Nông dân không còn mặn mà với cây mía
Tháng 9/2018, PV đã đến địa bàn xã Quảng Sơn để ghi nhận thực tế cũng như tìm hiểu nguyên nhân vì sao nông dân nơi đây không còn mặn mà với cây mía. Theo thông tin từ UBND xã Quảng Sơn, hiện nay, trên địa bàn xã có 4.500 hộ/16.000 người, phân bố tại 6 thôn: Triệu Phong 1, Triệu Phong 2; Thạch Hà 1, Thạch Hà 2; La Vang 1, La Vang 2; Hạnh Trí 1 và Hạnh Trí 2.
Xem thêm >>> Đắng lòng "thủ phủ" mía Ninh Thuận
Trong tổng số 3.300ha đất sản xuất nông nghiệp, xã Quảng Sơn đã có hơn 2.300ha trồng mía. Sản lượng bình quân hằng năm từ 50 - 55 tấn/ha/vụ. Cung cấp 65% mía nguyên liệu cho công ty CP Đường Biên Hòa – Phan Rang.
Tuy nhiên, trong niên vụ 2018-2019, nông dân tại đây đã chuyển 700ha sang trồng khoai mì. “Cây mía bây giờ đã không còn đem lại lợi nhuận cao như ngày xưa. Giá mía thì bấp bênh nên gia đình tôi đã chuyển 3ha trồng mía sang trồng khoai mì”, ông Trần Thiên Hoàng (ngụ thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn) buồn bã cho biết.
Để hiểu thêm về vấn đề này, PV đã gặp và được ông Nguyễn Hữu Mạnh Phùng (ngụ thôn Triệu Phong 2, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn) dẫn đi thực tế tại cánh đồng mía của thôn Triệu Phong.
Mặc dù đã hơn 6 tháng trôi qua, nhưng phần lớn diện tích mía tại đây sinh trưởng rất kém, lá héo vàng, xơ xác. Cây mía cao chưa đến 1m, thân mía không có lóng. Theo ông Phùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công ty thu mua phá vỡ cam kết theo hợp đồng và không hỗ trợ cho người dân.
Cách ruộng mía của ông Phùng khoảng 300m là cánh đồng mía 4ha của gia đình ông Lê Văn Ẩn (ngụ thôn Triệu Phong 1). Mặc dù, ruộng mía của ông Ẩn chỉ cách kênh N7 chưa đến 4m, nhưng ruộng mía này cũng bị khô cháy, thân mía bị ngã rạp, diện tích mía chết khô ngày càng lan rộng.
“Từ khi xuống giống đến nay đã hơn 6 tháng, cách 10 ngày tôi bơm nước tưới một lần, mỗi lần chi phí 200.000 đồng tiền dầu. Hơn 1 tháng qua, để giảm chi phí, tôi bỏ thả luôn”, ông Ẩn buồn bã chia sẻ.
Trước đây, những hộ trồng mía tại Quảng Sơn ký hợp đồng trồng mới được công ty CP Đường Biên Hòa – Phan Rang hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất bằng cách cung cấp giống, phân bón, chi phí đào ao tích nước tưới và hỗ trợ không hoàn lại 50% chi phí cày đất, tổng cộng là 24 triệu đồng/ha.
Kết thúc niên vụ, công ty thu lại tiền giống và phân bón. Riêng chi phí đào hồ khoảng 5.000.000 đồng sẽ thu hồi sau 3 năm. Nhưng, khi kết thúc niên vụ mía 2017-2018, công ty đã bỏ qua những cam kết với nông dân, đã thu hồi cả hai khoản chi phí đào hồ và cày đất, khiến bà con nơi đây rất bức xúc.
Theo phản ánh của nhiều nông dân, nguyên nhân chính làm cho bà con không còn mặn mà với cây mía không chỉ do hạn hán mà nguyên nhân sâu xa hơn là do các chính sách về giá thu mua, cung ứng phân bón… của công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang với nông dân không bảo đảm cho người trồng có lãi.
Ông Đặng Đức Minh (ngụ thôn Triệu Phong 2) bức xúc nói: “Những năm trước, công ty đều ký hợp đồng với giá thu mua là 860.000 đồng/tấn mía cây đạt 10 chữ đường, cho nên bà con rất yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, năm nay công ty này lại đưa ra hình thức thu mua mỗi tấn mía cây đạt 10 chữ đường thì sẽ quy đổi bằng 60kg đường thành phẩm, với giá từ 10 - 11.000 đồng/kg. Nếu như thế, nông dân cầm chắc thua lỗ”.
Những vụ trước, tuy có ký hợp đồng giữa hai bên về các điều khoản, nhưng hầu như công ty ít thực hiện đúng như cam kết, thường cung ứng phân bón chậm so với lịch thời vụ. Ngoài ra, khi mía chín, công ty lại phát lệnh thu hoạch muộn vài ba tháng, nên chất lượng đường của mía sụt giảm, gây thiệt hại cho bà con rất nhiều.
Chi 70 triệu/hecta, nông dân cầm chắc thua lỗ
Theo ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, chính quyền địa phương và bà con rất bức xúc về việc công ty đang đẩy nông dân vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ông Lâm cho hay: "Hiện tại, đặt giả thuyết cho sản lượng mía đạt 60 tấn mía cây/ha và chất lượng đạt 10 chữ đường thì nông dân vẫn thua lỗ. Nguyên nhân vì nông dân phải tự gánh trên vai nhiều khoản chi phí như: Thuê công phun thuốc, chặt mía, bốc mía lên xe… nên chi phí đầu tư rất cao so với giá thu mua do công ty đưa ra trong niên vụ 2018-2019".
“Ước tính chi phí bình quân đầu tư mỗi vụ cho 1ha/12 tháng gồm: Cày đất từ 2 đến 3 lần trước khi xuống giống hơn 7 triệu đồng; mua mía giống từ 8 đến 9 triệu đồng; phân bón 20 triệu đồng; mua dầu cho máy bơm nước tưới từ 8 đến 10 triệu đồng (mỗi tuần tưới 2 lần); công chặt mía và bốc vác mía lên xe 18 triệu đồng (300.000 đồng/tấn/người); thuê công phun thuốc khoảng 4 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phí tạm tính đã lên đến gần 70 triệu đồng/ha", ông Lâm phân tích.
Cũng theo vị này, nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng mía thường chỉ đạt 50 tấn/ha và chất lượng cây mía đạt được 10 chữ đường rất hiếm, dẫn đến giá thu mua giảm xuống. Nếu công ty thu mua mỗi tấn mía cây đạt 10 chữ đường bằng giá trị 60kg đường thành phẩm, tương đương 600.000 đồng/tấn, bà con sẽ cầm chắc thua lỗ.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, nông dân đã nhiều lần kiến nghị công ty CP Đường Biên Hòa – Phan Rang lấy mẫu đánh giá chữ đường trực tiếp tại ruộng mía, nhưng đều bị công ty này phớt lờ.
Thực tế, sau khi thu hoạch, xe của công ty chở mía về tận nhà máy rồi mới đánh giá. Phải mất từ 2-3 ngày, nông dân mới nhận được kết quả thông báo thì chữ đường luôn ở mức dưới 10. Việc này khiến người dân rất bức xúc và cho rằng công ty đã o ép bà con.
Ông Lê Văn Ẩn (ngụ thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn) bức xúc nói: “Cây mía sau khi thu hoạch chở về nhà máy phải nằm phơi nắng, sương vài ba ngày rồi công ty mới cho công nhân đi lấy mẫu để đánh giá chữ đường thì làm sao đạt được 10 chữ đường như mong muốn. Để bảo đảm công bằng về việc này, chúng tôi rất mong có một đơn vị đo, đánh giá chữ đường độc lập, có như vậy nông dân mới hy vọng không bị thua thiệt”.
Cùng quan điểm với ông Ẩn, ông Nguyễn Hữu Mạnh Phùng (ngụ thôn Triệu Phong 2, xã Quảng Sơn) cho hay, tại tỉnh Tây Ninh, nhà máy đường lấy mẫu chữ đường ngay tại ruộng hoặc khi mía được chất lên xe, nên bà con rất an tâm.
Trước tình cảnh nông dân từ bỏ 700ha trồng mía sang trồng khoai mì và các loại cây khác, UBND xã Quảng Sơn đã có kiến nghị lên huyện đề xuất công ty hỗ trợ giá cho bà con để tránh việc bị thua lỗ trong niên vụ 2018-2019.
Đồng thời, đơn vị này kiến nghị huyện về việc tạm dừng triển khai mô hình “cánh đồng lớn” trên 180ha với 65 hộ đăng ký tham gia, vì không bảo đảm hiệu quả kinh tế và có một số hộ đến xã báo cáo sẽ chuyển đổi cây trồng khác, không tham gia mô hình.
Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang, trong niên vụ 2018-2019, công ty sẽ không thu mua được nhiều sản lượng mía cây trên địa bàn huyện Ninh Sơn như dự kiến. Qua rà soát, đến cuối tháng 8, đã có hơn 500ha mía tại các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn bị chết khô do thiếu nước tưới. Nếu từ nay đến thời điểm thu hoạch có mưa thì năng suất cũng chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc công ty CP Đường Biên Hòa – Phan Rang cho biết: “Hiện tại, ngành sản xuất đường trong nước đang cạnh tranh khốc liệt về giá đường do các nước lân cận nhập theo đường tiểu ngạch. Thời gian tới, công ty sẽ tổ chức đối thoại với người dân để chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về các chính sách chưa phù hợp, để nông dân an tâm, tiếp tục sản xuất ổn định vùng nguyên liệu”.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Hồ Diệp (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: "Qua tìm hiểu vụ việc, tôi thấy rằng người nông dân đang “nắm dao đằng lưỡi”. Bởi, họ không hề có người đại diện. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng bị động, không có những ký kết cụ thể với doanh nghiệp. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc người nông dân không am hiểu các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra những vụ việc như thế này”.
Cũng theo luật sư Diệp, qua vụ việc này, đã đến lúc chính quyền địa phương cần đứng ra làm việc, ký kết với doanh nghiệp về việc bao tiêu sản phẩm của người nông dân, giá cả thế nào… Chỉ có như vậy thì khi xảy ra tranh chấp, xung đột quyền lợi thì người nông dân mới có căn cứ để yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình.