Ông là Trần Mạnh Báo, Anh hùng Lao động, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn ThaiBinh Seed.
Thực ra, trước khi về Thái Bình, tôi có đọc, có nghe loáng thoáng về ông, nhưng rồi, nó không phải lĩnh vực mình chuyên sâu nên nghe rồi biết thế. Nhưng rõ ràng là đã biết ông, bằng chứng là khi gặp ông ở sảnh tòa nhà vừa là trụ sở, vừa là khách sạn nhà hàng, vừa là trung tâm thương mại lớn nhất Thái Bình hiện nay, tôi nhận ngay ra ông, tiến lại chào gọi đúng tên ông. Chỉ có một điều sai, ấy là trông người, tưởng ông xêm xêm tuổi tôi, nhưng té ra ông hơn tôi tới 9 tuổi, năm nay tròn 74.
Một con người rất thú vị, hiểu rất sâu sắc và mới về nông nghiệp, đi lên và thành công từ giống lúa, năm ngoái giống lúa của Tập đoàn ông đoạt giải nhất gạo ngon toàn quốc với sản phẩm TBR39 và nếp A Sào gây sự ngạc nhiên với nhiều người, bởi lâu nay một giống lúa phía Nam thường thống trị giải này.
Ông và Tập đoàn của ông lấy phương châm “Đồng hành cùng người nông dân mới” để phục vụ. Nông dân mới, khái niệm này cũng khá... mới. Nông dân bây giờ đã khác rất xa thời xưa rồi. Ngày xưa nông dân đồng nghĩa với lam lũ, với trình độ hạn chế, với đầu tắt mặt tối, lấy đít trâu làm thước ngắm... Giờ nông dân như công nhân.
Công nhân trại giống của ông tuyệt đại bộ phận là kỹ sư hoặc thạc sĩ. Nhưng chưa hết, không chỉ hiện đại hay thông minh, ông quan niệm, nông dân mới phải là người có kiến thức về thương trường, về kỹ thuật.
Tôi nhớ ngày xưa, mỗi kỳ Đại hội Đảng, đều nghe phấn đấu đạt bao nhiêu triệu tấn lương thực quy thóc, tôi nhớ không chính xác, đâu như 21 triệu tấn (năm 2022 sản lượng lúa trên cả nước đạt 42,66 triệu tấn). Tại sao lại quy thóc. Ấy là thời ấy khoai sắn cũng được coi là lương thực, nhưng khi tính thì quy chúng ra thóc. Giờ thì nước ra trở thành cường quốc lúa gạo. Bên cạnh năng suất và sản lượng, chúng ta chú ý tới chất lượng gạo.
Ngày xưa ấy, nước ta rất nhiều giống lúa cho gạo ngon, nhưng năng suất thấp, mà chúng ta cần no. Vậy nên các nhà khoa học phải nghiên cứu cho ra các giống lúa ngắn ngày và năng suất cao, bỏ các giống lúa ngon nhưng năng suất thấp (chăn nuôi cũng thế nên các giống lợn ỉ Móng Cái, Mường Khương, gà ri... giờ thành đặc sản).
Tất nhiên là để lấy no thì không thể ngon. Giờ thì quay lại, một mặt khôi phục lại các giống lúa ngon cũ, đa phần đã mất nguồn gen, và tạo ra những giống ngon mới.
Nói chuyện với ông Báo mới biết thêm nhiều điều. Ví dụ, gạo ngon nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Có những yếu tố tưởng rất ất ơ, rất nhỏ nhưng lại cũng rất quan trọng, là giã gạo chẳng hạn. Xưa bà con miền núi giã gạo rất thủ công, ta tưởng là lạc hậu, nhưng té ra nó lại rất khoa học để cho ra gạo rất ngon.
Ấy là cứ tối thì mang lúa ra cái cối ngoài suối, đủ ăn ngày hôm sau, rồi dùng sức nước để giã suốt đêm, chậm rãi, nhẫn nại và kiên trì thế, mai ra lấy gạo. Nó cho ra một thứ gạo rất ngon, ngon hơn nhiều nếu xay giã thông thường, và đặc biệt là xát bằng máy.
Té ra muốn gạo ngon, ngoài chuyện giống, trồng, thu hoạch... còn phụ thuộc vào phơi sấy thế nào, giữ lại bao nhiêu thủy phần, rồi xay giã giần sàng để hạt gạo không những không mất chất mà tăng độ ngon.
Chưa học hết cấp 3, ông Báo đã đi bộ đội. Đánh nhau ở chiến trường Quảng Trị, được coi là cối xay thịt một thời, rồi sang K. Trở về học tiếp phổ thông rồi đại học, làm nhân viên của trại giống. Mà cái trại giống ngày xưa, thời bao cấp hợp tác xã ấy nó buồn cười lắm, dù Thái Bình được coi là vựa lúa, là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt năng suất 5 tấn/ ha/ năm, khi đạt năng suất này vào năm 1966, được mệnh danh là “quê hương 5 tấn”, được Hồ chủ tịch về thăm đủ biết tầm quan trọng của nó.
Có hẳn bài hát Hai chị em: “cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh/ Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình/ Hai chị em trên hai trận tuyến/ anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang...” của nhạc sĩ tài danh Hoàng Vân được ca sĩ nổi tiếng Vũ Dậu hát liên tục trên đài Tiếng nói Việt Nam dạo ấy.
Rồi phong trào khoán từ bí mật được công khai. Trại giống cũng thế, và đấy là tiền đề để Thaibinh Seed ra đời. Hồi đầu việc làm này bị quy chụp đủ "tội trạng", nhưng giờ, thực tế đã trả lời là... đúng, rất đúng và quá đúng.
Ra đây mới tường tận cái nghĩa của “Cánh đồng mẫu lớn”. Lâu nay nghe nhiều về nó, từng chứng kiến một vị lãnh đạo cấp tỉnh, tới đâu cũng khoát tay: Cánh đồng mẫu lớn nhé, thế là bà con chạy bò ra thực hiện mà mãi chả “lớn” được.
Tôi cũng từng vài lần thắc mắc, các tỉnh miền núi thì làm sao mà lớn được khi đất ruộng chỉ từng khoảnh nhỏ, kiểu ruộng bậc thang được tính từng mét vuông. Thì té ra, mẫu ở đây tức là làm mẫu, làm thí điểm, mà rồi thế nào cả nước rầm rộ hưởng ứng, chỗ nào cũng “cánh đồng mẫu lớn”.
Nhiều người còn nhầm “mẫu” với một cách tính diện tích. Từ năm 2020 đã có một tờ báo có tiêu đề bài báo rất hay “Nhỏ dần cánh đồng mẫu lớn”, phân tích sự thất bại của phong trào này.
Nể nữa của ông Báo và Thaibinh Seed là ông đang trí thức hóa đội ngũ công nhân/ nông dân của mình. Học viện Nông nghiệp từng mở hẳn một lớp thạc sĩ tại tập đoàn, tập đoàn đài thọ chi phí, nên có người ở đây tới 2 bằng thạc sĩ, một bằng kỹ thuật và 1 bằng quản trị kinh doanh. Tầm nhìn của ông tới 2025 là ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu phát triển sản phẩm nông nghiệp mới.
Người nông dân, trên hết, phải yêu đồng đất của mình, tất nhiên rồi, yêu tới mức có thể nghe tiếng thở của đất, lắng được từng cái cựa mình của đất. Nhưng để yêu phải hiểu, đủ kinh nghiệm và trình độ để hiểu. Kinh nghiệm thì có thể tích lũy từ thực tiễn, nhưng trình độ thì phải học. Nhìn dàn quân của ông Báo, toàn kỹ sư, thạc sĩ, bản thân ông cũng thạc sĩ xịn, hiểu thêm về nông dân mới.
Té ra nông nghiệp giờ nó khác xưa rất nhiều. Và nông dân Việt, cũng càng ngày càng khác ngày xưa. Xưa có “công nhân cổ cồn”, giờ cũng sẽ “nông dân cổ cồn”, tại sao không?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.