Mưa to khiến nhiều địa phương tại miền Trung rơi vào cảnh lũ lụt. Nhiều hình ảnh tang thương, khó khăn chồng khó khăn của bà con nơi đây khiến người dân cả nước không khỏi thắt lòng. Ngoài việc mưa to theo phản ảnh của nhiều người dân tại Hương Khê (Hà Tĩnh), việc xả lũ của thủy điện Hố Hô quá lớn khiến lũ về nhanh nhưng không thông báo khiến người dân không kịp trở tay.
Dù người dân khẳng định họ không được thông báo, hoàn toàn bị động với việc xả lũ của thủy điện Hố Hô nhưng đại diện nhà máy này vẫn khẳng định với báo giới là họ xả lũ “đúng quy trình”. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH).
Người dân tại một số xã của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết họ không được thông báo về việc xả lũ của thủy điện dẫn đến không kịp trở tay. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy lại khẳng định, nhà máy xả lũ “đúng quy trình”, theo bà câu trả lời này có thuyết phục?
Cá nhân tôi xin chia sẻ với những mất mát, khó khăn do mưa lũ đang gây ra với bà con miền Trung.
Rõ ràng, những phản ánh trái chiều giữa người dân và quản lý nhà máy thủy điện này cho thấy có vấn đề trong việc vận hành xả lũ của thủy điện ở các địa phương.
Quy trình vận hành khai thác công trình thuỷ điện, quản lý an toàn đập thuỷ điện, đặc biệt trong mùa mưa lũ được pháp luật quy định rất chặt chẽ, được điều chỉnh trong rất nhiều văn bản. Nhưng tất cả đều phải phục vụ việc đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân. Nhà máy nói xả lũ đúng quy trình, đúng quy trình mà người dân bất ngờ, cơ quan quản lý địa phương nói “không biết” thì phải xem lại cái quy trình đó.
Tôi nhớ đã rất nhiều lần các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến yêu cầu là các nhà máy thủy điện phải có sự phối hợp với các địa phương chứ không thể thủy điện chỉ chăm chăm lo cho lợi ích, an toàn của thủy điện. Dù mưa to, lũ dâng nhanh đúng là có gây nên những nguy cơ với các thủy điện. Đặc biệt là với các thủy điện không quá lớn như Hố Hô.
Từ thực tế người dân phản ảnh lũ bất ngờ, nước dâng cao nhanh ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa qua là do mưa kết hợp với việc thủy điện Hố Hô xả lũ khiến người dân không kịp trở tay, nó cho thấy việc giám sát hoạt động của các thủy điện này của chúng ta đang gặp khó khăn.
Theo bà, khó khăn ở đây cụ thể là gì?
Người ta rất có quyền đặt ra nghi vấn rằng, những người vận hành nhà máy thủy điện hoạt động với mục tiêu là bảo vệ nhà máy của họ thôi mà không có quan tâm đến địa phương bị ảnh hưởng thế nào. Rõ ràng, cơ quan quản lý phải xem lại việc này. Nhà máy khẳng định là xả lũ “đúng quy trình”, tình huống này đặt ra việc phải xem xét lại quy trình xả lũ đó hợp lý chưa? Đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành việc xả lũ đó đã có sự phối hợp với địa phương chưa?
Theo luật quy định, việc xả lũ của các thủy điện bao giờ cũng phải phối hợp với các địa phương chứ không phải nhà máy thủy điện được tự động muốn làm gì thì làm. Điều đó là không thể có.
Nếu việc thanh kiểm tra cho thấy nhà máy thủy điện này không có sự phối hợp với địa phương trong việc thực hiện xả lũ thì việc xử lý các cá nhân liên quan ra sao thưa bà?
Nếu chưa có sự phối hợp với địa phương mà các nhà máy thủy điện đã xả lũ gây ra thiệt hại đương nhiên phải xét lỗi của những người có liên quan. Không thể nói “đúng quy trình” là có thể chối bỏ trách nhiệm.
Vừa rồi, tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân, lãnh đạo địa phương bị chịu thiệt hại của việc này rất bức xúc. Rõ ràng, ở đây sự phối hợp giữa nhà máy thủy điện và địa phương là không có. Không có sự phối hợp thì phải làm rõ trách nhiệm. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo là phải thanh tra rõ ràng.
Nếu sự thật lỗi là của nhà máy thì phải xử lý hành chính thậm chí nếu nặng hơn thì có thể truy tố trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt về tài sản sản cho người dân.
Tính mạng người dân thì rõ ràng không gì có thể lấy lại được nhưng truy trách nhiệm cụ thể, xử lý quyết liệt sai phạm sẽ là biện pháp hữu hiệu tránh các trường hợp tương tự lặp lại”.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm