Tại những ruộng lúa vàng ươm, vợ chồng, trai gái ríu rít vừa làm, vừa chuyện trò, nhưng ở nơi này, chỉ toàn phụ nữ. Họ lúi húi làm trong tiếng chim kêu mà chẳng một lời thở than về sự vất vả của mình. Hoá ra, đó là những người phụ nữ đã bao năm sống trong cảnh chờ chồng...
"Mục sở thị"...
Sau nhiều lần trò chuyện, bà Lương Thị Xuyến, phó chủ tịch UBND huyện Mù Căng Chải mới cởi mở hơn về nỗi khổ của phụ nữ chờ chồng ở các bản người Mông. Theo bà Xuyến, nói không bằng "mục sở thị". Và, thế là, chúng tôi có cuộc du ngoạn đầy thách thức. Khoảng 15h, theo chỉ dẫn, chúng tôi đến những điểm mà nhiều phụ nữ sẽ đi nương, làm ruộng về.
Quả thật, nhìn đến mỏi mắt, chỉ thấy phụ nữ, trẻ em và người già. Họ lầm lũi đi từ trên nương về, trên vai là cái gùi, có thể có cây măng rừng, rau và thứ gì đó dùng cho bữa ăn tối, hoặc, có thể là một gùi củi… Về đến nhà, các chị lại bắt đầu làm việc gia đình đến tận khuya, sáng dậy sớm lên nương, rẫy. Cứ thế, cuộc sống của các chị là một vòng quay tròn không điểm dừng và chẳng có hồi kết.
Đường vào bản Pú Cang
Chúng tôi tìm đến già làng để tự hoá giải những thắc mắc nhưng lại thấy mông lung hơn. Già làng tên Sùng A Chinh, ở bản Pú Cang, xã Nậm Khắt bộc bạch: "Con gái và con dâu tôi cũng đang mòn mỏi chờ chồng nó về. Thương lắm, nhưng chẳng biết làm sao. Tất cả chỉ tại cái anh ma tuý thôi". Tìm hiểu thông tin về số lượng đối tượng nghiện ma tuý và tội phạm ma tuý của Nậm Khắt ở công an huyện, tôi biết được con số giật mình, Nậm Khắt là xã có nhiều con nghiện nhất huyện và tội phạm ma tuý đứng thứ hai huyện. Chẳng thế mà nơi đây có tên là bản "chờ chồng".
Giàng Thị Gieo có chồng nghiện và mua bán ma tuý, bị bắt. Một mình Gieo cứ vừa nuôi con, vừa lo việc gia đình. Gieo nói: "3-4 tháng tôi mới đi thăm chồng được một lần. Có đợt thì cả năm, vì không có tiền...". Gần bảy năm rồi, Gieo và bốn đứa con vẫn sống như vậy. Tôi hỏi: "Sao chị không cho lũ trẻ đi học?", Gieo cười mà rằng: "Nhà nước bao cấp tiền ăn, ở, học còn tiền quần áo, tiền sách... lấy đâu ra. Ở nhà thì còn phụ giúp mẹ trông em, thậm chí đi lấy củi". Thế mới biết, cuộc sống của trẻ em thiếu cha hay thiếu mẹ đều rất lặng lẽ, khó khăn và đau đớn. Có thể, các con của Gieo chưa hiểu được điều đó nhưng người hiểu chuyện thì thấy quá đau lòng.
Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà chị Mùa Thị Du, già làng A Chinh nói: "Đây là hộ nghèo nhất bản. Chồng đi tù đã gần 12 năm rồi (từ năm 2002). Du cứ sống lay lắt cùng năm đứa con. Con lớn rồi, chúng cũng bỏ Du đi". Chị Du mới 40 tuổi nhưng nhìn như một bà lão 70, da nhăn nheo, người nhỏ thó, đen đúa. Trong nhà chị Du, tôi nhìn kỹ, chẳng có vật dụng gì đáng giá vài trăm ngàn đồng. Ngồi trong nhà, tôi thấy ánh nắng chói chang. Hoá ra, mái nhà bị thủng nhiều lỗ, có lỗ rất to. Theo già A Chinh, mùa mưa năm nào, người dân trong bản và chính quyền cũng giúp gia đình chị Du lợp lại mái nhà nhưng nó cũng chỉ được một mùa mưa nắng mà thôi.
Chị Du không nói thạo tiếng Kinh, già làng A Chinh là người phiên dịch cho tôi. Chị Du bộc bạch: "Đứa con lớn nhất đã 21 tuổi rồi. Nó đi làm ăn xa, hai năm rồi chẳng thấy về. Trước đó, thỉnh thoảng nó còn gửi tiền, về thăm mẹ và em. Hay, nó lại giống bố rồi, nghiện ngập, buôn ma tuý, vào tù cũng chẳng biết nữa. Năm đứa con của tôi, chẳng đứa nào được đi học hết lớp 5 cả. Thầy cô cũng đến vận động nhiều đấy nhưng chúng không thích đến trường mà chúng có thích đi rồi cũng phải tự bỏ, tôi không có tiền mua quần áo, vở viết cho chúng. Có ít ruộng trên nương, chồng bán hết rồi. Đã lâu rồi, mẹ con tôi nhờ nương của nhà ngoại, làm thuê, làm mướn, lên rừng đốn củi về chợ bán; hái rau, chặt măng... tìm những thứ trên rừng đem về chợ bán, đổi lấy gạo, muối sống qua ngày".
Thấy tôi thắc mắc, già làng A Chinh gật đầu, cho biết: "Chị Du nói đúng đấy". Tôi bắt đầu miên man với những điều mà ở miền xuôi người ta không bao giờ nghĩ đến, đó là đói. Họ chỉ nghĩ rằng, hôm nay bữa ăn có thức ăn gì, ăn ở đâu??? Nghịch cảnh thật!!!
Dòng suối này đã chứng kiến bao cuộc tình đẹp của trai gái Mông, nay nó thành nơi "tự sự" mỗi khi phụ nữ Mông buồn trong lúc chờ chồng
Mòn mỏi với chồng nghiện ma tuý
Cuộc chờ đợi không bến bờ Bà Lương Thị Xuyến - phó chủ tịch UBND huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái bộc bạch: Đây là địa bàn miền núi, thuộc một trong 61 huyện nghèo nhất cả nước nên người dân nói chung và phụ nữ nói riêng bị thiệt thòi nhiều thứ. Phụ nữ Mông rất chịu thương, chịu khó. Họ có thể lam lũ cả ngày, cả đời để nuôi chồng, nuôi con, còn chồng thì chơi, uống rượu và có thể đi tìm vợ khác mà không phàn nàn hay cảm thấy mình bị thiệt thòi. Hình như, những phụ nữ Mông tự cho rằng, mình phải có nghĩa vụ phục tùng chồng, nuôi con, cáng đáng gia đình. Suy nghĩ này ăn sâu vào tâm thức họ, khiến những cuộc vận động, tuyên truyền không nhiều hiệu quả. Giờ, nhiều phụ nữ Mông cũng đã biết tự chăm sóc cho mình, biết vận động chồng cùng gánh vác việc gia đình. Thế nhưng, nhiều người phụ nữ vẫn mỏi mòn chờ chồng. Chồng họ là con nghiện ma tuý… Cuộc chờ đợi của họ không có điểm dừng. |
Tôi đến trung tâm Chữa bệnh giáo dục (tỉnh Yên Bái) đã vài lần và biết được rất nhiều đàn ông người Mông ở Mù Căng Chải đang cai nghiện ma tuý bắt buộc ở đây. Trong quá trình tiếp xúc với họ, điều đáng buồn nhất là họ liên tục tái nghiện và không thích về nhà. Điều đó lý giải vì sao phụ nữ Mông ở Nậm Khắt cứ mòn mỏi chờ chồng trong tuyệt vọng như thế. Ông Nguyễn Công Huấn - Phó giám đốc trung tâm Chữa bệnh giáo dục, cắt nghĩa lý do một số ông chồng không muốn về nhà sau khi hết thời hạn cai nghiện bắt buộc, rằng: Ở trung tâm, họ được ăn, nghỉ, lao động điều độ; không phải lo tìm kiếm tiền mua thuốc, kiếm đồ ăn hàng ngày… Quả thật, với lý do này, các bà vợ trở thành “hòn vọng phu” cũng chẳng sai.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phụ nữ ở một số bản người Mông (Mù Căng Chải) chờ chồng về mang ý nghĩa tinh thần hơn là vật chất và sự giúp đỡ. Trong một lần làm việc về công tác xoá đói giảm nghèo ở vùng cao, một đầu ngành của tỉnh Yên Bái đã xót xa thừa nhận rằng: "Đàn ông Mông lười lắm. Lấy vợ xong, mọi việc từ kinh tế, sinh con, nuôi con họ cũng để vợ đảm nhận tất. Công việc của đàn ông - người trụ cột trong gia đình ấy - chỉ là ở nhà và uống rượu. Thậm chí, nhiều người đàn ông Mông còn giao cả việc nuôi bản thân mình cho vợ. Người phụ nữ Mông cứ im lặng, chịu đựng và gánh vác như thể, khi sinh ra, họ đã phải mang cái trách nhiệm đó. Vì thế, việc họ chờ chồng về, chẳng qua chỉ mang ý nghĩa tinh thần mà thôi. Họ chẳng mơ nhờ gì vào những người chồng nghiện ma tuý đã đi cai nghiện bắt buộc đến vài lần mà vẫn tái nghiện ấy". Nghe mà thấy xót xa…
Khó thay đổi tập quán Nậm Khắt giáp ranh với xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), được xác định là địa bàn trọng điểm về ma tuý của huyện. Bản Pú Cang là bản "nóng" nhất về ma tuý (đối tượng mua bán, đối tượng nghiện - PV) của Nậm Khắt. Bản có 98 hộ thì có tới 80 hộ trong diện hộ nghèo, thiếu đói ít nhất từ 3-5 tháng/năm. Bản có tới gần 70 đối tượng nghiện và phạm tội ma tuý đã và đang thụ án tại trại giam. Đại diện chính quyền xã, huyện xác nhận rằng, đã tập trung nhiều dự án phát triển kinh tế nông thôn ở thôn bản. Thế nhưng, việc cho vay vốn, phát triển kinh tế không đơn giản như ở miền xuôi. Rất khó có thể thay đổi tập quán của người Mông về canh tác, phát triển kinh tế. Nuôi hay trồng cây gì, họ đều không tập trung chăm sóc mà phần lớn dựa vào tự nhiên. Mà, thiên nhiên vùng núi thì vô cùng khắc nghiệt vào cả đông lẫn hạ. Hết lạnh thấu xương thì đến mưa tầm tã, lũ, lốc xoáy... |
Huệ Chi