Trong một chuyến về công tác tại Mai Động, Kim Động, Hưng Yên, tôi được nghe nhiều người kể về hạnh phúc của đôi vợ chồng khiến nhiều người cảm động. Người ta cảm động bởi đây là "đôi đũa lệch", người vợ từng là "hoa hậu làng" nhưng vẫn chấp nhận chung sống trọn đời dù người chồng đó bị mù, khuôn mặt biến dạng, xấu xí, gia đình lại nghèo khó vô cùng. Đó chính là gia đình ông Nguyễn Văn Kiêu, 61 tuổi, ở Mai Động, Kim Động, Hưng Yên.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiêu
Chú rể bị đánh tráo đêm tân hôn, sự thật hay tin đồn?
Thời con gái bà là một thiếu nữ xinh đẹp của vùng quê chiêm trũng Đồng Thanh, đến tuổi gả chồng, nhờ sự mối lái của một người quen, bà biết ông. Gặp nhau lần đầu, vì là con gái, bà không dám nhìn ông nhiều, thấy ông đeo kính (trước đó người làm mối có nói mắt ông hơi kém) bà cũng không dám hỏi mắt kém làm sao. Qua cách trò chuyện, bà thấy ông là người khá vui tính, nói chuyện dí dỏm nên cũng ưng lòng. Bên cạnh đó, nghe người mai mối nói, gia đình ông cũng nghèo khó như gia đình bà nhưng họ rất tốt và rất quý người nên bà quyết định lấy ông.
Kể đến đây, bà bảo: "Cưới xong tôi mới biết ông ấy bị mù hẳn. Chán nản, tôi khăng khăng đòi bỏ ông ấy. Mọi người thuyết phục nhiều tôi mới xuôi lòng ở bên ông ấy vì thương, lâu dần tôi cũng yêu ông ấy thật lòng. Cũng từ đây, mỗi khi ra đường, tôi bị mọi người chỉ trỏ, đồn đại là người đến tìm hiểu và cưới là cháu trai ông ấy. Nhưng đến đêm tân hôn tôi bị tráo chú rể là ông ấy.
Trước đây, đi đâu tôi cũng nghe thấy mọi người kể chuyện đánh tráo chú rể trong ngày cưới. Còn chuyện của tôi cũng khiến nhiều người ngạc nhiên và bất ngờ khi thấy tôi lấy một người mù, nhà lại nghèo rớt mồng tơi. Chắc để lý giải cho cặp vợ chồng "đũa lệch" nên người trong làng gán cho tôi chuyện "bị tráo chú rể đêm tân hôn". Nghe xong, tôi chỉ cười xòa. Chỉ cần mình biết, người thân mình hiểu là được rồi. Ông ấy đã quá thiệt thòi về nhiều mặt rồi".
Ông bị mù do di chứng của bệnh đậu mùa khi lên 3 tuổi. Ngày ấy, khi đang kiêng cữ, điều trị bệnh, một người bạn của mẹ ông vừa đi đám ma về vào thăm ông. Trúng phải hơi lạnh, bệnh của ông trở nên trầm trọng, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Nhờ thuốc thang và may mắn, ông giữ được mạng sống của mình nhưng đôi mắt vĩnh viễn mất đi ánh sáng do bị nổ con ngươi. Từ đây, cuộc sống của ông chỉ là bóng tối vô vọng, không có tương lai.
Bên cạnh đó, ông trở thành gánh nặng đè lên đôi vai nghèo khổ, lam lũ của cha mẹ bởi mọi sinh hoạt cá nhân, ông đều phụ thuộc vào họ. Lớn thêm vài tuổi, ông bắt đầu học cách chăm sóc bản thân, làm các công việc lặt vặt trong gia đình để giúp bố mẹ. Kể đến đây bà bảo: "Ông ấy là một người nghị lực. Những việc người sáng mắt làm được thì hầu như ông ấy cũng làm được. Sống với nhau lâu như vậy tôi mới biết nghị lực phi thường của ông ấy".
Cô Nguyễn Thị Thắm (45 tuổi, người thôn Hạnh Lâm, Mai Động) kể: "Ở xóm cô ông Đào Văn Tư cũng bị tráo đổi cô dâu trong ngày cưới nhưng vẫn sống với nhau hạnh phúc. Số là ông Tư mới từ bộ đội về, gia đình giục ông lấy vợ. Qua sự mai mối của người thân ở xã bên, ông gặp và tìm hiểu cô gái có tên là Lê Thị Mặc. Thấy người con gái ấy dịu dàng lại chăm chỉ, ngoan ngoãn, chỉ sau hơn 1 tháng tìm hiểu, ông quyết định cưới.
Khi đưa người nhà tới nói chuyện người lớn, cô Mặc và người nhà ra tiếp thế nhưng đến hôm cưới lại không phải cô Mặc khi trước mà là người khác. Mọi sự đã rồi, ông Tư chấp nhận lấy cô Mặc làm vợ vì nghĩ đó là số phận. Hồi ấy chuyện này xôn xao cả làng tôi vì cô Mặc không được bình thường nên gia đình phải nhờ người chị dâu của cô tiếp ông Tư để cô lấy được chồng. Đến ngày cưới thì thế cô Mặc vào, mọi sự đã rồi, ai còn hủy nữa. Hơn nữa, gia đình ông Tư hiền, thương người nên cũng chấp nhận cô ấy làm dâu vì cô này cũng ngoan ngoãn”.
Chỉ còn tình người ở lại
Ở lại bên ông, bà mới cảm nhận hết được nghị lực phi thường được rèn luyện gần 30 năm qua của ông (ông bà cưới nhau khi ông 27 tuổi). Bị mù nhưng ông vẫn công tác gần 3 năm ở ban Thông tin văn hóa xã với cương vị đệm đàn cho văn công và hát cho mọi người nghe. Lấy nhau rồi bà mới biết ông có tài lẻ này. Ông học đánh các loại đàn: Sáo, nhị, măng đô lin, ghi ta là một sự tình cờ khi các anh chị sinh viên của trường đại học Thương mại tản cư về xã.
Những ngày đầu học, ông cảm thấy vô cùng khó khăn nhưng vì đam mê, ông quyết tâm học. Sau khi thành thạo các nốt nhạc, bản nhạc, ông bắt đầu tham gia đàn hát trong các hoạt động văn nghệ của xã. Ngay cả bây giờ, dù đã ở vào cái tuổi ngoài 60 nhưng ông vẫn miệt mài tham gia Hội người mù của huyện Kim Động và là thành viên không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt chung
Trong mắt của bà, ông không chỉ là một người nghệ sỹ nghiệp dư mà còn là người chồng hoàn hảo. Cứ ngỡ ông là người tàn tật, mọi gánh nặng sẽ đè hết lên đôi vai của bà, thế nhưng mọi việc trong gia đình, ông đều giúp được. Từ nấu cơm, ra vườn nhặt rau, đi làm đồng…, ông đều làm như những người bình thường.
Ngày bà báo tin mình có thai, ông vui mừng khôn xiết. Ông bảo: "Nghe bà ấy nói mình có thai, tôi mừng lắm. Ngày đứa bé chào đời, tôi thấy cuộc đời mình thật ý nghĩa. Nghe mọi người nói đứa bé rất giống tôi ngày nhỏ, tôi vui lắm. Dù không biết mặt mũi vợ con tròn méo, đẹp đẽ như nào nhưng tôi cảm nhận được họ là những người vô cùng tuyệt vời, tốt bụng và đẹp đẽ".
Một lần đi chợ, chỉ đủ tiền mua ít thịt không ngon mà đã dành dụm lâu lắm rồi mới dám mua. Thương cảm tình cảnh của bà, một người phụ nữ gặp bà tại chợ đã đi theo thăm nhà ông bà. Đến nơi, thấy ngôi nhà của ông bà quá tồi tàn, lụp xụp, người ấy liền cho ông bà 20 triệu đồng để xây nhà. Kể đến đây, ông bảo: "Chưa bao giờ tôi nghĩ tới có một ngày được ở trong ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ như thế này. Nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ. Cuộc đời này đúng là vẫn còn nhiều người tốt".
Hồng Mây