Nông dân 'khóc ròng' nhìn hàng ngàn tấn mía khô héo, ế ẩm

Nông dân 'khóc ròng' nhìn hàng ngàn tấn mía khô héo, ế ẩm

Nguyễn Hưng

Nguyễn Hưng

Thứ 7, 01/04/2017 14:19

Hàng ngàn tấn mía thu hoạch xong đang phơi nắng khắp các cánh đồng, rải la liệt dọc các trục đường chờ nhà máy đến mua.

Mía chín rục đồng, nông dân không thèm chặt

Trên địa bàn các xã Ninh Tân, Ninh Tây, Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), những đống mía cao quá đầu người, vàng cháy, khô quắt chất la liệt dọc khắp các con đường liên thôn, liên xã chờ nhà máy đến thu mua. Trong nhiều ngày qua, nhìn những cây mía khô khốc, người dân lo lắng không biết bán mía đi đâu.

Bà Nguyễn Thị Hoa (42 tuổi, trú xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 20 tấn mía đang chất đống ngoài đồng mà không biết bán đi đâu. Mọi năm chỉ cần thu hoạch xong, vài ngày sau là nhà máy cho xe tới chở. Năm nay, mía thu hoạch từ 2 tuần trước nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng người đến mua”.

Xã hội - Nông dân 'khóc ròng' nhìn hàng ngàn tấn mía khô héo, ế ẩm

Người trồng mía "chết đứng" khi không thấy bóng dáng nhân viên nhà máy xuống thu mua.

Dưới cái nắng chói chang, người trồng mía tại xã Ninh Tân cố gắng gom số mía đã chặt thành từng đống rồi lấy bạt, ni-lông, thậm chí tận dụng lá cây để che chắn. Những đống mía nằm trên ruộng còn đỡ, mấy “núi" mía ở sát đường thì gần như đã cháy khô, kiệt nước, chỉ có thể đem làm củi đun.

“Các chú coi đó, cái đống này có còn được gọi là mía nữa đâu, chỉ còn cách đem làm củi đốt chớ làm gì được. Tôi gọi cho cán bộ nhà máy đường Khánh Hòa, họ nói nhà máy đang gặp sự cố gì đó nên chưa thể thu mua mía cho bà con đúng lịch. Tôi hỏi vậy khi nào nhà máy sẽ tiếp tục thu mua, họ trả lời hiện chưa thể biết được, đang chờ ý kiến của lãnh đạo nhà máy”, một hộ trồng mía ở xã Ninh Tân chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều hộ dân trồng mía ở Ninh Tân, Ninh Sim, Ninh Tây đã chấp nhận bán mía cho thương lái với giá từ 750.000 đến 800.000 đồng/tấn. Theo giá này, người nông dân thiệt hại khoảng 200.000 đồng/tấn mía so với giá thu mua của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, mức giá trên chỉ áp dụng với số mía vừa thu hoạch xong từ 2-3 ngày. Với số mía phơi trên đồng, thương lái thậm chí còn “phớt lờ” với lý do chất lượng quá thấp, không có khả năng sử dụng.

Theo thông tin từ Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, trên địa bàn thị xã có 11.575 ha mía, nông dân chủ yếu bán cho công ty cổ phần Đường Khánh Hòa và công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa. Thời điểm hiện tại đã có khoảng 1/3 diện tích mía thu hoạch xong và hơn 1.000 tấn mía của người dân địa phương tồn đọng, phơi khô trên ruộng vẫn chưa được nhà máy thu mua.

Không chỉ riêng “vựa" mía Ninh Hòa rơi vào tình trạng tồn đọng, các vùng nguyên liệu mía khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đang trong tình cảnh tương tự. Hiện, tại các vùng trồng mía ở xã Diên Đồng, Diên Xuân (huyện Diên Khánh), Cam An Bắc, Cam An Nam (huyện Cam Lâm)…, nhiều người dân phải bán mía cho các thương lái để “chạy lỗ”.

Nhà máy đường gặp sự cố

Theo tìm hiểu của PV, vào đêm 12/3, một mẻ lò luyện đường của nhà máy bị cháy, dẫn đến men vi sinh trong hệ thống xử lý nước thải bị chết. Khi đó, nhà máy bổ sung, phục hồi men vi sinh nhưng không phục hồi được. Đến đêm 12 và rạng sáng 13/3, nước thải chảy tràn ra hệ thống mương thoát nước, thoát ra đầm Thủy Triều (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) khiến cá, cua, ghẹ… tự nhiên trong đầm bất ngờ chết hàng loạt.

Từ sự cố này, nhà máy đường Khánh Hòa đã phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục. Toàn bộ lượng mía nguyên liệu ở các nơi như Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa, thậm chí ở các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk… chở về nhà máy đang bị dồn ứ. Nhiều xe tải chở mía đang phơi nắng ở nhà máy, còn mía ngoài ruộng chặt rồi cũng đành “nằm chờ”.

Xã hội - Nông dân 'khóc ròng' nhìn hàng ngàn tấn mía khô héo, ế ẩm (Hình 2).

Mía nằm la liệt khắp các trục đường liên thôn, liên xã.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Thành Liêm, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đường Khánh Hòa cho biết: “Thời điểm xảy ra sự cố, nhà máy đã có thông báo cho người dân ngừng chặt mía để làm vệ sinh. Thế nên, ngày 13/3, nhà máy chỉ thu gom số mía đã có trong kế hoạch để ép hết. Hiện tại, nhà máy cũng đang tồn 7.000 tấn mía nguyên liệu chưa thể ép được, chờ khắc phục sự cố”.

Ông Liêm cho biết thêm: "Đối với diện tích mía đã có lịch thu hoạch nhưng chưa vận chuyển kịp, nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân cộng thêm 1CCS (chữ đường - phần trăm lượng đường trong mía ép ra, tương đương với 92.000 đồng - PV), nếu thấp hơn 9,5CCS cũng được tính bằng 9,5CCS. Hiện, nhà máy đang nỗ lực tối đa để khắc phục sự cố. Theo dự kiến, khoảng ngày 2/4, nhà máy sẽ hoạt động trở lại. Nhà máy cũng chịu thiệt hại rất lớn, rất cần sự chia sẻ từ nông dân".

Chưa xác định thời gian nhà máy hoạt động trở lại

Trao đổi với PV, ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ Môi trường (sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa), cho biết: “Hiện, chúng tôi đã cử cán bộ giám sát 24/24 việc xả thải, đồng thời phối hợp với nhà máy ứng phó sự cố. Đến khi nào nước thải đạt loại A, nhà máy mới được hoạt động trở lại. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thể biết thời gian hoàn thành quá trình khắc phục sự cố. Được biết, nhà máy Đường Khánh Hòa đã mời các chuyên gia từ TP.HCM để cải tạo hệ thống”.

Bạch Hưng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.