Nơm nớp nỗi lo chân đập bị san ủi

Nơm nớp nỗi lo chân đập bị san ủi

Lê Nhâm Thân

Lê Nhâm Thân

Thứ 3, 24/03/2020 10:42

Việc san ủi đất núi đồi dưới chân đập Trà Cân đã khiến người dân địa phương lo lắng. Trong quá khứ, họ đã phản ứng gay gắt và buộc chính quyền dừng một dự án tương tự.

Ngày 23/3, đoàn công tác UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và các ban ngành khác tiến hành kiểm tra hiện trường dự án tại khu vực chân đập Trà Cân, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, thời gian qua, một công trình tiến hành đưa máy móc cơ giới vào san ủi hàng ngàn m2 đất để làm dự án ngay dưới công trình thủy lợi đập Trà Cân đã khiến người dân lo lắng, hoang mang.

Môi trường - Nơm nớp nỗi lo chân đập bị san ủi

Đoàn công tác UBND huyện Đại Lộc kiểm tra công tác san ủi đất ở chân đập Trà Cân.

Con đập lâu đời này có diện tích lưu vực của hồ 4km2, dung tích hồ hơn 2 triệu m3, cao trình đỉnh đập 119m, chiều cao đập lớn nhất 15m. Đập được xây dựng hoàn thành vào năm 1985, đảm bảo nước tưới cho 100ha lúa, hoa màu trên địa bàn xã Đại Hiệp và được giao cho Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đại Hiệp quản lý, khai thác.

"Nỗi lo của người dân là có cơ sở khi doanh nghiệp san ủi núi đồi ngay dưới chân đập. Cách đây lâu rồi, một đợt mưa đã làm sạt núi, tràn đập khiến dân làng bị lũ.

Năm 2018, cũng có một doanh nghiệp lên đây san ủi đất dưới đập khiến người dân nơm nớp lo. Chúng tôi phản đối và dự án đã dừng. Nay không rõ từ đâu ra lại có máy móc công trình ồ ạt vào ủi núi dưới chân đập. Người dân phản đối việc này", một người dân thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp nói.

Theo quan sát của PV, tại vị trí công trình san ủi vốn trước đây được bảo phủ bởi cây xanh. Thảm thực vật tự nhiên này giúp ngăn chặn xói lở. Việc san ủi cây rừng thành đồi trọc đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt trượt cho chân đập Trà Cân chứ đừng nói đến việc ủi núi đất như hiện tại.

Môi trường - Nơm nớp nỗi lo chân đập bị san ủi (Hình 2).

Thảm thực vật biến mất chỉ còn lại đất trống đồi trọc.

Ông Hồ Thanh Cảng, Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, vấn đề này thuộc thẩm quyền quản lý trả lời của UBND huyện Đại Lộc.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, đây là công trình mà chủ rừng xin bóc lớp thực bì trồng rừng lại, Hạt kiểm lâm đã cấp phép cho xe vào rừng. Tuy nhiên, sau khi người dân có ý kiến, UBND huyện đang giao phòng TN&MT thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đúng sai.

Cụ thể, theo Văn bản số 02/GCN-UBND do chính ông Mẫn ký thì công trình san ủi này là của hộ Lê Văn Bích, SN 1977, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Ông Bích được chính quyền cho phép đưa xe đào ủi và nhân lực vào lô 19, 20, 26 thuộc tiểu khu 188 xã Đại Hiệp để "dọn thực bì".

Ông Hồ Thanh Phương, Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho hay, phòng TN&MT sẽ phối hợp với các phòng, ban liên quan mời chủ rừng lên làm việc. Đồng thời, phân công trách nhiệm từng đơn vị kiểm tra thực tế để có tham mưu lên UBND huyện. Trong quá trình kiểm tra nếu có ảnh hưởng đến công trình đập Trà Cân sẽ tham mưu cho UBND huyện đình chỉ ngay.

Theo tài liệu từ phòng TN&MT huyện Đại Lộc, trước đó, vào giữa năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam từng cấp phép cho hộ ông Huỳnh Thanh Xuân, chủ đầu tư dự án trang trại chăn nuôi và nông - lâm nghiệp kết hợp tại thôn Phú Hải (xã Đại Hiệp). Vị trí này cũng ngay dưới chân đập Trà Cân.

Ông Xuân đã liên kết với công ty TNHH MTV Khoáng sản Hưng Lộc Phát thực hiện san lấp và khai thác đất, đá tảng lăn dư thừa để hạ cao trình nền của đồi ở mé phải hạ lưu đập.

Người dân bấy giờ đã phản ứng rất gay gắt với dự án này. Họ lo lắng đến con đập và cho chính an toàn của họ. UBND tỉnh Quảng Nam đã đình chỉ dự án.

Môi trường - Nơm nớp nỗi lo chân đập bị san ủi (Hình 3).

Những lo lắng của người dân địa phương luôn luôn có cơ sở. Đứng ở chân đập Trà Cân cũng đã đủ bao quát cả một vùng rộng lớn. Nếu địa điểm này sạt trượt thì sẽ xảy ra nhiều hệ lụy.

Được biết, theo pháp lệnh bảo vệ và khai thác công trình thuỷ lợi, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập từ chân đập trở ra tối thiểu là 50 - 300 m và phạm vi không sử dụng cho các mục đích khác là 20 - 100 m tính từ chân đập.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.