Đêm giao thừa với những ca cấp cứu
“Khi đặt bút viết vào tờ giấy đăng kí dự thi đại học để theo học ngành y, mỗi cá nhân chúng tôi đều xác định sẽ chỉ là những cái tết trong bệnh viện cùng bệnh nhân và người nhà của họ, thậm chí là những đêm giao thừa tất tả với ca cấp cứu.
Nhiều người nghĩ, tết sẽ được về sum họp cùng gia đình, chúng tôi cũng là con người, cũng có ước mơ, nguyện vọng về cái tết như thế nhưng những bác sĩ như chúng tôi, “quỹ đạo” ấy đã bị phá vỡ và ngày nào cũng là tết. Đã chọn nghề này, chúng tôi phải biết hi sinh”, đó là tâm sự của BSCKII Phạm Thị Trà Giang – Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Những ngày cuối năm, chúng tôi gặp BS. Giang khi chị đang thăm khám cho bệnh nhân. Vừa đặt ống nghe đo huyết áp người bệnh, chị vừa tươi cười trò chuyện.
16 năm công tác trong ngành cũng là chừng ấy năm chị Giang đón tết trong bệnh viện, không là đêm 30 cũng là ngày mùng 1, mùng 2 Tết.
Niềm vui duy nhất dành cho những sự hi sinh ấy là nụ cười và sức khỏe của bệnh nhân.
“Bố tôi cũng làm bác sĩ. Từ bé, mỗi khi mẹ đi công tác xa, bố phải trực, tôi lại theo bố vào bệnh viện và... trực cùng bố.
Chính vì thế, tôi hiểu được những nỗi vất vả của ngành nghề bố lựa chọn. Bố cũng chính là người đã định hướng tôi theo ngành y. Tôi được sự đồng lòng không chỉ từ gia đình mình mà của cả gia đình chồng cũng như chồng cùng các con”, chị Giang nhớ lại.
Trong câu chuyện tâm sự với chúng tôi, chị Giang nhắc nhiều hơn tới các con. Chị bảo, những lần trực đêm 30 chị đều nhận được điện thoại chúc mừng năm mới của con.
“Sinh ra là con của bác sĩ, tất cả những đứa trẻ ấy đều có tính tự lập cao. Con của tôi còn thạo lịch trực của mẹ. Nhiều hôm các con nhìn lên lịch rồi lại hỏi: “Hôm nay mẹ đi trực à?”. Những lúc ấy tôi hạnh phúc vì biết rằng con mình đã trưởng thành và biết suy nghĩ.
Cũng có hôm thấy những biến động trong lịch trực của mẹ, các con lại suy đoán, chắc hôm nay ở cơ quan mẹ có cô, chú nào bận nên nhờ mẹ trực giúp”, BS. Giang cười.
Nói rồi, đôi mắt chị bỗng hướng về những khoảng không xa xăm rồi bất chợt nở nụ cười tươi hơn:
“Những ngày tết, các con được nghỉ học, chúng cũng muốn được bố mẹ đưa đi chơi nhưng tôi cứ bận rộn suốt. Đó là thiệt thòi cho các con. Nhưng ở đây còn rất nhiều người bệnh đang chờ chúng tôi”.
Công tác ở khoa cấp cứu, là nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện, BS. Giang tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân ở các dạng bệnh khác nhau, người nhà, người bệnh cũng có trình độ tri thức khác nhau...
Thế nên mới có câu chuyện, nhiều người đến với các bác sĩ bằng vẻ mặt nhăn nhó, nhưng khi ra viện lại tươi cười. Nhưng cũng có không ít bệnh nhân, họ chưa hiểu tính chất nghề nghiệp của bác sĩ cũng như những trường hợp nào cần được ưu tiên cấp cứu trước, họ đã dành cho bác sĩ những lời lẽ chưa khiếm nhã.
“Ở khoa cấp cứu không phải là chờ đợi hay xếp hàng để đến lượt mình được vào cấp cứu. Ở đây, có những tình trạng bệnh chúng tôi sau khi nhận định phải tiến hành cấp cứu ngay”, BS. Giang tâm sự thêm.
Khẽ đưa đôi mắt nhìn các bệnh nhân của mình đang nằm điều trị ở khoa, BS. Giang còn chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về những bệnh nhân được cấp cứu ở thời khắc giao thừa.
Những người bệnh ấy, họ luôn tâm niệm được các bác sĩ cứu sống để họ bước qua được thời khắc giao thừa, để họ thêm được 1 tuổi.
Khi được hỏi về những trường hợp khó khăn được cấp cứu tại đây, chị Giang nhớ lại trường hợp cách đây hơn nửa năm có vợ chồng người dân tộc Tày ở Hòa Bình xuống Hà Nội làm phu hồ ngày hôm trước, hôm sau bị ngộ độc thức ăn và phải vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu.
Nhưng ngặt nỗi, họ không có tiền nên các bác sĩ đã miễn phí tiền khám chữa bệnh và còn cho họ tiền thuê xe ôm về phòng trọ.
“Chúng tôi “làm dâu trăm họ” còn người bệnh thì muôn hình vạn trạng”, BS. Giang tâm sự.
Tết này mẹ lại trực à?
Cũng là những cái tết không ở cạnh các con, BSCKI Phạm Thị Như Hoa – khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ:
“Tôi lấy chồng không cùng quê nên sau mỗi ca trực tết xong, hai vợ chồng lại tất tả lo về quê đón tết.
14 năm trong ngành, tôi chủ yếu trực đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới. Tết năm 2016, đúng giao thừa, chúng tôi tiếp nhận trường hợp 1 em bé bị sốt cao, co giật trong lúc bố mẹ đưa đi đón giao thừa trên phố”, BS. Hoa nói.
Nhớ lại trường hợp ấy, BS. Hoa không khỏi xót xa và liên tưởng tới các con của mình cũng sống trong những nhịp sống vội vã và bận rộn của người lớn. Bởi lẽ, đứa bé ấy được bố mẹ cho đi chơi khi bé đang bị ốm.
“Bố mẹ đi làm cũng bận tới những ngày cuối năm nên cũng muốn tranh thủ đưa con đi chơi. Nhìn thấy con trong cơn sốt cao, co giật, họ rất hoảng loạn và bối rối.
Còn những bác sĩ như chúng tôi, tiếp nhận ca bệnh chúng tôi phải xử trí và cấp cứu ngay”, BS. Hoa kể cho chúng tôi câu chuyện của bệnh nhân nhưng bỗng chốc chị nhớ lại câu hỏi của con mình: “Hôm nay mẹ lại đi trực à”, để rồi chị mím môi thật chặt. Tết năm nay chị lại trực tết.
Còn với BSCKII Nguyễn Thu Hương – Phó phụ trách khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cười khi chúng tôi nhắc tới từ “Tết”. Với người phụ nữ ấy, khi chọn nghề y, chị luôn chấp nhận “gia đình phải đứng sau công việc”.
Nói là thế nhưng, ở bệnh viện chị làm tròn trách nhiệm của người bác sĩ, khi về nhà chị lại làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Tất cả đều cân đối, hài hòa.
“Năm hết tết đến rồi, bệnh nhân xuất viện có, bệnh nhân ở lại điều trị tiếp cũng không ít và bệnh nhân nhập viện cũng liên tục.
Chúng tôi hiểu, ai cũng sốt ruột để về quê lo sắm tết nhưng chúng tôi chỉ giải quyết xuất viện cho những trường hợp nào có thể ngoại trú được. Có những trường hợp, để đảm bảo tính mạng cho người bệnh, chúng tôi phải dùng chuyên môn thuyết phục người nhà cho bệnh nhân nằm viện điều trị”, BS. Hương chia sẻ.
Và ở khắp các khoa phòng của Bệnh viện Thanh Nhàn, không khí khẩn trương để khám, chữa bệnh cho người bệnh vẫn diễn ra như những ngày thường. Đâu đó, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt đầy khắc khoải mong được trở về của người bệnh...
Thoáng trong đó là niềm vui của nhiều người khi biết được rằng, tết này những em bé bị bố mẹ bỏ rơi ở bệnh viện sau khi các em mới cất tiếng khóc chào đời, đã có người đón về nuôi và có cái tết đầm ấm.
Nguyễn Huệ