Như tin đã đưa, ngày 5/1, lực lượng chức năng thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) phát hiện 44 khúc gỗ, ở khu vực sông Thu Bồn (đoạn gần cầu Câu Lâu cũ, qua thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn).
Theo đó, toàn bộ số gỗ này hoàn toàn không có dấu búa của kiểm lâm. Mỗi khúc có đường kính từ 60 – 80cm, dài 2 – 4m. Tất cả số gỗ được kết thành 5 bè. Theo cơ quan chức năng, loại này được xác định là gỗ ươi (nhóm VII).
Chưa hết, thời điểm kiểm tra, không ai đứng ra nhận số gỗ này, lực lượng kiểm lâm đã tiến hành trục vớt và lập biên bản, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc lực lượng chức năng phát hiện một khối lượng lớn gỗ ươi vô chủ, neo lơ lửng dưới chân cầu, khiến dư luận xôn xao. Đa phần người dân đều cho rằng, gỗ được một nhóm người tổ chức chặt hạ, rồi vận chuyển về xuôi bằng đường sông, chứ không thể có chuyện gỗ “vô tình” trôi về.
Được biết, ươi là một loại gỗ có đặc tính mềm, dễ cong vênh khi thấm nước. Tại miền Trung, loại gỗ này thường được người dân sử dụng, cưa cắt thành tấm lớn để làm cốp pha (khuôn đúc bê tông) hoặc các cơ sở mộc mua về làm… quan tài.
Ngày 10/1, PV tiếp tục tìm về thôn Thanh Chiêm 2 (Điện Phương), nơi tập kết số gỗ trên, để ghi nhận thông tin. Có một điều trùng hợp kỳ lạ mà chúng tôi vô tình biết được, đó là xã Điện Phương cũng là xứ sở của các xưởng mộc, nghề ma chay, sản xuất quan tài.
Khi chúng tôi đặt nghi vấn rằng, liệu có phải số gỗ trên là của một người dân địa phương, hay một chủ xưởng mộc nơi đây mua về, nhiều người dân Thanh Chiêm 2 đều lắc đầu, hoặc ậm ừ không trả lời.
Đáng chú ý, một số người tiết lộ, nhiều năm trước đây, khoảng sông gần chân cầu Câu Lâu (cũ), nơi lực lượng chức năng vừa phát hiện ra số gỗ “vô chủ”, từng là một “điểm đen”, neo đậu gỗ không có giấy tờ.
Theo lời người dân, vào thời điểm đó gỗ được neo chìm, thả tràn lan khắp cả một khoảng sông rộng lớn. Người ta đóng từng cột nhọn cao lên gần bằng mặt nước, để buộc các bè gỗ vào và cũng để làm dấu. Người dân địa phương mà đặc biệt là trẻ em hay ra tắm sông, không cẩn thận vấp phải gỗ, cọc nhọn này là chuyện bình thường. Đặc biệt, số gỗ này đa phần được tuồn về bán cho một số cơ sở, xưởng mộc lân cận. Sau đó, lực lượng chức năng vào cuộc, xử lý chấm dứt vấn nạn này từ đó đến nay.
Ông Lê Doãn Bình, nguyên Chủ tịch HĐND xã Điện Phương cũng xác nhận thông tin trên. Ông cho biết thêm: “Đúng rồi! Trước đây đúng là có gỗ hay về ở đoạn sông giáp ranh thôn Thanh Chiêm 2. Tuy nhiên, bây giờ hết rồi! Còn vụ bắt gỗ mới đây thì tôi không nắm rõ, bởi tôi không còn làm chủ tịch nữa”.
Theo lời ông Đoàn Xuân Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), đơn vị cũng sẽ tiến hành điều tra, truy nguồn gốc số gỗ. Mọi việc sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật.
Nhâm Thân – Duy Cường