Căn nhà cấp bốn của bà Lê Thị Điểm (70 tuổi, xã Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội) nằm khuất mình cuối xóm. Ngoài bộ bàn ghế cũ kỹ được người ta cho, trong nhà không có đồ đạc gì giá trị. Đây là nơi trú mưa, nắng, giá rét của 4 mẹ con chị Lê Thị Thêm (33 tuổi), con gái bà Điểm.
Nỗi niềm người mẹ trẻ
Thấy có người tới thăm, chị Thêm khó nhọc nghiêng người để ngồi dậy. Ngồi được dậy, chị lại thở dốc đầy khó nhọc. Trước mắt chúng tôi là người phụ nữ 33 tuổi, từng là trụ cột gia đình nhưng với cân nặng chỉ áng chừng hơn 30kg khiến ai nhìn chị cũng không khỏi xót xa.
Vừa xoa vùng bụng cứng như đá vì căn bệnh quái ác chị Thêm kể cho chúng tôi nghe cuộc đời đầy bất hạnh của mình. Năm chị 22 tuổi, anh trai chị mất vì tai nạn giao thông, từ đó, cô gái trẻ bị ảnh hưởng tâm lý. Sợ con gái “hóa điên”, họ vội vàng gả chị cho người đàn ông cùng làng, hơn chị Thêm 11 tuổi.
Hôn nhân không tình yêu, chưa đầy 2 tháng sau, cuộc hôn nhân chóng vánh ấy kết thúc, chị phải về nhà bố mẹ sống. Để tránh điều tiếng, chị ra Hà Nội làm thợ may. Tại đây, chị kết hôn với người đàn ông quê Thanh Hóa, kém 4 tuổi. Chị cứ ngỡ cuộc hôn nhân lần 2 sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Nhưng không, bi kịch bắt đầu giáng xuống gia đình nhỏ.
Sau khi sinh con gái thứ 2 xong, chị thấy cơ thể nhức buốt khác thường. Đi hết viện này tới viện khác khám, chị được bác sỹ thông báo mắc bệnh u phúc mạc giai đoạn cuối. “Nhận án tử cũng là lúc số nợ của gia đình lên tới vài chục triệu đồng”, chị Thêm sụt sùi.
Từ đó, chị sống trong cảnh cơ thể lúc nào cũng như có ngàn mũi dao đâm vào xương, thịt nhức buốt. Không ăn, không ngủ được, sức khỏe của chị sa sút trầm trọng, cơ thể chỉ còn da bọc xương.
“Người khác được chồng chăm sóc còn tôi dù bệnh tật vẫn liên tục bị chồng hành hạ, đánh đập khi say hay bực tức điều gì. Con gái út của tôi chào đời là do bị chồng cưỡng bức”, chị uất nghẹn nói.
Theo lời kể của chị Thêm, trong một lần say chị bị chồng cưỡng bức, có thai. Chị phải dùng từ “cưỡng bức” bởi lẽ giữa hai người từ lâu đã không còn tồn tại tình yêu hay mối quan hệ vợ chồng.
Do bản thân đang sống nhờ vào sự chăm sóc của người khác, sức khỏe lại yếu, chị đã phải đứng trước quyết định bỏ con. Nhìn chị, bác sỹ lắc đầu vì sợ chị có thể chết ngay trên bàn thủ thuật.
“Cũng may lúc ấy bác sĩ đã khuyên can giúp tôi thức tỉnh giữ lại đứa bé và con tôi mới có cơ hội làm người, nếu không tôi đã trở thành một bà mẹ tàn nhẫn. Hai mẹ con tôi đã cùng nhau “chiến đấu” với bệnh tật và ngàn nỗi đau để con được cất tiếng khóc chào đời vào năm 2013 với sức khỏe ổn định”, gạt những giọt nước mắt đang chực lăn, chị Thêm tâm sự.
Tìm lối thoát bằng cách tự tử
Sau khi con út chào đời, mẹ con chị phải sống trong cảnh khốn cùng vì nợ nần, bệnh tật. Thương con gái bị chồng phụ bạc, đánh đập, chẳng chỗ nương thân, bà Điểm đưa 4 mẹ con họ về căn nhà dột nát của mình để rau cháo nuôi nhau.
Để có tiền mua thuốc cho con gái nằm liệt giường, ngày đêm bị bệnh tật giày vò và có cơm nuôi cháu, bà lão 70 tuổi mượn ruộng trồng rau ra chợ bán.
“Mỗi ngày bán được vài ba mớ rau chẳng đủ mua thuốc cho con Thêm, tiền đâu mua sữa cho cháu. Tôi thì mỗi ngày già yếu hơn”, nói đến đây bà lão mái tóc bạc trắng đưa đôi tay gày guộc quệt vội nước mắt.
Nhìn mẹ, chị Thêm không ngăn được tiếng nức nở. Chị bảo, trước đây tóc mẹ chị cũng đẹp và đen lắm nhưng vì những gánh nặng của cuộc sống rồi những đêm mất ngủ triền miên vì lo nghĩ, tóc bà đã bạc nhanh như thế. Và vì không muốn mẹ phải khổ cả đời lo cho mình, đã có lúc chị tìm đến cái chết.
“Tôi đã nhờ đứa cháu vài tuổi đi mua hộ gói thuốc chuột về uống tự tử”, chị Thêm kể.
Bởi theo lời chị, lúc ấy cuộc đời chị không còn gì. Chồng bỏ đi biền biệt, không quan tâm sự sống, cái chết của vợ, của con; nợ nần chồng chất, cơ thể đau đớn, không ăn ngủ được, chị chỉ biết tìm cái chết để được giải thoát.
May mắn, bà Điểm phát hiện kịp thời nên chuyện xấu đã không xảy ra. “Lúc ấy tôi chỉ biết bảo con phải cố sống vì 3 đứa trẻ”, bà Điểm thở dài.
Nhắc đến con, nước mắt chị Thêm dâng đầy. Chị bảo vì không còn tiền, mẹ con chị phải chịu cảnh mẫu tử chia ly. Hiện 3 con gái của chị Thêm đang được một sư thầy ở Bắc Ninh nuôi giúp một thời gian.
“Tôi hi vọng được nhà hảo tâm nào thương tình giúp đỡ để chúng không phải chị em chia ly đôi ngả”, người phụ nữ 33 tuổi nói. Nói rồi chị cho chúng tôi xem ảnh 3 con của mình được chị lưu lại cẩn thận trong chiếc điện thoại mà 1 nhà hảo tâm mới cho chị.
"Thấy tôi sống xa con và lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ con nên cũng có người cho tôi chiếc điện thoại này để mỗi lần con về chơi, tôi chụp lại, lúc buồn lấy ảnh ra ngắm cho vơi nỗi nhớ", chị Thêm tâm sự.
Tiếp lời, chị bảo có vài nhà hảo tâm muốn xin cháu thứ 3 về nuôi nhưng nhìn chị em chúng quấn quýt, chị không đành lòng. Giờ chị chỉ biết hi vọng điều kỳ diệu sẽ đến với các con chị có như thế chị mới an lòng nhắm mắt.
Khi được hỏi về những người thân, chị Thêm xót xa: "Họ cũng như tôi, cũng khó khăn nên chẳng thể giúp đỡ được gì nhiều".
Nói về hoàn cảnh gia đình chị Thêm, ông Đoàn Minh Hùng, Chủ tịch hội chữ thập đỏ xã Võng Xuyên cho biết, mẹ con chị Thêm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo.
Do hoàn cảnh quá khó khăn, hội chữ thập đỏ, ủy ban xã thỉnh thoảng vận động, giúp đỡ gia đình họ vào những ngày lễ tết, hỗ trợ tiền điện. Tuy nhiên số tiền ấy không thấm vào đâu so với cảnh cơ cực của mẹ con họ.
“Tôi hi vọng sẽ có những nhà hảo tâm giúp đỡ mẹ con chị Thêm về vật chất, tinh thần giúp mẹ con chị ấy vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại, ổn định tương lai”, ông Hùng nói.
Nguyễn Huệ - Hồng Mây