Nỗi oan cẩu thạch và lời thề độc hơn 400 năm

Nỗi oan cẩu thạch và lời thề độc hơn 400 năm

Thứ 2, 04/03/2013 08:53

Hàng trăm năm qua, các cụ cao niên trong làng vẫn răn dạy trai gái hai làng Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) và Hát Môn (xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội) phải giữ nguyên lời thề với quan lớn Hoàng Thạch, không được lấy nhau.

Truyền thuyết về ông Hoàng Thạch

Lâu nay, người dân Hà Nội chỉ mới nghe đến nơi thờ chó đá là đền Cẩu Nhi nằm giữa hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Có lẽ chẳng ai ngờ rằng, cách trung tâm Hà Nội không xa, có một ngôi làng kính cẩn gọi chó đá là quan lớn Hoàng Thạch, hoặc ông Hoàng Thạch. Ngày lễ, ngày Tết, người dân kính cẩn dâng lễ quan lớn và hương khói không lúc nào ngớt trên bệ thờ chó đá.

Xã hội - Nỗi oan cẩu thạch và lời thề độc hơn 400 năm

Quần thể Hoàng Thạch được thờ tại làng Địch Vĩ.

Để tìm hiểu về phong tục này, chúng tôi đã tìm về thôn Địch Vĩ. Tiếp PV là ông Nguyễn Chí Cương, trưởng ban di tích xã Phương Đình. Đã lâu nay, người đàn ông này được giao phó trách nhiệm trông nom, hương khói đền thờ ông Hoàng Thạch. Nói chuyện với chúng tôi, ông Cương cho biết: "Chính giữa bệ thờ là tượng quan Hoàng cao khoảng 1,4m trong tư thế ngồi, tai cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè ra che hàm răng dưới. Xung quanh quan Hoàng Thạch là tượng 13 "ông cẩu" kích cỡ không đồng đều, ông thì cao khoảng 15cm, ông lớn hơn cao 30cm, tư thế rất linh động. Được biết, đền thờ được tôn tạo từ năm 2000, trước đó, quan Hoàng được đặt sâu trong đất chỉ nhô nửa thân lên. Vị trí các ông Hoàng hiện nay đều đặt không đúng như trước. Quan Hoàng trước đây nhìn về phía Tây Bắc, hướng núi Ba Vì.

Khi chúng tôi hỏi về cái tục thờ lạ kỳ này, ông Cương đi ra ngoài bệ thờ chính, rút một nén nhang thắp lên bát hương rồi cầu khấn điều gì đó. Sau đó, ông mới vào nhà kể cho PV nghe về truyền thuyết ông Hoàng Thạch ở làng Địch Vĩ. Theo ông trưởng ban di tích đền, câu chuyện về ông Hoàng Thạch xuất hiện từ hơn 400 năm  trước. Ngày ấy, ở làng Hát Môn, một gia đình sinh được hai anh em trai khôi ngô tuấn tú. Sau kỳ thi, người anh đỗ đạt và làm quan trong triều đình. Khi đó, cậu em trai đã đến tuổi thanh niên nhưng không công danh nên ở nhà sống với chị dâu. Căn buồng của chị dâu và em chồng được ngăn với nhau bằng một vách đất và có một lỗ thủng. Đêm đêm, khi ngủ, người em thường thò tay qua bức vách đặt lên bụng chị dâu vì sợ chị ngoại tình, làm chuyện có lỗi với anh trai.

Không lâu sau khi đỗ đạt làm quan, vị quan kia về nhà và thấy vợ mình có chửa. Nghi em trai gian díu với vợ, trong lúc nóng giận, vị quan đã sai người giết chết em trai cho hả giận. Sau khi chết oan, người em về báo mộng cho người làng nỗi khổ của mình và yêu cầu nhân dân dựng cho mình một bức tượng chó đá. Bức tượng ấy sau khi hoàn thành thì được thả xuôi theo dòng sông.

Do người em trai nhiều lần báo mộng nên người dân cũng làm theo. Sau khi làm xong, người dân liền thả xuống sông như lời dặn của chàng trai tội nghiệp. Bức tượng trôi đến địa phận xã Thọ Xuân, nằm đối diện làng Địch Vĩ, ngăn bởi con sông Hồng. Lúc bấy giờ, dân làng mới đổ ra xem pho tượng lạ. Nghĩ hẳn là pho tượng quý, người dân Thọ Xuân cử hàng trăm thanh niên trai tráng ra khiêng tượng về, nhưng không thể khiêng nổi. Bấy giờ, bốn người thôn Địch Thượng mới hò nhau ra khiêng thử, lạ thay, bức tượng bỗng nhẹ bẫng. Biết là tượng đã chọn làng mình, dân Địch Thượng mới mang tượng chó đá mà sau tôn làm Quan lớn Hoàng Thạch và thờ cúng cho đến nay.

Theo ông Cương, không ai biết chính xác bức tượng chó đá có từ khi nào. Đến nay, không ai bảo ai, người dân trong làng, có bất cứ chuyện gì cũng tìm đến ngài để cầu khấn và đều được mãn nguyện. Chính vì những câu chuyện linh thiêng thế nên dân làng tuyệt nhiên không ai dám xâm phạm đến đền.

Nói về sự linh thiêng của đền thờ ông Hoàng Thạch, ông Cương kể với giọng kỳ bí: Trong lần tu sửa lại đình chùa, chúng tôi có xin chuyển ngài sang bệ thờ mới cách đấy vài mét. Cạnh ngài nằm có một cây đinh lăng già cũng phải chặt bỏ, đào rễ để tiện cho việc xây bệ mới. Mới đầu, có mấy người trong làng cho rằng bỏ đi thì phí nên đã mang rễ đinh lăng về nhà để ngâm thuốc. Vậy mà chỉ trong vòng chưa đến một tuần, tất cả những người ấy đều lăn ra ốm. Người thì nằm liệt giường, người sốt cao, ăn nói lảm nhảm. Người nhà bệnh nhân chạy chữa mãi cũng không khỏi, chẳng ai hiểu thực chất là mắc bệnh gì.

Sau khi không ai tìm được lời giải thích thấu đáo, một cụ già trong làng buột miệng hỏi người này có phạm đến chỗ ngự của ông Hoàng Thạch hay không. Người nhà nghĩ lại thì thấy hôm trước người đàn ông này có lấy rễ đinh lăng ở đền. Ngay lập tức, họ vội vàng làm lễ dâng ngài xin thứ tội, điều lạ là sau đó những người bệnh tự nhiên khỏe mạnh, không còn bệnh tật gì nữa. Sau chuyện này, mọi người trong làng ai cũng kính cẩn và nể sợ.

Cũng theo lời ông Cương, hiện nay, tượng Quan lớn Hoàng Thạch đã được xây cao, mắt hướng thẳng sang làng Hát Môn, nhìn về phía Tây, cách khoảng 4km, nằm men theo con sông Hồng thuở trước. Dân làng vẫn thường đồn rằng, tất cả những nhà nằm chắn hoặc che khuất tầm mắt của ngài đều sẽ gặp vận rủi. Vì vậy, ai có phần đất nằm ngang lối ấy khi xây nhà đều gắng xây tránh ra.

Xã hội - Nỗi oan cẩu thạch và lời thề độc hơn 400 năm (Hình 2).

Ông Nguyễn Hữu Băng, chủ lễ đình Địch Vĩ.

Và lời nguyền trăm năm

Theo lời ông Cương, nhiều người dân trong làng mắc bệnh nan y, bệnh viện trả về mà ra cầu khấn với ông Hoàng Thạch bỗng chốc lại đi lại bình thường, sức khỏe hồi phục. Không hiểu vì ngài linh thiêng phù hộ cho khỏi bệnh, hay nhờ cầu khấn ngài mà tâm lý người bệnh được thanh thản, tinh thần phấn chấn rồi bệnh tình cũng vì thế thuyên giảm. Tuy nhiên, dân làng cũng lấy những chuyện ấy để càng trọng vọng, tôn kính ngài hơn.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Cương kể, sau khi tượng người dân làm cho người em trai đã được đem về đặt tại làng Địch Vĩ nhưng luôn quay đầu hướng về Hát Môn. Lại nói đến người anh, sau khi giết nhầm em thì hối hận không nguôi. Ông đã cho dân làng lập đình thờ chó đá để tưởng nhớ tới em và cũng như để hối lỗi về chuyện đổ oan cho người em. Kể từ đó, hai làng coi nhau như anh em và lập lời thề trai gái hai làng không được lấy nhau để tưởng nhớ hai vị Thành Hoàng. Hàng trăm năm trôi qua, các cụ cao niên trong làng vẫn có quan niệm rằng phải giữ lời thề độc với quan Hoàng Thạch, có nghĩa là trai gái trong hai làng không được lấy nhau.

Một số cụ cao niên trong làng cho biết, chính vì người vợ sau này đẻ ra quái vật nên đã thức tỉnh người anh, giải oan cho em và rồi hai làng kết nghĩa anh em từ đó. Dân làng Địch Vĩ là em còn dân làng Hát Môn là anh, cũng chính vì thế mà hàng trăm năm trước trai gái hai làng tịnh không hề kết duyên là thế. Hàng năm, cứ vào ngày lễ Khai hạ là dân làng Địch Vĩ phải lên đền Hát Môn rước nước về làng rồi mới được làm lễ.

Những câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết     

Ông Nguyễn Hữu Băng, chủ lễ làng Địch Vĩ cho biết, việc người dân thờ Hoàng Thạch đã xuất hiện hàng trăm năm qua. Người dân luôn tâm niệm, việc thờ tự này sẽ đem lại may mắn. Tuy nhiên, những câu chuyện kỳ bí về tục thờ này có lẽ chỉ là do truyền thuyết để lại. Có lẽ, các tiền nhân muốn con cháu mình bảo tồn, không xâm phạm đến nét văn hóa thờ tự đặc sắc này nên mới nói ra những câu chuyện kỳ bí đó. Đến nay, trai gái hai làng vẫn kết hôn bình thường và không hề gặp bất cứ sự việc lạ kỳ nào.

Vương Chân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.