Chính sách của Mỹ ở Biển Đông đang phải nhận lấy những đòn giáng mạnh mẽ sau chuyến thăm của Tổng thống Philippines Duterte đến Bắc Kinh hồi cuối tuần trước.
Nhà lãnh đạo Manila tuyên bố sẽ tách khỏi đồng minh lâu năm của mình và hòa vào "dòng chảy ý thức hệ" với Trung Quốc. Tuyên bố này đi cùng với thỏa thuận trị giá 13,5 tỷ USD giữa Trung Quốc và Philippines, bao trùm trên một loạt các lĩnh vực hợp tác.
Ngày 31/10, Bắc Kinh sẽ đón tiếp một vị khách cũng không kém phần quan trọng, đó là Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài hẳn một tuần, với sự hộ tống của một loạt các quan chức chính phủ và doanh nghiệp trong nước.
"Chúng tôi sẽ ký kết nhiều thỏa thuận mới và sự thấu hiểu lẫn nhau sẽ nâng cao mối quan hệ giữa hai nước chúng ta lên một tầm rất cao so với mong đợi", các phương tiện truyền thông Malaysia dẫn lời ông Najib Razak cho biết hôm thứ Hai.
Chuyến thăm của Thủ tướng Najib Razak dường như sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với chính sách đối ngoại của Malaysia, điều có thể tương tự với động thái gần đây được thực hiện bởi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Giới quan sát lưu ý, tâm điểm của cuộc thảo luận sẽ xoay quanh vấn đề mua tàu hải quân của Kuala Lumpur, sau thông báo của Bộ Quốc phòng Malaysia được đăng tải trên trang Facebook chính thức vài ngày trước.
Thông báo này cho biết: "Ngày 5/11 Bộ Quốc phòng sẽ ký một hợp đồng mua sắm tàu tuần tra Littoral Mission Ships (LMS) với SASTIND (Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc), một phần quan trọng trong lịch trình thăm chính thức của ông Razak".
Thông tin nói trên đã được xóa ngay sau đó và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ giải thích Trung Quốc và Malaysia đang tiếp tục "hợp tác và giao tiếp thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực" mà không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết liên quan nào khác, theo Reuters.
Theo Asia Times, tàu LMS là tàu tuần tra triển khai nhanh, có thể được trang bị sàn đáp máy bay trực thăng và mang theo tên lửa. Chúng được sử dụng chủ yếu cho các hoạt động an ninh ven biển, tuần tra trên biển và giám sát, bên cạnh cứu trợ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Nếu thông tin mua tàu tuần tra được xác thực, đây sẽ là thỏa thuận quốc phòng quan trọng đầu tiên của Malaysia với Trung Quốc giữa lúc căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông cũng như sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc về tầm ảnh hưởng trong khu vực đang leo thang.
Mối quan hệ giữa Kuala Lumpur với Washington đã trở nên xấu đi sau khi Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện liên quan đến cuộc điều tra rửa tiền tại quỹ nhà nước Malaysia Development Berhad (1MDB), mà Thủ tướng Najib là người thành lập và giám sát dưới vai trò chủ tịch của Hội đồng tư vấn.
Trước đó mối quan hệ giữa Mỹ với Philippines cũng trở nên tồi tệ sau khi Tổng thống Duterte không hài lòng trước những lời chỉ trích nhắm vào chiến dịch ma túy đẫm máu của ông.
Theo Lam Choong Wah, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu vì sự tiến bộ xã hội (REFSA) cho biết Malaysia có thể mua 10 tàu tuần tra ven biển, mỗi chiếc trị giá khoảng 7 triệu USD.
"Sự thật là chúng tôi có thể mua chúng từ một số quốc gia khác," Lam thừa nhận, đồng thời giải thích rằng Trung Quốc được lựa chọn vì đã ủng hộ và giúp đỡ Malaysia trong vụ bê bối tài chính 1MDB.
Một tháng trước, Malaysia là một trong những quốc gia phản đối với những tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông. Kuala Lumpur cũng được coi là đối tác quan trọng của Mỹ trong việc nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Do vậy, chuyên gia Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney cho rằng ý định mua tàu tuần tra của Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm như hiện tại rất có thể là một tín hiệu "xa rời Mỹ và tiếp cận gần hơn với Trung Quốc".
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền dựa theo cái gọi là "đường lưỡi bò", nuốt trọn Biển Đông. Hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và xâm lấn lãnh thổ của các quốc gia láng giềng.
Cả Philippines và Malaysia cùng các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều cố gắng tạo ra một mặt trận kết hợp để chống lại những yêu sách và tuyên bố phi lý của Trung Quốc trong vùng biển khu vực.
Dù mọi thứ vẫn đang trong tầm dự đoán, nhưng các chuyên gia cho rằng một chính khách vốn được biết đến là cứng rắn như ông Najib Razak cũng đang thể hiện những thay đổi nhất định. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang ngày một xấu đi.
Quốc Vinh