Giữa lúc công việc tại xưởng cơ khí của gia đình ăn nên, làm ra, năm 2019, anh Nguyễn Văn Anh, ở thôn Úc Gián, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng có quyết định khiến mọi người “mắt tròn, mắt dẹt”.
Đó là bỏ tiền tỷ thuê ruộng ở cánh đồng Lò Ngói để trồng cây ăn quả - công việc vốn bị nhiều bạn bè đồng trang lứa từ bỏ do nặng nhọc, vất vả “một nắng, hai sương”.
Sáng 6/10, trao đổi với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Văn Anh cho biết, tình trạng thiếu lao động, canh tác khó khăn, chuột phá hoại và giá cả sản phẩm nông nghiệp không ổn định… khiến nhiều người dân quê hương bỏ ruộng, nhất là khu vực cánh đồng Lò Ngói.
Xót ra trước cảnh những thửa “bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang cỏ dại mọc tràn lan, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm ở nhiều nơi, anh quyết định thuê hơn 10 mẫu ruộng (36.000 m2) bị bỏ hoang hoặc cấy lúa, trồng rau năng suất, hiệu quả kinh tế thấp để trồng dừa, cau, mít, chanh. Trong đó, có tới hơn 8 mẫu trồng chanh ăn quả.
“Tính đến hết năm 2021, tổng số tiền gia đình tôi bỏ ra thuê ruộng, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công làm đất, chăm sóc cây không dưới 3 tỷ đồng. Trong khi đó, gia đình tôi chưa thu được bất cứ đồng nào bởi các loại cây trồng chưa cho thu hoạch. May mắn gia đình tôi vẫn duy trì xưởng cơ khí nên có thể cầm cự được”, anh Nguyễn Văn Anh tâm sự.
Năm 2022, gia đình anh Văn Anh thu lứa quả chanh đầu tiên bán cho thương lái được gần 700 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi chi phí cho sản xuất, không có được lợi nhuận. Bởi, không có thương hiệu, các doanh nghiệp thu mua, phân phối cũng như nhiều siêu thị, cửa hàng nông sản từ chối nhập sản phẩm.
Còn thương lái chỉ chấp nhận mua với giá 15.000 đến 20.000 đồng/kg trong khi các siêu thị, cửa hàng nông sản thu mua với giá trung bình 35.000 đến 40.000 đồng/kg.
Trước cảnh này, anh Anh có thêm quyết định táo bạo nữa là chọn những cây chanh phù hợp cắt tỉa cành, uốn tạo dáng đưa vào trồng trong chậu để bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Do chưa có kinh nghiệm trong việc này, anh thuê nhóm thợ chuyên tạo dáng cho cây cảnh đến từ vùng làng nghề cây cảnh nổi tiếng của tỉnh Nam Định định kỳ hằng tháng đến chăm sóc, uốn tỉa.
Tết Nguyên đán năm 2023, anh Văn Anh bắt đầu đưa những cây chanh cảnh của mình đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng theo nhiều kênh bán hàng khác nhau, từ qua mạng xã hội đến bán trực tiếp tại chợ hoa Xuân của Tp.Hải Phòng.
Do những chậu cây chanh cảnh quả vàng đẹp, có đủ “tứ quý” theo quan niệm dân gian (hoa, quả xanh, quả chín, lộc non), nhiều người tìm hiểu và đặt mua. Dịp Tết năm ngoái, anh Anh bán được hơn 50 chậu chanh thế với giá 5 - 10 triệu đồng/chậu.
“Hiện trong vườn nhà còn hơn 300 chậu chanh thế dự kiến đưa ra thị trường tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024 này. Do chi phí cao, tôi dự kiến bán mỗi chậu với giá 10 triệu đồng trở lên. Nếu tình hình tiêu thụ khả quan, tôi xem xét đưa tiếp những cây phù hợp trong số hơn 3.000 gốc chanh ở trong vườn lên chậu để tạo dáng bán dịp Tết”, anh Nguyễn Văn Anh tâm sự.
Bên cạnh đó, anh Anh đang nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan của Tp.Hải Phòng, huyện Kiến Thụy hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quả chanh và cây chanh cảnh của gia đình, gồm: tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, đăng ký sản phẩm OCOP, VietGAP…
Đồng thời, sản xuất thử nghiệm sản phẩm chanh quả muối, nước chanh đóng chai để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho nghề cũng như bảo đảm đầu ra, tránh cảnh “được mùa, mất giá”.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Tài - Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, hiện địa phương có hơn 220 ha đất canh tác, trong đó khoảng 30 ha bỏ hoang rất lãng phí.
Mô hình tích tụ ruộng đất trồng chanh lấy quả và làm cây cảnh của anh Nguyễn Văn Anh là hướng đi mới góp phần giúp hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng cũng như giúp bà con nông dân làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.
Trước mắt, chính quyền xã Thuận Thiên hỗ trợ, giúp đỡ gia đình anh Nguyễn Văn Anh tiếp cận các khoản vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất theo quy định của Trung ương, Tp.Hải Phòng, huyện Kiến Thụy. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa nói chung, trồng chanh nói riêng, theo quy định.
Nếu mô hình trồng chanh lấy quả và làm cảnh của anh Nguyễn Văn Anh ổn định, phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao, UBND xã Thuận Thiên sẽ xem xét mở rộng và đề xuất Tp.Hải Phòng, huyện Kiến Thụy hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu riêng cũng như đăng ký sản phẩm OCOP, qua đó giúp địa phương đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.