia đình. Dù đã ngoài 80 nhưng cụ vẫn minh mẫn, tinh anh lạ thường. Đặc biệt, khi nói về tranh Đông Hồ, cụ bỗng hào hứng hẳn. Có lẽ, từ rất lâu rồi, nghệ nhân này mới có dịp được trải hết lòng như vậy. Cụ Sam kể, khi cụ còn để tóc trái đào, cả làng Đông Hồ đều làm tranh, kẻ mua, người bán tưng bừng. Nhất là những ngày Tết, gần xa, ai cũng tìm đến làng Đông Hồ mua tranh về treo trong nhà để đón mừng năm mới. "Xưa, người ta chuộng tranh Đông Hồ không chỉ vì hiếm mà còn bởi nó đã phản ánh đa dạng đời sống người dân Việt. Từ đánh vật, múa sư tử, hay ý nghĩa của những bức tấn công trực diện vào những thói hư, tật xấu trong xã hội như đánh ghen, đám cưới chuột...", cụ Sam cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tuân, phó chủ tịch UBND xã Song Hồ.
Cũng theo lời kể của cụ Sam, trong các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ), tranh làng Sình (Huế)..., tranh Đông Hồ là loại hình nghệ thuật độc đáo và gần gũi nhất với nhiều người dân Việt Nam hơn cả. Sở dĩ nó chiếm được vị thế trong đời sống người Việt bởi gắn liền với làng quê và sinh hoạt thuần hậu của con người. Cụ Sam cũng cho biết, ngay từ thời xa xưa, ông cha ta đã nhắc đến tranh Đông Hồ như sản vật "độc nhất vô nhị" của xứ Kinh Bắc.
Trong sách "Bắc Ninh địa dư chí" của cử nhân Đỗ Trọng Vĩ, làm quan Đốc học Bắc Ninh cuối thế kỷ 19 có ghi, Tiết độ sứ Cao Biền thời Đường sang cai trị nước ta đóng quân ở Đông Hồ, chia nơi đây làm 5 doanh, sau lập thành 5 ấp trong đó có Đông Hồ. Cao Biền đã dạy cho dân làng cách làm hàng mã (trong đó có nghề làm tranh). Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, tranh Đông Hồ có thể xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 9. Sách "Tứ thời khúc vịnh" của thượng thư Hoàng Sĩ Khải (viết cuối thế kỷ 16) đã kể đến một số loại tranh thờ: Ngũ hổ, Chung Quỳ (nhân vật thời Đường có thể bắt ma quỷ); đào phù (vẽ hai vị thần trấn quỷ)...
Giống với con người, tranh Đông Hồ cũng trải qua biết bao thăng trầm, thịnh suy. Từ cuối thế kỷ 19 tới cách mạng Tháng 8/1945 là thời kỳ cực thịnh của tranh. Đến những năm kháng chiến, nghề này tạm thời gián đoạn. Sau ngày đất nước thống nhất, tranh mới có cơ hội "phục sinh". Tuy nhiên, giữa cơn sóng của thị trường, của các tác phẩm "mỳ ăn liền", tranh Đông Hồ ngày càng bị phai nhạt. Nhìn niềm tự hào của ông cha dần lùi vào dĩ vãng, lớp nghệ nhân vàng như cụ Sam không khỏi xót xa. "Tranh Đông Hồ ngày nay vẫn giữ nội dung và theo những thao tác thủ công truyền thống. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác nên người ta dần quên tranh rồi", cụ tâm sự.
Theo lời giới thiệu của một số người dân Đông Khê, chúng tôi tìm đến gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế để mong lý giải dấu ấn biến thiên của lịch sử dòng tranh này. Là nghệ nhân đời thứ 20 theo nghiệp tranh của gia đình, ông Chế từng táo bạo lập công ty với tên gọi "Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống" để tìm lối thoát cho tranh. Toàn bộ gia sản tranh được ông gửi gắm cho anh Nguyễn Đăng Tâm - người nối nghề của dòng họ Nguyễn Đăng tại làng Đông Khê. Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Tâm, số phận dòng tranh từng "vang bóng một thời" giờ thật hẩm hiu. Tranh được bán dè dặt, khách du lịch chỉ đến xem tranh chứ ít mua. Người dân từ lâu đã quên sự hiện diện của "đặc sản" quê hương trong gia đình...
Anh Tâm cũng cho biết, tranh được bán với nhiều loại giá, rẻ nhất là 10 ngàn, bức đắt cũng lên tới bạc triệu. Nhưng đã lâu lắm rồi, chẳng mấy khi anh làm những bức tranh giá tiền triệu. "Thú thực, mấy năm nay kinh tế khó khăn, để đảm bảo hoạt động của cơ sở và vì giữ nghề nên tôi còn làm, chứ tranh bán ế lắm. Những bức giá vài trăm, hầu như khách không hỏi tới", anh chia sẻ. Quả thực, nhìn đống tranh bày la liệt trên giá, bản khắc xếp ở góc nhà bị phủ bụi lâu ngày, mạng nhện chăng ngang dọc, ai nấy đều cảm thấy xót xa.
Tranh Đông Hồ đang chờ ngày... "khai tử"
Trang giấy điệp đang bị thời gian "bào mòn"
Rời nhà của hai nghệ nhân lão làng, tôi lững thững dạo quanh quê hương của "Đám cưới chuột". Sự tiếc nuối, xót xa choáng ngợp khi một bà cụ cho chúng tôi hay: "Tranh "chết" rồi cháu ạ. Hàng mã đã đuổi tranh đi".
Ông Nguyễn Văn Tuân, phó chủ tịch UBND xã Song Hồ cho biết: "Làng tranh Đông Hồ giờ còn có 3 hộ làm thôi. Trong đó, hộ nhà ông Chế làm với quy mô lớn, hai hộ còn lại cũng chỉ làm túc tắc, cầm chừng". Xót xa hơn nữa, khi làng tranh từng vang danh khắp cả nước mà giờ, trẻ con cũng không buồn học nghề, để mặc thời gian và cơ chế thị trường bào mòn, hủy diệt.
Cũng theo ông Tuân, dù chính quyền địa phương đã tạo nhiều điều kiện để khuyến khích người dân giữ nghề như cho thuê mặt bằng mở xưởng vẽ, kiến nghị với ngân hàng chính sách cho vay ưu đãi... nhưng cũng không đủ sức để giữ được nghề. "Đến nay thì người dân đã chuyển hẳn sang làm vàng mã. Lãi không nhiều, nhưng đủ sống hơn ôm nghề cũ", ông Tuân nói thêm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Hậu từng ngợi ca "hình tượng cùng tính biểu tượng trong dòng tranh này đã biểu hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc", nhưng rồi ông không khỏi xót xa khi nhìn vào sự "chết mòn" của tranh Đông Hồ. "Nếu được chọn một dòng tranh đại diện dân tộc thì đó sẽ là tranh Đông Hồ. Nhưng tiếc thay, chút màu cuối ấy đang phai nhạt rồi", ông Hậu nói.
Cùng chung nỗi trăn trở này, GS. Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn hóa Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, chính sự du nhập quá nhiều loại hình văn hóa "Tây" không được chọn lọc kĩ đã át đi sức sống của văn hóa truyền thống, trong đó có tranh làng Hồ. Theo GS. Tô Ngọc Thanh, để bảo tồn, nên đưa nghệ thuật tranh Đông Hồ vào một trong những môn học của đồ họa để người học có thể tìm hiểu, tham khảo. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư, hỗ trợ cho những nghệ nhân làm loại tranh này, nên coi tranh Đông Hồ là yếu tố văn hóa đặc biệt cần bảo lưu.
Được biết, cuối tháng 9/2004, nhờ sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, sở VHTT&DL Bắc Ninh đã khai trương "Phòng tranh Đông Hồ". Tuy nhiên, những cố gắng cũng chỉ dừng lại ở việc "gắn thêm mác" cho phòng tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Từ đó cho tới nay, câu chuyện về hướng đi của tranh ĐH vẫn bị bỏ ngỏ, mặc thời gian đẽo gọt và sự già nua của người giữ nghề.
"Sản vật" độc nhất vô nhị đất Việt Cụ Nguyễn Hữu Sam cho biết, khi làm tranh, nghệ nhân Đông Hồ đã sáng tạo chất liệu điệp vẽ trên nền giấy dó (loại giấy được chế từ vỏ cây dó), tạo nét riêng cho tranh. Vỏ điệp được giã nhỏ thành bột mịn trộn với hồ quét lên giấy dó. Các loại màu cũng chế từ thiên nhiên sẵn có ở địa phương. Màu đen từ than lá tre; màu vàng từ hoa hoè... tạo cho sắc tranh có độ xốp, ấm, lung linh huyền ảo. Các nhà nghiên cứu đánh giá, trong số hàng trăm dòng tranh dân gian của Trung Quốc, hiếm dòng có nền điệp như tranh Đông Hồ. |
Anh Đức - Lộc Nguyễn