Nỗi đau thầm lặng
Chúng tôi biết được thông tin về "bản không chồng" từ bà Mè Thị Kiến, chi hội Phụ nữ thôn Gò Mãm. Theo số liệu bà Kiến liệt kê thì, cả thôn có 22 người phụ nữ góa chồng (người thì chồng chết trẻ), có người không chồng mà có con, có người bị chồng bỏ. Trong số đó, người già nhất là 50 tuổi, người trẻ nhất mới đôi mươi. Đã có người đi lấy chồng nơi khác nhưng họ cũng chỉ sống đời vợ chồng được vài năm thì bỏ nhau, người phụ nữ lại bồng bế con về xóm cũ, lam lũ làm ăn. Có nhiều phụ nữ đã mạnh dạn đi bước nữa để tìm kiếm hạnh phúc nhưng vẫn phải chịu cảnh góa chồng.
Bà Mè Thị Kiến, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Gò Mãm thống kê được 22 người phụ nữ góa chồng.
Chị Lê Thị Nga là một phụ nữ góa chồng ở Gò Mãm. Năm mười bảy tuổi chị lấy chồng, lúc đó cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng chị rủ nhau khai thác gỗ lậu trên rừng, đem bán. Hai vợ chồng hàng ngày vào rừng làm "tối mắt tối mũi", kiếm tiền để nuôi con ăn học và phòng lúc tuổi già. Số vốn vợ chồng chị Nga tích cóp cũng được đến vài trăm triệu. Hai vợ chồng định để tiền xây cái nhà, số còn lại sẽ gửi ngân hàng hoặc để làm vốn phát triển kinh tế gia đình.
Chưa thực hiện được dự tính phát triển kinh tế gia đình với số tiền vợ chồng kiếm được đó, hai năm sau chồng chị Nga bị bệnh nặng. Anh ho ra máu, bác sỹ chẩn đoán là lao lực, do làm việc quá sức. Số tiền hai vợ chồng tích cóp bao năm cũng "đội nón" ra đi. Mặc dù đã cố gắng chạy chữa cho chồng nhưng anh vẫn không qua khỏi và xa vợ con mãi mãi. Chị Nga trở thành phụ nữ góa, một mình nuôi dạy hai đứa con ăn học.
Chị Nga tâm sự: "Chồng tôi làm việc quá sức nên mắc chứng bệnh lao lực, ho ra máu mà chết. Ở cái tuổi sức lực còn sung mãn nhưng tôi không muốn tiến thêm bước nữa, tôi sợ sự dị nghị của dân làng. Ở cái làng này nếu, phụ nữ góa chồng đi chơi, uống cà phê hay tự thưởng cho mình quyền được chơi, hưởng thụ một chút, là kiểu gì, người dân trong làng cũng dành cho họ những ánh mắt dò xét, dị nghị. Tôi không thích điều tiếng, sợ ảnh hưởng đến con, thành thử cứ ở vậy mà nuôi con, mặc cho cuộc sống đến đâu thì đến".
Chị Nga cho biết: Dư luận quanh vùng đã có điều tiếng không hay về con gái thôn Gò Mãm. Họ còn bảo đàn ông rằng: "Tốt nhất là không nên lấy gái Gò Mãm, nếu không chỉ dăm bữa nửa tháng, tự lăn đùng ngã ngửa ra mà chết". Nhiều người phụ nữ góa chồng như tôi đã không dám đi bước nữa vì tâm lý lo sợ, lấy chồng tiếp, chồng lại bỏ mình đi mãi mãi lần nữa thì chẳng khác nào "ôm rơm nặng bụng".
Chị Nga dẫn chúng tôi đến nhà bà Hoàng Thị Lan cũng là một người phụ nữ góa chồng. Chồng bà Lan mất, bỏ lại 5 đứa con thơ dại. Bà Lan kể lại: "Khi chồng mất, tôi như người mất hồn, không còn sự sống. Tôi đã thế, giờ có thêm con Th. (con gái bà Lan - PV), nó dại dột trao thân cho một gã đàn ông ngoại huyện. Khi con bé thông báo có bầu, thằng đó bỏ về Chi Lăng (cùng tỉnh Lạng Sơn - PV) và không màng đến chuyện cưới xin. Thế là con gái tôi rơi vào cảnh phụ nữ lỡ làng. Khi Th. sinh con, gia đình tôi đã đặt tên cho cháu là Lộc Thiên, với mong muốn đứa bé như lộc của ông trời ban tặng cho gia đình. Sau này chắc nó sẽ gặp được người biết thông cảm, thương yêu nó thật lòng".
Vượt qua định kiến
Trong số những phụ nữ thiệt thòi ở thôn Gò Mãm, bà Lan chính là tấm gương để các chị em khác noi theo. Mặc dù chồng đã mất, nhưng một mình bà vẫn nuôi được 10 người trong gia đình. Bà Lan cho biết: "Năm 2008, hội Phụ nữ cho gia đình tôi vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Mới đầu, tôi chỉ mua một con lợn nái, khi lợn mẹ đẻ, tôi bán lợn con để mua thêm lợn mẹ. Sau này có nhiều vốn, tôi nuôi thêm lợn thịt. Tôi cũng chịu khó trồng ngô, khoai, sắn, tận dụng đất đai rộng trong vườn làm thức ăn cho lợn. Hiện, tôi nuôi 4 con lợn nái và mấy chục con lợn thịt, mỗi năm thu về hơn trăm triệu đồng". Nhờ sự cố gắng "thức khuya dậy sớm" và biết tính toán quay vòng vốn mà bà Lan có thể nuôi được các con, các cháu ăn học thành người.
Bà Lan mạnh dạn vay vốn nuôi lợn để phát triển kinh tế
Theo tìm hiểu của PV, từ những lời kể của người dân nơi đây, thì khởi đầu của những lời dị nghị, đồn thổi vô căn cứ xuất phát từ ngôi miếu thờ thổ công ở đầu làng bị đập bỏ cách đây khoảng 10 năm. Nhiều người mê muội tin rằng, kể từ đó nhiều phụ nữ trong thôn lâm vào cảnh góa chồng.
"Cách đây gần 10 năm, có một người ở xóm, say rượu đến miếu đập phá làm cho bát hương cùng với đồ cúng vỡ tan nát hết. Không ngờ chỉ hai ngày sau khi đập miếu, người đàn ông này đã chết. Từ đó người làng Gò Mãm nghĩ rằng, "ông say rượu" đã bị "thần miếu" quật chết. Thời gian xuất hiện những người đàn bà góa chồng ở trong làng trùng với thời gian đập ngôi miếu, khiến cho nhiều người cứ nghĩ đó là do "thần miếu" trừng phạt dân làng.
Năm ngoái, có một ông thầy cúng người dân tộc Tày ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn) phán rằng, làng Gò Mãm sẽ còn thêm nhiều người chửa hoang, nhiều người chồng chết hoặc bỏ chồng. Cách đây ít lâu có một số thầy cúng từ các làng bản khác, về phán rằng, "thần miếu" nổi giận vì dân làng dám động đến nơi thờ thổ địa. Người dân phải làm lễ tế "thần miếu" cầu mong sự yên lành, cắt dây oan nghiệt tình duyên thì mới chấm dứt được cái nạn góa chồng đang diễn ra ngày một nhiều ở làng. Thế nhưng, từ khi phá miếu đến nay, chẳng ai dựng đàn cúng tế để khao tạ "thần miếu" cầu mong cuộc sống bình yên...", một người cao tuổi trong làng kể.
Tuy nhiên, bà Mè Thị Kiến, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Gò Mãm cho rằng: "Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải do thế lực ma quỷ nào đó gây ra. Chúng tôi cũng luôn động viên, an ủi và giúp đỡ những người phụ nữ góa chồng này. Mặc dù, họ vắng bóng những người đàn ông trong gia đình, nhưng cuộc sống không hề lẻ loi vì chi hội Phụ nữ thôn luôn ở bên cạnh động viên. Người nào còn sức khỏe thì ra thành phố đi làm thuê, hoặc vào các khu công nghiệp làm công nhân, còn những bà góa ở nhà thì ngày ngày vẫn tụ tập tâm sự, an ủi, động viên và giúp đỡ lẫn nhau".
Luôn vững vàng trong cuộc sống Bà Vi Thị Cầm - Hội trưởng hội Phụ nữ xã Yên Thịnh cho hay: "Mặc dù góa chồng nhưng các chị em ở thôn Gò Mãm vẫn vững vàng. Họ thường quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Phía hội Phụ nữ cũng tạo điều kiện cho các chị em vay vốn để phát triển kinh tế. Đã có nhiều gia đình phụ nữ góa chồng, bị chồng bỏ thoát nghèo, thậm chí còn vươn lên làm giàu". |
Thế Tào