Nông dân thấp thỏm nỗi lo sầu riêng mất mùa

Nông dân thấp thỏm nỗi lo sầu riêng mất mùa

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Chủ nhật, 12/05/2024 08:00

Nắng nóng kéo dài, mưa bất chợt gây hiện tượng sốc nhiệt khiến sầu riêng rụng trái la liệt. Người dân đứng trước nguy cơ mất mùa.

Trái rụng la liệt

Tại Tây Nguyên, sau một thời gian nắng hạn kéo dài, vừa qua trên địa bàn nhiều tỉnh xuất hiện cơn “mưa vàng” cứu hạn cho cây trồng.

Tuy nhiên, sau khi cơn mưa đầu mùa rút xuống, nhiều người trồng sầu riêng đứng trước nỗi lo mất mùa. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nắng hạn kéo dài, mưa bất chợt khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột gây nên hiện tượng sốc nhiệt, làm cho hầu hết các vườn sầu riêng trái rụng dày đặc cả gốc.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 5.689ha sầu riêng trồng tại các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Chư Puh, Chư Sê, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, la Grai, Kbang...

Năng suất sầu riêng bình quân 175 tạ/ha, sản lượng ước đạt 44.150 tẩn. Tỉnh Gia Lai được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 54 mã số vùng trồng sầu riêng ước diện tích 1.289ha.

PV Người Đưa Tin có mặt tại vườn sầu riêng của ông Lâm Văn Lưu (làng Hra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), theo ghi nhận, dưới gốc cây, trái to, trái nhỏ rụng cuống nằm la liệt.

Trò chuyện với PV, ông Lưu chia sẻ: “Trời nắng nóng kéo dài, người dân ai cũng trông mưa để giải cứu cây trồng, xoa dịu bớt cái nóng, oi bức. Nhưng khi mưa về chưa kịp vui mừng, giờ lại lo cánh cánh sợ mất mùa. Bởi chỉ mới một trận mưa đầu mùa mà sầu riêng rụng nhiều thế này, không biết sắp tới thêm những trận mưa khác thì những quả con trên cây có trụ nổi không. Vườn sầu riêng của tôi có 200 cây trồng thuần giống Monthong từ năm 2016, đến nay đã thu hoạch được 4 năm. Năm ngoái, bình quân mỗi cây cho khoảng 80 quả, tôi thu được 32 tấn. Với giá bán bình quân 80 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, tôi còn lợi nhuận gần 2,1 tỷ đồng”.

Dân sinh - Nông dân thấp thỏm nỗi lo sầu riêng mất mùa

Mưa lớn, kèm gió lốc khiến nhiều cây sâu riêng của người dân bị bật gốc, thiệt hại về kinh tế.

Theo ông Lưu, năm nay, thời tiết gặp nhiều bất lợi, nắng nóng kéo dài có thời điểm lên đến 35-37 độ C, nên người trồng sầu riêng rất khó chăm sóc vườn cây theo quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm của mình.

Đặc biệt, sau giai đoạn nắng nóng kéo dài, những cơn mưa đầu mùa đổ xuống làm thay đổi nền nhiệt, cây sầu riêng có hiện tượng sốc nhiệt dẫn đến rụng quả nhiều hơn so với năm ngoái. Mưa nhiều, cây ra đọt ngọn, chất dinh dưỡng không cung cấp đủ để nuôi quả nên quả sẽ tiếp tục rụng. Vì vậy, năm nay, vườn sầu riêng của ông chắc chắn mất mùa.

Dân sinh - Nông dân thấp thỏm nỗi lo sầu riêng mất mùa (Hình 2).

Nhiều vườn sầu riêng của người dân, quả sắp đến độ thu hoạch gặp mưa rụng la liệt.

Cơn mưa vừa qua, hơn 1,8ha sầu riêng của gia đình ông Đào Khắc Định (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) bị gió đánh xơ xác, quả rụng đầy, thiệt hại 50%. Nhiều quả to, còn khoảng 20 ngày thu hoạch cũng bị rụng.

“Sầu riêng của nhiều gia đình khu vực này bị trúng luồng gió mạnh khiến quả bị rụng tả tơi. Nhìn cảnh ai ai cũng xót lắm! Những quả nhỏ thì vứt, quả to cho bà con trong làng mang về nấu canh chứ đâu bán được”, ông Định chia sẻ.

Dùng cọc neo cành, cố định thân cây

Tại huyện Chư Pưh hiện có 652,5ha sầu riêng. Nhiều gia đình trồng sâu riêng cũng lâm vào cảnh lo âu sau trận mưa đầu mùa vừa qua.

Bà Đặng Thị Đức Hảo (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) buồn bã nói: “Những ngày gần đây, 300 cây sầu riêng của gia đình xuất hiện tình trạng rụng quả non. Trong đó, 130 cây đang trong giai đoạn kinh doanh bị rụng quả rất nhiều. Khi sầu riêng xổ nhụy được hơn 20 ngày, gặp mưa giông đầu mùa dẫn đến rụng quả non gây thiệt hại nặng nề cho người dân”.

Ông Nguyễn Hữu Tỵ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho biết, cơn mưa giông kèm gió lốc vào ngày 5/5 vừa qua đã gây thiệt hại 2,75ha sầu riêng tại xã Ia Hlốp.

Trong đó, 0,5ha bị thiệt hại từ 70% đến mất trắng; 2ha thiệt hại dưới 30%. Ước tổng thiệt hại hơn 487 triệu đồng. Hiện nay, địa phương tuyên truyền, vận động người dân tập trung chăm sóc những cây chưa ngã đổ, triển khai các giải pháp bảo vệ vườn cây nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, sau thời gian nắng nóng kéo dài, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa ở nhiều nơi, kèm theo các hiện tượng thời tiết giông, lốc xoáy, mưa đá.

Dân sinh - Nông dân thấp thỏm nỗi lo sầu riêng mất mùa (Hình 3).

Theo đánh giá của các chuyện gia, sốc nhiệt là một trong những nguyên nhân khiến sầu riêng rụng trái.

Đặc biệt, trên nhiều loại cây trồng chịu nắng nóng kéo dài hơn 30 ngày liên tục, khi có mưa giông dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt, gây rụng quả, héo bông, năng suất giảm, nhất là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhạy cảm với thời tiết. Vì vậy, người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết để phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Lâm nghiệp và Cây ăn quả, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng rụng quả trên cây sầu riêng gồm: người dân bón phân không cân đối và không đúng; thiếu nước, độ ẩm thấp và rụng do yếu tố cơ học như mưa đầu mùa, mưa trái mùa, lốc xoáy.

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường khuyến cáo: “Để hạn chế rụng quả trên cây sầu riêng trong thời gian cây nuôi quả non, người dân cần tăng cường bón phân lân, kali và các loại phân có bổ sung hàm lượng silic cùng các yếu tố trung-vi lượng như Mg, Na; tuyệt đối không bón phân đạm mà tăng cường bón phân chuồng, phân hữu cơ dạng viên để cân đối tối ưu các hàm lượng đa, trung và vi lượng, tạo độ mùn tơi xốp giúp cây khỏe, cuống quả phát triển từ từ, ổn định, đồng đều tránh trường hợp tháo đốt cuống quả gây hiện tượng rụng”.

“Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên kiểm tra vườn cây để cung cấp đủ nước, giữ ẩm thường xuyên, không để quá khô hoặc không tưới nhiều gây hiện tượng sốc nước do phản vệ thân cây. Đặc biệt, trong giai đoạn sầu riêng mang quả có trọng lượng toàn thân, tán cây sẽ tăng dần theo độ lớn của quả. Khi gặp mưa, gió mạnh hay lốc, cây sẽ mất trọng tâm, trọng lực xoay chiều va đập lẫn nhau làm cho hệ rễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới tổn thương không hút nước và dinh dưỡng lên nuôi quả, gây rụng quả. Vì vậy, người dân cần neo các cành xung quanh vào thân cây và tại mỗi cành cố định dưới mặt đất nhằm giữ cây ổn định hơn, giảm độ rung chuyển khi bị gió mạnh", Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.