Gian nan với nghề
Vốn gắn bó hơn 30 năm nghề nuôi vịt “chạy đồng”, ông Nguyễn Văn Chiến (55 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thấm thía nỗi cơ cực, vất vả của nghề. Mặc dù, xuất thân từ nhà nông chính hiệu, chưa từng học qua trường lớp đào tạo nào về ngành thú y nhưng ông Chiến được giới trong nghề biết đến như một “bác sĩ” bất đắc dĩ chuyên chữa bệnh cho vịt. Bởi thế, ông được mệnh danh là “vua” vịt đồng.
Theo lời ông Chiến, nuôi vịt “chạy đồng” lắm gian nan, cứ sau mỗi mùa vụ, nông dân ở các tỉnh miền Tây thu hoạch lúa là lúc ông cùng với 2 người con trai phải di chuyển đàn vịt nuôi hàng nghìn con đến “mua đồng” rồi dựng lều tạm bợ để trông vịt. Nguồn thức ăn chính của vịt trên các cánh đồng này là lúa còn sót lại, ốc bươu vàng, trứng ốc,…. Nhưng chỉ ở được chừng khoảng 20 ngày, khi nguồn thức ăn dưới ruộng đồng thuê đã cạn kiệt, ông lại tiếp tục lùa đàn vịt sang cánh đồng khác.
Cuộc đời ông cứ nay đây mai đó, cùng với đàn vịt nuôi mà chưa có năm nào được về quê đón tết sum vầy cùng gia đình ở quê nhà. Tuy vậy, nỗi nhọc nhằn ấy cũng chẳng thấm vào đâu khi hàng ngày, ông phải đối diện với bọn trộm vặt, cò mồi, xin đểu trắng trợn mà ông và những người nông dân khác chỉ biết cắn răng chịu đựng, không dám tố cáo đến ngành chức năng. Họ sợ khi tố cáo, kẻ xấu sẽ hạ độc nguồn nước, thức ăn nhằm tiêu diệt đàn vịt nuôi.
Chỉ tay về cánh đồng bạt ngàn ở Đồng Tháp, ông Chiến cho hay, ông vừa đến thuê được 600 công ruộng (1 công là 1.000 mét vuông) từ một tay "cò" với giá 60.000 đồng/công. “Do mình là người phương xa đến đây, nên phải nhờ đến các tay cò “giúp đỡ”. Thông thường mỗi công ruộng, các tay cò hưởng lợi từ 10.000 đến 15.000 đồng. Trước khi thỏa thuận, cò sẽ dẫn người nuôi vịt đến tận cánh đồng xem đất rồi mới đặt cọc, nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đó thì người thuê đất phải trả đủ tiền. Khi nhận được tiền, "cò" sẽ tự chi trả cho từng hộ nông dân có đất chung cánh đồng, bởi 600 công ruộng nêu trên có đến cả trăm chủ đất”, ông Chiến nói.
Cũng theo lời của ông Chiến, nuôi vịt con chẳng khác gì như chăm một đứa trẻ, từ việc ăn uống, nghỉ ngơi phải luôn được đảm bảo đúng giờ, đúng giấc. Mỗi khi đàn vịt có triệu chứng bệnh là ông phải thức trắng đêm canh chừng, rồi tự tiêm thuốc cho từng con một. Việc tiêm thuốc cho vịt cũng lắm công phu, đòi hỏi đúng thao tác kỹ thuật, bởi nếu tiêm thuốc không đúng cách sẽ rất dễ gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển và sức khỏe của vịt nuôi về sau.
“Khổ nhất là lúc giao mùa hay trời đổ mưa, người nuôi phải nhanh chóng lùa vịt vào nơi cư trú và giữ ấm cho vịt. Với kinh nghiệm chữa bệnh cho vịt nhiều năm liền, nên hễ ai phát hiện vịt có triệu chứng bệnh, tôi đều đến và chữa trị thành công. Nhưng khổ nỗi, có lần vịt nuôi của tôi lại bị “phản thuốc” và từ từ ngã lăn ra chết khiến tôi buồn lắm. Nhưng thua keo này bày keo khác, tôi vẫn không hề bỏ cuộc và dần tìm ra nguyên nhân. Hiện đàn vịt đẻ của gia đình đang cho trứng, thu nhập tương đối ổn định”, ông Chiến hào sảng nói.
Nạn trộm vặt, "cò" mua đồng
Trong năm vừa qua, gia đình ông Chiến lỗ đến cả chục triệu đồng tiền “mua đồng” bởi gặp phải bọn cò thứ thiệt. Ông cho biết, qua giới thiệu, ông được một tay "cò" ở huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) mai mối mua cánh đồng hàng chục hecta với giá 50.000 đồng/công và đưa cọc trước 15 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nông dân thu hoạch lúa xong, ông Chiến lùa đàn vịt vào ăn thì liền bị nhiều chủ đất ngăn lại và cho hay đã bán đồng ruộng cho một người khác. Bức xúc, ông liền bấm máy gọi cho cò thì ngoài vùng phủ sóng.
Đến lúc này, ông mới biết mình bị lừa nhưng vẫn ngậm đắng nuốt cay, không dám trình báo đến ngành chức năng. “Bọn "cò mồi" này manh động lắm, là con dao hai lưỡi, bởi họ nắm được người nuôi vịt “chạy đồng” đều là dân nơi khác đến. Hơn nữa, người nuôi vịt rất sợ bị kẻ gian hãm hại bằng việc hạ độc nguồn nước, thức ăn ở các cánh đồng, khi vịt ăn, uống sẽ bị ngộ độc mà chết, sẽ trắng tay, kêu trời không thấu. Chưa kể, có nhiều lúc nửa đêm, kẻ xấu ập vào trại vịt “xin đểu” cả chục con vịt đẻ mang về ăn nhậu mà không ai dám chống lại.
Có lần,ông Chiến liền bước đối diện với tên trộm vặt tại chuồng vịt, ông nói: “Ông kia, lấy bao nhiêu trứng vịt đủ ăn rồi, ông mau biến đi,…”. Biết gặp chuyện, người đàn ông trộm trứng vịt cứ ấp a ấp úng mà chẳng nói được lời nào rồi bất ngờ quỳ dưới chân tôi như muốn xin được tha thứ. Trước cảnh tượng này, ông Chiến bảo: “Ông đã đến đây trộm trứng vịt thì ông phải lấy hết số trứng rồi nhanh chóng rời khỏi đây. Nhưng hãy nhớ rằng, để có được quả trứng mà ông vừa trộm, người nuôi vịt phải đổ những giọt mồ hôi và cả nước mắt. Mong rằng, đây là lần cuối cùng ông ra tay trộm cắp”.
Dứt lời, người đàn ông trộm trứng vịt liên tục biện minh, nào là nhà nghèo, không đủ gạo ăn, mặc dù sớm hôm đi giăng câu, thả lưới vẫn không đủ tiền nuôi vợ, nuôi con,…. Mãi đến khi nghe ông Chiến giải thích, cuộc sống mỗi người mỗi khác, mình cần sử dụng những gì do chính mình làm ra. Nghe vậy, người đàn ông kia tỏ ra ân hận biến mất trong bóng đêm.
Sau lần đối mặt với trộm, ông Chiến liền đem câu chuyện trên thuật lại cho vợ và những người nuôi vịt cùng nghe. Ai nấy cũng đều tỏ ra bức xúc, hỏi lý do ông Chiến không giao tên trộm cho công an xử lý. Ông liền cười hiền đáp: “Phóng tiêu hao thu đại lợi”, số trứng vịt ấy không đáng vào đâu, mặc dù công sức mình bỏ ra rất nhiều nhưng nếu chúng ta nóng vội thì tên trộm kia có thể vướng vào vòng lao lý, rồi vợ con của họ lại càng khổ hơn".
Công an sẽ rà soát vụ việc Liên quan đến việc nông dân nuôi vịt “chạy đồng” bị trộm vặt, xin đểu, trao đổi với PV Người Đưa Tin, Đại tá Mai An Khương, Trưởng Công an huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tình hình ANTT trên địa bàn ổn định, địa phương chưa tiếp nhận trình báo nào về việc mất trộm từ các chủ trại vịt chạy đồng. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo, cơ quan công an sẽ rà soát vụ việc. |
Thanh Lâm