"Vỗ béo" ở các trang trại
Mauritania là một ốc đảo sa mạc nằm ở phía Tây Bắc của châu Phi. Ở đây, người phụ nữ càng béo càng được coi là quyến rũ. Sở thích kỳ quặc này được cho là xuất hiện vào thời kỳ tiền thuộc địa, khi lãnh thổ của người Ả Rập - Ma Rốc da trắng đều là người dân du mục. Vào thời kỳ đó, người chồng càng giàu có thì người vợ sẽ càng ít phải làm việc nhà.
Những người vợ giàu có có thể ngồi nhà cả ngày trong khi những nô lệ da đen phải chăm lo tất cả các công việc gia đình. Dần dần, họ trở nên béo tốt. Cũng bởi thế mà vòng tròn cơ thể của người vợ đã trở thành một dấu hiệu của sự giàu có.
Nếu vết rạn da có tên gọi là "tebtath" được xem là đồ trang sức thì "lekhwassar", loại chất béo quanh eo chính là niềm tự hào đầy quyến rũ của một người phụ nữ. Hiện nay, những tộc người Ma Rốc vẫn chiếm tới 2/3 trong số hơn 3 triệu dân đang sinh sống ở Mauritania.
Một cô bé người Mauritania mới 14 tuổi nhưng nhìn già hơn rất nhiều sau khi được "vỗ béo".
Xuất phát từ quan niệm đó nên ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái đã phải thực hành việc đưa một lượng thức ăn lớn vào cơ thể để vỗ béo. Họ luôn được người lớn truyền dạy rằng: "Người con gái nào béo hơn sẽ có cơ hội tìm chồng dễ dàng hơn". Khi tới lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi hấp thu dinh dưỡng tốt nhất, các cô gái còn bị gia đình gửi đến các "trang trại béo" trong các ngày nghỉ học để "vỗ béo".
Tijanniya Mint Tijani (14 tuổi) vốn là một học sinh khỏe mạnh với thân hình bình thường tại thị trấn Atar (phía Tây Mauritania). Tijanniya bắt đầu những chuỗi ngày rèn luyện cùng các cô gái khác (độ tuổi từ 7 đến 12) trong những túp lều dựng tạm nằm sâu trên sa mạc Sahara. Hàng ngày, Tijanniya phải tiêu thụ hết một lượng thức ăn khổng lồ gồm sữa dê, món bột mì nấu thịt, một lít bột hạt kê trộn với nước và cả món cháo hoa.
Người phụ nữ trông coi "trang trại vỗ béo" dọa sẽ đánh Tijanniya bằng gậy nếu cô bé không chịu ăn hết các phần thức ăn đã được quy định. Thậm chí, nếu nôn ra, Tijanniya sẽ phải ăn lại chính phần thức ăn đó.
Ước tính, tổng số calorie mà các cô gái trong "trang trại vỗ béo" tiêu thụ mỗi ngày lên tới 14.000 - 16.000 calorie. Trong khi đó, lượng calorie trung bình cho một cô gái 12 tuổi khỏe mạnh theo tiêu chuẩn chỉ là 1.500 và một nam vận động viên thể hình cũng chỉ tiêu thụ khoảng 4.000 calorie mỗi ngày.
Lấy chồng ở tuổi 12
Sau vài tháng "rèn luyện" tại các trang trại, nếu thành công, một bé gái 12 tuổi sẽ tăng lên 80kg. Tuy nhiên, cũng vì quá béo mà các bé gái trông già hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình. Và đây cũng chính là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở Mauritania với các cô dâu hầu hết trong độ tuổi từ 12-14.
Zeinebou Mint Mohamed (26 tuổi), cao 1m6 và nặng 75kg - một nhân chứng sống của hủ tục "vỗ béo" chia sẻ: "Tôi bị ép ăn từ khi còn là một đứa trẻ. Tuy nhiên tôi thường xuyên cho thức ăn ra, bị chứng ợ nóng và tiêu chảy. Nhưng tôi vẫn tăng cân một cách nhanh chóng".
Khi 13 tuổi, Zeinebou bị gả cho một người đàn ông lớn tuổi và đến năm 16 tuổi cô đã có hai đứa con trai. Bà Aminetou Moctar, Hội trưởng Hội Phụ nữ - một tổ chức về quyền bình đẳng ở Nouakchott cho biết: "Một điều đáng ngạc nhiên là tuy ít tuổi, nhưng các cô gái này lại có thân hình rất phát triển, cho thấy họ sẵn sàng để lấy chồng. Một cô bé 15 tuổi nhìn giống như một người phụ nữ 30 vậy. Tuy nhiên, việc ép ăn để tăng cân có thể phát triển thân hình nhưng lại làm cho trí não co lại, tất cả những gì các cô gái béo phì làm chỉ là ăn và ngủ".
Bác sĩ Mohammed Ould Madene, một chuyên gia về dược nhận định quan niệm về một thân hình đẫy đà của người Mauritania thực sự là "một nấm mồ chôn sống sức khỏe cộng đồng". Ông cảnh báo rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim và suy nhược là do nguyên nhân béo phì.
Trong những năm gần đây, chính phủ Mauritania đã có nhiều hành động để giúp người dân nhận thức được sự nguy hiểm của hủ tục lạc hậu này, bao gồm cả việc tuyên truyền trên phát thanh, truyền hình và các chiến dịch vận động tẩy chay việc "vỗ béo". Tuy nhiên, những hành động của chính phủ dường như vẫn chưa mang lại được hiệu quả bởi gần ba phần tư phụ nữ Mauritania không xem truyền hình và thậm chí một phần lớn hơn không nghe radio.
Chính vì vậy, ở những vùng sâu, vùng xa của đất nước, người dân vẫn chưa nhận thức được sự nguy hại của việc béo phì. Nhiều cô gái trẻ vẫn dành nhiều giờ mỗi ngày dưới cái nóng ngột ngạt của sa mạc để tiêu thụ một lượng sữa lạc đà và các loại thức ăn chứa hàm lượng chất béo cao.
Ngay tại thành phố Mauritania tiến bộ hơn vùng nông thôn thì một số phụ nữ vẫn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để béo hơn, thậm chí cả việc mua những loại thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc ở các chợ đen. Các loại thuốc này có thể gây ra rất nhiều nguy hại cho người sử dụng.
Gia Hân (Theo The New York Times)