Phá vườn cảnh để xây khu chụp ảnh
Đến Nhật Tân, chúng tôi thấy xen vào sắc đỏ của những vườn đào bát ngát là những khu vườn rực rỡ sắc màu của đủ các loại hoa như cúc, thược dược, hướng dương... Từ xa, những nam thanh nữ tú tấp nập dưới ánh nắng hiếm hoi giữa những ngày đông buốt giá, vội vàng chen chúc trên những chiếc xe gắn máy đi về phía khu vườn đó. Họ gọi khu vườn này bằng cái tên nghe rất mĩ miều là "vườn thượng uyển". Vào những ngày đẹp trời hay dịp cuối tuần, các bạn trẻ thủ đô về đây tham quan, chụp ảnh rất nhộn nhịp.
Chị Linh - chủ khu vườn cảnh Đạo Linh cho biết, dịch vụ cho thuê vườn để chụp ảnh bắt đầu xuất hiện ở làng đào Nhật Tân cách đây 3 năm. Thời gian gần đây, dịch vụ này bắt đầu phát triển mạnh mẽ và thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ. Nhiều hộ trồng đào, quất đã phá vườn, bỏ nghề truyền thống để chuyển sang kinh doanh lĩnh vực đầy hứa hẹn này.
Chị Linh cho biết: "Mấy năm gần đây, việc trồng đào khá bấp bênh. Công việc vốn rất vất vả và phải trông cậy nhiều vào thời tiết nên người trồng đào chúng tôi có nguồn thu không ổn định. Nhận thấy giới trẻ đang có xu hướng "dạt" ra ngoại thành chụp ảnh, trong khi đó, làng chúng tôi vốn có phong cảnh hữu tình nên nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, phá bỏ những khu vực trồng đào truyền thống để xây những khu vực vui chơi, cho thuê chụp ảnh".
Một góc khu vườn cho thuê chụp ảnh của chị Tâm.
Để có một khu chụp ảnh tương đối đẹp, theo chị Linh, người chủ "vườn thượng uyển" phải chi số vốn rất lớn để đầu tư trang thiết bị cũng như cây cối trong vườn. Chị Linh cho biết thêm: "Riêng tiền đầu tư cho khu vườn nhà tôi đã lên tới gần 3 tỷ đồng (chưa tính tiền mua thêm đất để mở rộng khu vườn).
Ngoài việc mua cây cối, thuê thợ chăm sóc, tạo không gian thì nhà vườn còn phải thường xuyên nhập những cây mới để làm khu vườn thêm phong phú và luôn tạo cảm giác mới mẻ cho người đến tham quan, chụp ảnh". Theo quan sát của chúng tôi, việc làm ăn này đang ngày càng diễn ra thuận lợi với số lượng người đến thuê sử dụng vườn ngày càng đông.
Bác Nguyễn Văn Đức, bảo vệ tại vườn cảnh Đạo Linh cho biết: "Giá vé vào vườn tùy từng thời điểm mà lên xuống khác nhau. Hiện tại, giá vé vào vườn là 30.000 đồng cho mỗi người. Vé cho những đôi vào chụp ảnh cưới, giá là 100.000 đồng, chưa tính người đi theo". Ngoài ra, tiền gửi xe cũng cao ngất ngưởng, giá vé xe máy vào khoảng 10.000 đồng/xe, trong khi giá vé ô tô đắt gấp ba.
"Vào những ngày đẹp trời hay nghỉ lễ, người đến vườn chật kín, không còn chỗ mà chen chân. Những ngày bình thường chỉ có vài trăm lượt người, nhưng khi đông khách một ngày lên tới 1.000 - 2.000 lượt là chuyện bình thường", bác Đức cho biết thêm.
Nếu nhìn qua bảng giá như vậy, không tính tiền gửi xe thì mỗi ngày nhà vườn thu về mấy chục triệu đồng. Nếu tính cả tiền vé vào cửa và tiền gửi xe mỗi ngày, chắc hẳn thu nhập của nhà vườn sẽ là con số rất "khủng". Chính bởi vậy, chỉ cần vài ba năm là nhà vườn có thể thu hồi vốn. Ông Nguyễn Văn Thắng - người dân sống gần đó cho hay: "Không phải ngày nào các nhà vườn cũng đông khách, mà chỉ đông vào những ngày lễ hay những hôm đẹp trời. Có những ngày, xe của khách để chật kín hết cả đường, kéo dài từ đầu ngõ tới cổng. Nhưng có hôm, người đến chụp ảnh cũng rất thưa vắng".
Hiện nay, mô hình kinh doanh này đang được người dân nơi đây học hỏi và làm theo lẫn nhau nên số lượng "vườn thượng uyển" tăng cũng nhanh. Không phải ngẫu nhiên mà hai năm trở lại đây, phong trào phá vườn cảnh truyền thống để tập trung cho việc xây dựng những khu vườn chụp ảnh như thế này phát triển mạnh đến vậy. Có những hộ còn đào hồ, đắp núi, làm những khu rừng trúc nên thơ để thu hút khách tham quan, chụp ảnh. Những khu vườn đào, quất truyền thống ngày càng thu hẹp dần.
Trong hoàn cảnh hiện nay, giới trẻ đang có xu hướng "xê dịch" ra vùng ngoại ô để chụp phong cảnh, chụp ảnh cưới nên tình hình làm ăn lại ngày càng nhộn nhịp. Quy luật có cung ắt có cầu đang đặt những làng trồng cây cảnh truyền thống này trước những thách thức không nhỏ, khá khắc nghiệt.
Trẻ em cũng được đưa tới đây để vui chơi.
Nguy cơ mất nghề truyền thống
Cũng giống như vườn đào Nhật Tân, khu vực vườn quất Tứ Liên cũng được các chủ vườn chuyển sang mô hình cho thuê vườn cây để chụp ảnh. Chúng tôi ghé vào vườn quất cảnh của chị Phạm Thị Tâm. Vườn quất cảnh của chị Tâm có chừng khoảng 500 gốc thành phẩm đang thời kì cho thu hoạch. Thế nhưng, chị vẫn sẵn sàng “bán tháo” cho tiểu thương để lấy không gian quy hoạch cho khu vườn mới của mình.
Chị cho biết: "Hiện tại, tôi đã đầu tư hơn một tỷ đồng để mua thêm cây, đắp gò và làm những luống hoa mới. Tuy nhiên, hiện chưa xuất (bán) hết được số quất trong vườn nên công việc vẫn còn dang dở. Một thời gian nữa, tôi sẽ phá hết vườn quất này và tiến hành đào hồ lớn để tạo thêm không gian cho những người có nhu cầu đến chụp ảnh, tham quan thuê".
Khi chúng tôi hỏi về nguy cơ làm mất nghề truyền thống cha ông khi dịch vụ này phát triển, chị Tâm cho biết: "Trước mắt, vì lợi ích kinh tế nên chúng tôi vẫn phải tiếp tục việc kinh doanh. Nếu cứ trông chờ vào lợi ích từ việc trồng quất thì không biết đến bao giờ kinh tế gia đình mới “phất” lên được. Bản thân gia đình tôi đã có mấy đời làm quất cảnh và chính tôi cũng đã có hơn 10 năm làm nghề nhưng vẫn không thể bám nghề được. Hơn nữa, mở dịch vụ này đòi hỏi có nhiều vốn nên không phải ai cũng có thể làm, cho nên số người bỏ nghề không phải là nhiều".
Khi được nghe câu trả lời như vậy, chúng tôi không khỏi không băn khoăn về số phận của những làng trồng cây cảnh truyền thống trong tương lai. Bởi lẽ, bên cạnh quá trình đô thị hóa làm những khu vực đất trồng cảnh này dần bị thu hẹp lại thì chính người dân nơi đây đang chủ động góp phần làm cho những nghề truyền thống của làng mình bị mai một dần.
Thậm chí, khi thắc mắc những điều này, chúng tôi còn nhận được những ánh mắt nhìn như "người trên trời rơi xuống" của một vị chủ vườn cảnh ở làng đào Nhật Tân. Anh ta nói: "Thời buổi làm ăn kinh tế, cốt sao kiếm được tiền, chứ ai quan tâm đến chuyện còn hay mất cái nghề trồng đào vất vả".
Ông Thắng mà chúng tôi có dịp trò chuyện ở trên cho biết thêm: "Giới trẻ bây giờ rất ít người có tâm huyết với nghề truyền thống. Những người có kiến thức thì làm cán bộ ở các cơ quan nhà nước, nước ngoài. Những người ở lại thì tìm mọi cách để làm giàu. Cho nên, thấy phong trào cho thuê vườn để chụp ảnh có thể kiếm được nhiều tiền, họ sẵn sàng phá vườn để xây dựng lại. Dù rất tiếc nhưng không biết làm cách nào!".
Ông Thắng còn cho biết thêm: "Trước mắt, những vườn cảnh này đang làm ăn phát đạt nhưng không phải là không có rủi ro. Đây là kiểu làm ăn kinh tế theo phong trào, cho nên nó có tính thời vụ nhất định và không bền vững. Khi phong trào chụp ảnh dần lắng xuống, người đến đây ít đi thì chắc chắn những vườn cảnh kiểu này cũng không thể tồn tại được. Khi đó, muốn khôi phục lại những vườn đào truyền thống cũng rất khó khăn.
Bởi lẽ, người trồng đào có khi mất hàng chục năm mới có thể gây dựng được một vườn đào. Vậy là người trồng lại phải bắt đầu từ con số không, chưa kể tới thổ nhưỡng đã thay đổi sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc sinh trưởng của đào và quất. Chính bởi vậy, cần phải hết sức cẩn trọng khi chuyển đổi mô hình làm ăn như hiện nay".
Đã có dự án bảo tồn đào Nhật Tân Năm 2004, sở NN&PTNT TP.Hà Nội đã đồng ý thành lập dự án Bảo tồn, xây dựng vườn đào Nhật Tân tại khu vực quận Tây Hồ. Dự án xây dựng vùng phát triển, bảo tồn gen hoa đào Nhật Tân đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, triển khai năm 2013. Hi vọng dự án này sẽ là động lực mới, giúp những người dân nơi đây có thể bảo tồn được những giá trị truyền thống của cha ông. |
Phạm Thiệu