Kiếm bạc triệu mỗi ngày
Đến hẹn lại lên, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, nấm mối - loại đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người ưa chuộng bắt đầu vào mùa.
Đây là thời điểm, người dân ở các huyện của tỉnh Gia Lai đổ xô lên nương, rẫy săn “lộc trời” kiếm thêm thu nhập. Có những người “trúng mánh” chỉ chưa đầy một buổi sáng đã kiếm được hơn 1 triệu đồng từ việc bán nấm.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Kim Phương, tổ 4, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ cho biết, sau những cơn mưa đầu mùa, nấm mối bắt đầu xuất hiện nhiều trong các vườn cao su, vườn điều.
Đặc tính của loại nấm này cũng rất khác biệt, nấm chỉ mọc một lần trong năm. Đặc biệt, loại nấm mối này sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Mùa nấm chỉ kéo dài chừng một tháng là hết.
“Năm nay, nấm mối mọc nhiều hơn các năm trước. Mỗi ngày tôi tìm nhổ được 2-3 kg nấm, nhưng cũng có ngày trúng đậm cả 10 kg. Nấm đinh được thương lái thu mua 300-350 ngàn đồng/kg. Nấm búp thì rẻ hơn 50 ngàn đồng/kg so với nấm đinh, còn nấm dù khoảng 200 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, nấm đã nở to thì thương lái ít thu mua, mang ra chợ bán khoảng 50-60 ngàn đồng/kg”, chị Phương nói.
Chị Nguyễn Gấm, ngụ làng Mook Đen, xã Ia Dom cho biết: “Mùa nấm năm nay, bình quân mỗi ngày tôi thu nhập được hơn 1 triệu đồng từ việc bán nấm. Năm nay, nấm nhiều, giá thành lại cao hơn mọi năm nên có rất nhiều người đi nhổ nấm về bán cho thương lái. Có người may mắn tìm được vựa nấm, có thể kiếm được 2 đến 3 triệu đồng là chuyện bình thường”.
Chị Trần Thị Yến, người chuyên thu mua nấm mối cho biết: “Tôi thu mua với giá 400 ngàn đồng/kg loại nấm đinh và 300 ngàn đồng/kg loại nấm búp. Người dân hái được bao nhiêu tôi đứng ra thu gom nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu cho bạn hàng ở các tỉnh lân cận.
Tương tự, theo người dân xã Ia Piơ, huyện Chư Prông, năm nay, nấm mối mọc nhiều trong vườn điều, vườn cao su và dọc khu vực suối. Khi phát hiện có nấm mối, nhiều người dân trong xã rủ nhau đi hái bán cho thương lái.
Tạo môi trường "lộc trời" nảy nở
Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Ia Piơ cho biết, những năm gần đây, thay vì độc canh, nhiều hộ dân trong xã đã chọn trồng xen canh nhiều loại cây giúp nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái. Việc canh tác của người dân cũng được thực hiện theo hướng hữu cơ.
Nhiều vườn cây để cỏ mọc tự nhiên, tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các loại vi sinh vật có ích trong đất sinh sống. Đây cũng là điều kiện để các ổ mối sinh sản và phát triển.
Có lẽ do vậy nên nấm mối mọc nhiều trong những năm trở lại đây. Ngoài ra, để có được loại đặc sản này cho những mùa sau, xã cũng khuyến cáo người dân không nên tận diệt các ổ mối để bắt mối chúa, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc, phân bón hóa học.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ cho biết, nấm mối thường mọc ở các bờ lô cao su, khu vực rừng có tầng tán nhiều hay những vườn rẫy được canh tác theo hướng hữu cơ.
Qua các mùa, thảm thực vật mục dày thì nấm mối mọc rất nhiều.
Đặc biệt nhiều nhất là các rừng cao su, người dân có thể thu hoạch cả tạ nấm mỗi ngày. Ngoài ra, cũng có một số ít mọc ở các vườn cà phê, điều nếu các vườn cây này được người dân canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học.
Với sản lượng nấm mối hàng năm khá lớn, chúng tôi đã gửi mẫu vào Trường đại học Bình Dương để nghiên cứu tạo ra phôi có thể trồng trong tự nhiên. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả.
“Đối với những vùng thường xuyên có nấm, hàng năm, phần lớn người dân đều đến để thu hoạch. Do vậy, chúng tôi thông tin đến người dân khi khai thác phải cẩn thận, tránh làm hư hại các bào tử để mùa sau nấm còn mọc lại. Còn với những vườn điều, cà phê thì định hướng người dân nên canh tác theo hướng hữu cơ để tạo điều kiện cho nấm mối mọc, nhằm bảo tồn nguồn đặc sản của địa phương”, ông Tư nói.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Y dược cổ truyền - phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai cho biết: “Nấm mối có tên khoa học là Termitomyces albuminosus, là loài nấm thuộc họ Lyophyllaceae.
Nấm mối giàu can-xi, phốt-pho, sắt, protein và các chất dinh dưỡng rất tốt cho việc bồi bổ sức khỏe, đặc biệt người mắc bệnh tiểu đường. Do có hàm lượng phốt pho cao nên có lợi cho người bệnh và người cao tuổi.
Ngoài ra, ăn nấm mối thường xuyên có thể cải thiện khả năng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư, chống lão hóa, giảm lượng đường trong máu, có lợi cho kinh nguyệt và làn da phụ nữ”.