Từ nhiều năm nay, cùng với na bở, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, nổi tiếng với giống chuối tiêu hồng.
Chuối tiêu hồng trồng trên đồng đất Liên Khê nổi tiếng quả to, quả nào quả nấy dài và cong như trăng lưỡi liềm. Khi chín, vỏ quả chuyển sang màu vàng nhìn rất đẹp mắt, vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng nên được thị trường trong và ngoài Tp.Hải Phòng ưa chuộng. Vụ Tết, giá chuối tiêu hồng lên tới khoảng 1 triệu đồng/buồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, người dân xã nhà trồng chuối từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, diện tích không lớn và chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Gần 20 năm nay, chuối dần dần được trồng đại trà thay thế những thửa ruộng cấy lúa, trồng rau năng suất, hiệu quả kinh tế thấp.
Vụ này, tổng diện tích chuối của xã Liên Khê khoảng 200 ha trong tổng số hơn 700 ha đất canh tác toàn xã, chủ yếu tập trung trên địa bàn các thôn 6, 7, 8, 9, 10 và 11. Trong đó, một nửa diện tích người dân trồng chuối tây thu hoạch quanh năm. Còn lại trồng chuối lùn (người dân địa phương gọi là chuối tiêu hồng) phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Khi cơn bão số 3 quét qua, hầu hết diện tích chuối của bà con nông dân xã Liên Khê bị đổ gục. Trong số 200 tỷ đồng thiệt hại do bão gây ra đối với nông nghiệp của địa phương, có tới 3/4 là chuối và na bở.
Theo kế hoạch sản xuất, tháng Giêng, tháng Hai, bà con trồng chuối ở xã Liên Khê trồng chuối giống. Đến tháng 8, tháng 9 Âm lịch chuối ra buồng kịp vụ Tết. Do vậy, vụ Tết này, người trồng chuối ở xã Liên Khê mất trắng. Hiện cùng với chặt bỏ những diện tích chuối bị đổ gục do bão, một số hộ làm đất trồng các loại rau màu để "gỡ gạc" phần nào vụ Tết này.
Cùng với xã Liên Khê, người trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng ở huyện An Dương, Tp.Hải Phòng, cũng bị thiệt hại nặng nề do bão số 3. Theo thống kê sơ bộ của địa phương, có tới 580ha hoa - cây cảnh trên địa bàn bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc, tước cành lá.
Trong đó, diện tích đào cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán tới bị thiệt hại nặng nề nhất (365ha). Tiếp đó là, quất cảnh (80ha), còn lại là các hoa và cây cảnh khác (135ha). Ước tính tổng thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trong số các địa phương trồng hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025 của huyện An Dương, Tp.Hải Phòng, xã Đặng Cương có diện tích lớn nhất (khoảng 130ha). Trong đó, có tới gần 100ha trồng đào, quất, hải đường bị thiệt hại nặng nề.
Ngoài xã Đặng Cương, các địa phương khác của huyện An Dương, như các xã Đồng Thái, Lê Lợi, Hồng Thái, Quốc Tuấn và thị trấn An Dương, nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Gió bão và ngập lụt sau bão đã xóa sổ không ít vườn đào, quất…
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện người trồng hoa, cây cảnh của huyện An Dương đang khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, ngập lụt cũng như tìm mọi cách cứu vãn vụ Tết.
Trong đó, đối với những diện tích ít bị ảnh hưởng, bà con tỉa cành, chăm sóc để đào ra hoa, quất ra quả đúng dịp Tết. Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, bà con đang "ngóng" khoản hỗ trợ cũng như vay vốn ngân hàng với lãi suất để trồng lại cây mới.
Tại vùng trồng táo ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, theo ông Nguyễn Thành Kiên - Chủ tịch UBND phường, toàn bộ hơn 120ha trồng táo bị gió bão làm rụng hoa, quả mới đậu, tuốt sạch lá. Tổng thiệt hại của người trồng táo ở Bàng La ước tính hơn 40 tỷ đồng.
"Hiện nhiều hộ trồng táo của địa phương đang thực hiện biện pháp cắt ngọn để táo đâm chồi ra lứa hoa mới để kịp vụ Tết này. Nếu thành công, cũng chỉ cứu vãn được phần nào", ông Nguyễn Thành Kiên nói.
Trong bối cảnh bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản ở Tp.Hải Phòng dự báo, thị trường Tết Nguyên đán 2024 này, nhiều loại nông sản, như đào, quất cảnh, lá dong, chuối, táo… sẽ khan hiếm. Kèm theo đó, giá cả dự báo sẽ tăng cao so với Tết Nguyên đán 2024.