Trả lời báo Hà Nội Mới, đại diện bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM xác nhận đã cấp cứu, phẫu thuật thành công 1 bệnh nhi tắc ruột do mắc hội chứng tự ăn tóc Rapunzel.
Trước đó, theo lời kể của gia đình, trước khi nhập viện 5 ngày, bé gái 8 tuổi, bất ngờ bị đau bụng từng cơn, ói dịch xanh, vàng. Gia đình đưa bé đến điều trị tại phòng khám tư nhân nhưng không giảm, triệu chứng trên lại tăng dần nên em được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, thăm khám lâm sàng và siêu âm, X-quang bụng, và đưa ra kết luận phải phẫu thuật khẩn cấp ngay trong đêm. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện có một búi tóc rất to ở đoạn ruột non làm tắc nghẽn đường ruột. Rất may mắn là chưa có hiện tượng thủng ruột do được phẫu thuật kịp thời. Một tuần sau mổ, tình hình sức khỏe bé gái đã ổn định, em được thăm khám, tư vấn tâm lý trước khi xuất viện.
Theo Live Science, hội chứng ăn tóc được đặt theo tên của "nàng công chúa tóc mây Rapunzel" trong truyện cổ tích, hội chứng Rapunzel là tình trạng rất hiếm gặp 1/15.000.000 người. Khác với cái kết có hậu, đây là tình trạng bệnh lý rất hiếm gặp. Người mắc bệnh thường nuốt tóc, khiến chúng bị rối và mắc kẹt trong dạ dày của họ. Điều này tạo thành búi tóc, có phần đuôi kéo dài đến ruột non gây nên tình trạng hoại tử do tắc ruột.
85-95% bệnh nhân bị mắc hội chứng này thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sưng tấy dạ dày, giảm cân nhanh, táo bón, tiêu chảy. Một số trường hợp còn bị thủng ruột dẫn đến nhiễm trùng máu và tử vong.
Đây là một phần của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Người bệnh không biết rằng họ đang ăn tóc. Hội chứng này có thể tác động đến cuộc sống hàng ngày, người mắc bệnh thường xấu hổ vì họ không thể ngừng nhổ tóc để cảm thấy thư giãn hoặc họ cảm thấy cần phải giấu đi mái tóc bị hói do hội chứng này gây ra.
Một số người bị thiểu năng trí tuệ và rối loạn tâm lý đã ăn tóc của chính mình, hành vi này gọi là trichophagia. Những nhóm này được cho là có nguy cơ cao phát triển hội chứng Rapunzel. Các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giả thuyết gây ra hội chứng Rapunzel như bị bỏ đói trong một khoảng thời gian dài, chấn động tâm lý từ thơ ấu, căng thẳng quá mức.
Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân đều có một điểm chung là thiếu sắt hoặc mắc bệnh celiac. Nhiều trường hợp ghi lại sau khi được điều trị thiếu sắt và celiac, bệnh nhân đã trở về bình thường.
Ngoài ra, người mắc bệnh này được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và cần được điều trị tâm lý. Người thân phải tham gia điều trị cùng với bác sĩ để trẻ được hỗ trợ, đồng thời cải thiện hành vi ăn tóc, giúp bệnh nhân ổn định tinh thần.
Nguyên Anh (Tổng hợp)