Báo Dân Việt ghi nhận, hiện nay, ở một số tỉnh miền Tây, thương lái vào tận ruộng thu mua rơm tươi được bó cuộn lại thành khoanh tròn nặng khoảng 20 - 25kg/bó với giá 30.000 đồng/cuộn, tăng từ 7.000 - 8.000 đồng/cuộn so với thời điểm năm ngoái. Với giá bán như trên, người tích trữ rơm có thể thu lợi nhuận tiền triệu mỗi ngày.
Cũng ghi nhận về tình hình thu mua rơm, báo Vnexpress thông tin, sau mùa vụ, nông dân Long An bán rơm với giá từ 700.000 - 1 triệu đồng/ha. Mỗi ha thu hoạch từ 120 - 150 cuộn rơm.
Ông Nguyễn Văn Đực, chủ ruộng chia sẻ với PV báo Vnexpress: "Tôi có 1 mẫu (ha) đất. Một năm, tôi bán 3 lần rơm, 1 lần 800.000 đồng. Tôi lấy số tiền này trả công cắt lúa nên cuộc sống cũng thoải mái hơn".
Không chỉ người tích trữ rơm thu lợi nhuận cao mà các thương lái cũng lợi nhuận không kém, mỗi chuyến, thương lái có thể thu lợi nhuận từ tiền chênh lệch hơn 2 triệu đồng.
Anh Võ Huỳnh Thắng, thương lái mua rơm thông tin với Vnexpress: "Một ngày mua được 10ha rơm. Tùy chỗ, có người bán từ 700.000 đồng cho đến 1 triệu đồng/ha, tùy rơm ít rơm nhiều. Tôi mua về bán lại cho người nuôi bò, trồng thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang".
Theo một số thương lái thu mua rơm chia sẻ với báo Dân Việt, hiện người dân có nhu cầu sử dụng rơm khá lớn nên việc mua bán rơm rất thuận tiện. Do được cuộn gọn gàng, nên có thể sử dụng ghe hoặc xe tải để vận chuyển đến các địa điểm tiêu thụ.
Nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn nên nông dân và thương lái kiếm được tiền triệu từ rơm khô. Không những thế việc sử dụng rơm trong chăn nuôi, ủ giữ ẩm cho cây trồng đã làm giảm bớt ô nhiễm môi trường do thói quen đốt đồng.
Nguồn rơm cuộn nhiều nhất là ở vùng trọng điểm sản xuất lúa trong khu vực như: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP.Cần Thơ…
Ngọc Lài (tổng hợp)