Cũng vì mối thù truyền kiếp với nữ tình báo này nên sau chiến tranh, trong các bản Danh sách đen mà chính phủ Hàn Quốc công bố và phát hành thì cái tên: Kim Tú Lâm luôn chiếm vị trí đầu tiên. Vì sao chính phủ Hàn Quốc lại thù ghét người phụ nữ này như thế?
Nữ điệp viên kích động cuộc chiến Triều Tiên?
Kim Tú Lâm có vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành"
Vào ngày 28/6/1950, chỉ 3 ngày sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Kim Tú Lâm đã bị quân đội Hàn Quốc xử bắn. Khi bị hành quyết ở tuổi 39 vì tội hoạt động gián điệp cho đối phương, Kim đã được mệnh danh là Mata Hari của Triều Tiên, ý nói tới vụ của cô có nhiều điểm tương đồng với điệp viên hai mang gốc Hà Lan, người có quan hệ thân cận với giới lãnh đạo quân sự của cả hai phe Đồng minh và Đức trong Chiến tranh thế giới thứ I. Thậm chí tại thời điểm đó, thượng nghị sỹ và sau này trở thành Tổng thống nước Mỹ- Ronald Reagan trong một bài trả lời trên truyền hình đã chỉ trích Kim Tú Lâm chính là "Kẻ gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên". Tuy nhiên, sau nửa năm khi vụ án "Nữ điệp viên Kim" khép lại, một cuộc điều tra sau đó của quân đội Mỹ đã cho thấy: Không có bất kỳ chứng cứ nào để buộc tội Kim Tú Lâm là gián điệp.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục vào năm 1911 tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, ngay từ nhỏ Kim Tú Lâm đã được các nhà truyền giáo Mỹ nuôi dạy. Xinh đẹp, thông minh và giỏi tiếng Anh, Kim Tú Lâm khi trưởng thành còn theo học và tốt nghiệp tại ngôi trường nổi tiếng Ewha dành cho nữ sinh. Tuy nhiên, cuộc đời của người con gái xinh đẹp này đã thay đổi hoàn toàn khi bà gặp và yêu Lee Gang-kook, một trí thức được đào tạo tại Đức, khi đó đang hoạt động rất tích cực trong phong trào cánh tả tại Seoul. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi Mỹ đưa quân sang Hàn Quốc, Lee đối diện với nguy cơ bị truy nã và bắt giữ, nên phải chạy sang Triều Tiên.
Vì theo người yêu sang Seoul để hoạt động phong trào, nên khi Lee chạy trốn sang Triều Tiên, Kim Tú Lâm đã mắc kẹt lại tại Hàn Quốc. Nhưng nhờ vào khả năng tiếng Anh trôi chảy nên không lâu sau Kim được thuê làm trợ lý cho John Baird- đại tá chỉ huy Quân đoàn số 8 của Mỹ tại Triều Tiên. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, chỉ sau một thời gian ngắn từ quan hệ đồng nghiệp, câu chuyện của nữ phiên dịch Kim và viên đại tá John đã nhanh chóng biến chuyển thành quan hệ tình ái. Theo nhiều người bạn của Kim khi đó còn cho biết, bà đã có một người con trai, tuy nhiên John Baird đã phủ nhận vì sau đó vợ của viên đại tá này đã dọn tới sống ở Hàn Quốc.
Tai họa thực sự giáng xuống cuộc đời Kim Tú Lâm khi cô bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ vào ngày 1/3/1950, trong khuôn khổ một chiến dịch săn lùng và đàn áp những người cánh tả của chính quyền độc tài khi đó. Các nhà sử học cho rằng, chế độ độc tài tại Seoul trong khuôn khổ chiến dịch này đã thủ tiêu một cách bí mật ít nhất 100 ngàn người theo đường lối cánh tả và cả những người ủng hộ họ.
Cũng chỉ sau 3 tháng người tình bị bắt giữ, viên đại tá John Baird đã quay trở lại Mỹ. Lập tức quân đội Hàn Quốc đã đưa Kim Tú Lâm ra xét xử với tội danh gián điệp cho quân đội Bắc Triều Tiên với cáo buộc lấy trộm thông tin tuyệt mật của John Baird để chuyển cho người tình cũ Lee Gang-kook. Và cũng chỉ sau vài ngày bị ép cung, Kim Tú Lâm đã nhận tội và bị xử tử ngay sau đó.
Nỗi oan thấu trời
Sau khi Kim Tú Lâm bị quân đội Hàn Quốc xử tử, ngay tại thời điểm đó nhiều người đã nghi ngờ rằng vì sao cô lại bị thanh toán nhanh đến như vậy? Đối với trường hợp của Kim, nhà sử học nổi tiếng của Hàn Quốc Jung Byung Joon đã cho rằng: "Cảnh sát Hàn Quốc căm ghét Kim vì bà từng là người tình của Lee Gang Kook. Họ đã chờ cơ hội thích hợp để chộp lấy bà". (?)
Bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ năm 1950
Trong bản cáo trạng mà giới quân sự Mỹ và Hàn Quốc dành cho Kim tại thời điểm đó, cô được cho là trung tâm của một trong những vụ án gián điệp nghiêm trọng nhất giữa thế kỷ 20 và là mắt xích quan trọng góp phần gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Kim bị cáo buộc hàng loạt tội danh nghiêm trọng như: Chiếm đoạt xe từ viên đại tá John Baird để bán cho những người bạn cánh tả, giữ súng ở nhà, giúp Lee tới biên giới bằng xe quân đội Mỹ và quan trọng nhất là tuồn kế hoạch rút quân vào năm 1949 của Mỹ cho phía CHDCND Triều Tiên. Đây là được coi là cơ sở để Bình Nhưỡng phát động chiến tranh chống Hàn Quốc.
Ngay sau khi bị bắt giữ, hình ảnh của Kim hiện lên trên các trang báo của Mỹ như một mụ phù thủy độc ác và mất hết nhân tính. Đã có những tờ báo xuất ra hàng loạt tin bài bêu xấu hình tượng của Kim: "Mụ đàn bà quyến rũ gốc Triều, kẻ phản bội nước Mỹ"- Thời báo Mỹ Coronet đã viết như vậy.
Tuy nhiên, một số tài liệu mới được giải mật gần đây của Mỹ - được Viện Lịch sử quốc gia Hàn Quốc tìm hiểu và hệ thống lại - đã cho thấy, trường hợp của Kim rất có thể đã bị bịa đặt, thổi phồng lên rất nhiều. Hay nói cách khác, Kim Tú Lâm đã bị cố tình xử oan. Người ta biết rằng sau khi Kim bị xử tử vài tuần, một cuộc điều tra của phía Mỹ đã được tổ chức. Trong tập tài liệu này, các điều tra viên của Mỹ đã phải thừa nhận rằng: "Chẳng có chứng cứ gì để buộc tội Kim Tú Lâm là gián điệp". Tuy nhiên, tất cả những tài liệu này đã được giữ kín cho đến thời gian gần đây mới được tiết lộ.
Trong tập tài liệu mới được công bố này, trước khi Kim Tú Lâm bị xử tử, quân đội Mỹ đã tiến hành thẩm vấn đối với người tình cũ của bà là viên đại tá John Baird. Người này đã chứng minh rằng những cáo buộc đối với Kim là hoàn toàn không có cơ sở. Baird bác bỏ việc cung cấp cho Kim thiết bị truyền tin qua radio và nhiều thiết bị khác để phục vụ hoạt động gián điệp đồng thời cũng nhấn mạnh rằng ông chưa đủ thẩm quyền để tiếp cận với những tài liệu quan trọng như Kế hoạch rút quân vào năm 1949 của Mỹ. Tuy nhiên, sợ bị liên lụy và có tác động không tốt tới tương lai chính trị của mình, nên John Baird đã bỏ mặc người tình để nhanh chóng trở về Mỹ. Không lâu sau ngày bị John Baird phủi tay, Kim Tú Lâm đã bị xử tử.
Sự thật phơi bày
"Mụ đàn bà quyến rũ gốc Triều, kẻ phản bội nước Mỹ"- Kim Tú Lâm sẽ luôn bị coi là kẻ độc ác táng tận lương tâm nếu không có người con trai của bà trả lại sự trong sạch cho mẹ mình. Wonil Kim- người con trai của Kim và John Baird khi trưởng thành đã rất sốt sắng trong việc tìm hiểu sự thực xung quanh những huyền thoại về mẹ mình. Chính ông là người đầu tiên phát hiện những tài liệu được giải mật của Mỹ có liên quan đến vụ án đặc biệt này.
Trong những tài liệu mà Wonil Kim phát hiện thì vào ngày 2/8/1950, tức là chỉ một tháng sau khi Kim bị hành hình, quân đội Mỹ đã mở cuộc điều tra nhằm làm rõ, liệu Baird có thực sự bị sa vào bẫy tình tại Triều Tiên hay không? Trong báo cáo có tên Baird Report, thực ra là một tài liệu dày tới 200 trang được tập hợp sau 3 tháng điều tra, đã cho thấy không có đủ bằng chứng để chứng minh Kim Tú Lịnh đã dùng mỹ nhân kế để moi thông tin quân sự từ Baird cũng như việc Kim đã giúp Lee Gang-kook chạy trốn.
Cũng trong kết luận điều tra về trường hợp của Kim Tú Lâm do quân đội Mỹ thực hiện, người ta cũng phát hiện ra một chi tiết vô cùng đặc biệt: Người tình đầu tiên của Kim Tú Linh là Lee Gang-kook thực tế lại là một điệp viên ngầm của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Bản thân Lee về sau cũng bị chính quyền Bắc Triều Tiên tử hình vào năm 1953 vì tội làm gián điệp cho Mỹ.
Vậy vì sao Kim Tú Lâm lại nhận tội? Lãnh đạo nhóm cố vấn Mỹ ở Hàn Quốc khi đó cũng đã khai rằng: "Kim đã bị tra tấn rất dã man bằng nước và sốc điện. Quá đau đớn vì những phương pháp tra tấn kinh hoàng, Kim đã buông xuôi cho số phận". Theo như người Mỹ kết luận trong các tài liệu, "Kim Tú Lâm đã bị Cảnh sát Hàn Quốc tra tấn dã man để bắt buộc phải thú nhận những chuyện trên thực tế chẳng bao giờ làm".
Thủy Bình