Ông cho biết: "Theo dự kiến năm 2019 chương trình GDPTM sẽ bắt đầu triển khai. Hiện chúng tôi đã hoàn thành lấy ý kiến 25 hội đồng thẩm định và chuyển về bộ phận pháp chế xem xét, nếu không còn vướng mắc gì thì đến năm 2019 có thể triển khai.
Nhưng để chắc chắn có triển khai được hay không, phải chờ tới cuối năm, Bộ trưởng bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo cụ thể với Quốc hội, Chính phủ về tình hình thực tế, khi đó sẽ có câu trả lời chính xác".
Ông Thuyết cũng khẳng định về nội dung Chương trình thì hoàn toàn có thể yên tâm, tuy nhiên về SGK thì chưa thể nói chắc điều gì. Bởi lẽ, hiện nay Hội đồng thẩm định SGK vẫn chưa thành lập.
Hiện tại, đội ngũ giáo viên liệu đã đáp ứng kịp chương trình, khi thời gian còn rất ngắn, trong khi bộ phận không nhỏ giáo viên có tính thụ động, chậm đổi mới. Ông Thuyết cho hay: "Việc giáo viên thụ động là do cơ chế quản lý, mọi giáo viên đều có những sáng tạo nhất định, vì vậy cần có biện pháp phù hợp cho thầy cô”.
"Về các môn học tích hợp, thì đây là những kiến thức nền tảng được sắp xếp lại cho phù hợp chứ không có gì khó khăn", ông Thuyết thông tin thêm.
Nói về khó khăn của việc áp dụng chương trình, vị Tổng chủ biên thừa nhận, tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất ở các địa phương. "Khó khăn lớn nhất đó là lòng dân, nếu không có sự đồng thuận xã hội thì rất khó thực hiện”, ông nói.
Một trong những điểm nhấn trong chương trình GDPTM là chú trọng hướng nghiệp ở cấp học phổ thông. Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng đội ngũ giáo viên liệu có đáp ứng việc dạy nghề, hướng nghiệp. Vấn đề này GS.TS Thuyết cho biết: “Việc triển khai dạy nghề trong chương trình phổ thông cũng đã nhiều lần thực hiện nhưng không thành công.
Chương trình GDPTM sẽ cho học sinh có cái nhìn về bức tranh toàn cảnh của thị trường lao động, cho các em thấy mình nhận ra là thích nghề gì, để từ đó có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Nếu trực tiếp dạy nghề thì giáo viên không đáp ứng được và trường phổ thông cũng theo được các trung tâm dạy nghề”.
Trong cuộc họp thường vụ Quốc hội ngày 12/9 nhiều đại biểu phân tích, việc thực hiện chủ trương "một chương trình nhiều SGK còn nhiều điểm bất ổn. Có ý kiến cho rằng, sẽ mất đi sự thống nhất trong giáo dục toàn quốc, hay nảy sinh bất cập trong chọn SGK giữa các địa phương...
Ông Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, bản thân rất bất ngờ với những đại biểu có ý kiến như trên "Vì nghị quyết 88 về quy định "một chương trình nhiều SGK" đã được Quốc hội ban hành. Thực tế chúng ta cũng đã từng dùng nhiều bộ SGK. Cụ thể, từ năm 1956 đã dùng nhiều bộ sách trong đó có sách tư nhân, từ 1970 mới không duy trì sách tư nhân, đến năm 2005 có 2 bộ sách (sách cơ bản và nâng cao), tôi thấy chất lượng tri thức khi duy trì nhiều bộ SGK cũng không có vấn đề gì".
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, chủ trương dùng nhiều bộ SGK sẽ khơi được nguồn tài lực, trí lực trong xã hội, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giữa các nhà xuất bản.
Nhưng cũng nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, khó đảm bảo sự “lành mạnh” giữa các nhà xuất bản. Chủ trương "một chương trình nhiều SGK", liệu có khó kiểm soát chất lượng. Để bán được sách liệu sẽ xảy ra chuyện đi đêm với các Sở các trường, như vậy nếu sách không đạt học sinh là người phải chịu.
Về vấn đề này, ông Thuyết thừa nhận khó tránh khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản. “Tuy nhiên, nếu theo đúng chủ trương sẽ không có vấn đề gì. Chủ trương là trực tiếp cho các trường các thầy cô giảng dạy và phụ huynh xem, sự quyết định lựa chọn sách cho phù hợp phụ thuộc hoàn toàn vào các trường, sở GD&ĐT không có quyền quyết định”, vị Tổng chủ biên cho hay.
Tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, tổng số tiền cho đổi mới chương trình là 144 tỷ đồng, tính ra chỉ bằng 180m chiều dài đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa hay bằng 600m đường cao tốc Bắc-Nam.
Vị Tổng chủ biên cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, những người thực hiện chương trình GDPTM là có tư lợi, ông khẳng định: "Số tiền trên là vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Họ quản lý chặt chẽ và đề nghị trả lương cho những người làm chương trình, nên không có chuyện kê khai, làm hóa đơn khống được. Sản phẩm muốn làm như thế nào để ra được chương trình tốt là chuyện của chúng ta và họ cũng sẽ kiểm tra”.
Trước đó bộ GD&ĐT công bố lộ trình cụ thể đối với từng cấp học/ lớp học như sau:
Năm học 2019 - 2020 triển khai ở lớp 1.
Năm học 2020 - 2021: lớp 2 và lớp 6.
Năm học 2021 - 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Năm học 2023 - 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12