Mua bán công khai, đa dạng giá cả
Theo tìm hiểu của PV, để tìm mua các loại ngà voi (sản phẩm làm từ ngà voi) hay các động vật khác như răng, nanh của hổ, báo... châu Phi tại TP.HCM không khó chút nào. Điều đáng nói là hoạt động mua bán này diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Loại hàng phổ biến nhất chính là các sản phẩm được chế tác từ ngà voi với nhẫn, vòng đeo, lắc, chuỗi hạt... được chào bán tràn lan, đủ loại. “Em đang bán chuỗi với 108 hạt, loại 8 li, giá bán là 3,3 triệu đồng. Còn chuỗi 16 hạt, loại 8 li là 2,5 triệu đồng. Tất cả đều làm từ ngà voi châu Phi. Nếu anh lấy thì em sẽ giao hàng tận nơi cho anh”, Tiến, một người bán hàng ở đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM giới thiệu.
PV mua một móng cọp bọc bạc với giá 450.000 đồng. Để xác minh hàng thật, hàng giả PV tìm đến gặp ông Hải, một người rành về hàng này, ông Hải cho biết: “Nó đúng là móng cọp, tuy nhiên, cọp ở đâu thì không thể biết được. Muốn biết chắc chắn thì phải đi kiểm tra mới rõ”.
Nói về việc liên tiếp trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện các loại sản phẩm của động vật hoang dã, ông Hải nói: “Đầu tiên tôi phải khẳng định rằng, có cầu mới có cung. Bên cạnh hàng tiêu thụ được chia nhỏ, bán theo dạng sản phẩm như nhẫn, vòng, lắc... thì ở trong nước cũng có những người mua hàng nguyên chiếc, nguyên con. Thậm chí họ đã đặt hàng cho các đầu nậu để có được sản phẩm ưng ý với giá hàng chục tỷ đồng là chuyện thường”.
“Hơn nữa, nhu cầu về loại hàng này ở các nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan... tăng cao, do đó, hàng về Việt Nam rồi xuất đi các nước này cũng không ít. Về giá cả, hiện nay, trên thị trường 1kg ngà voi có giá từ 30 – 50 triệu đồng, còn sừng tê giác, 1kg lên tới cả tỷ đồng”, ông Hải nói thêm.
Địa bàn trung chuyển
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang “nổi lên” là địa bàn trung chuyển ngà voi và các sản phẩm của động vật hoang dã khác. Minh chứng là gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ số lượng lên đến hàng tấn ngà voi cũng như các loại khác, sừng tê giác, vảy tê tê, da hổ, báo...
“Điều đáng nói là số lượng này đã đi qua nhiều nước khác nhau nhưng về tới Việt Nam là bị bắt. Điều đó cũng nói lên nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, qua các vụ việc cũng có thể khẳng định, Việt Nam đang là địa bàn được các đối tượng buôn bán hàng cấm chọn làm nơi trung chuyển. Từ Việt Nam, hàng cấm này sẽ được đưa đi tiêu thụ tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan...”, ông Vũ Hải Châu, đại diện hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cho biết.
Theo cơ quan chức năng, đường biển được giới buôn lậu dùng để vận chuyển số lượng lớn sản phẩm, thậm chí cả động vật hoang dã nguyên con. Còn đường hàng không có số lượng ít hơn nhưng tần suất dày hơn. Đây là hai con đường chủ yếu để các đối tượng buôn bán vận chuyển hàng cấm lựa chọn. Hàng về Việt Nam dưới dạng quà biếu tặng, hoặc được xé nhỏ đựng trong kiện hành lý, hoặc trà trộn trong hàng hóa ký gửi... và các tổ chức đứng ra vận chuyển là các công ty ma.
Hiện nay, để ngăn chặn và triệt phá các vụ việc vận chuyển qua đường hàng không, các lực lượng chức năng đang triển khai nhiều biện pháp. Ông Lê Tuấn Bình, Phó chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: “Chi cục đã xây dựng quy trình thủ tục đối với hành lý của hành khách nhập cảnh qua máy soi ngầm. Đồng thời, có gắn chip theo dõi, quản lý đối với hành lý có nghi vấn, góp phần giảm thời gian thông quan song vẫn đảm bảo được công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại”.
Ông Lê Đình Lợi, Phó cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Các đối tượng vận chuyển hàng cấm ngày càng dùng các chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Ngoài máy soi thì còn phải kết hợp kinh nghiệm chuyên môn kể cả kiểm tra bằng thủ công thì mới có thể phát hiện được. Hiện lực lượng hải quan đã và đang tăng cường rà soát, kiểm tra chặt chẽ đối với tất cả các lô hàng nghi vấn và có lai lịch từ châu Phi”.
Liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều hàng cấm Ngày 14/5/2017, một phụ nữ 62 tuổi, quốc tịch Việt Nam đã vận chuyển gần 4kg ngà voi (cắt khúc), 9 đuôi voi, nhiều loại móng, vuốt và 3 bộ da của báo gấm từ châu Phi về Việt Nam. Khi làm thủ tục thông quan hải quan tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất thì bị bắt giữ. Chỉ tính trong 1 tháng trở lại đây, riêng tại hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện và bắt giữ 4 vụ vận chuyển trái phép các sản phẩm động vật hoang dã với giá trị ước khoảng 10 tỷ đồng, trong đó, có những chiêu thức giấu hàng hết sức tinh vi, ít ai ngờ tới. |
Thanh Tùng