Theo VOV, hiện nay, nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã chính thức vào vụ thu hoạch. Giá mía giảm, giá thuê nhân công thu hoạch lại có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều nông dân so sánh, đầu vụ năm ngoái, giá mía bán được 900 đến 1.000 đồng/kg, giá thuê nhân công thu hoạch từ 130.000-135.000 đồng/tấn. Thế nhưng, năm nay giá mía chỉ bán được ở mức 800 đến 850 đồng/kg, nhưng giá thuê nhân công thu hoạch lại lên đến 150.000 đồng/tấn, tăng hơn 15.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm hiện tại nước lũ đang về, nhiều diện tích mía ngoài đê bao đã bị ngập do đó giá thuê nhân công thu hoạch sẽ còn tiếp tục tăng. Với mức giá này, nông dân thu hoạch mía đầu vụ sẽ không có lãi nhiều.
Còn theo báo Người Lao Động, tuy đã vào vụ thu hoạch mía gần một tháng nhưng mía của người dân ở một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL vẫn còn đầy ruộng. Trong khi đó, nước lũ và triều cường đang đe dọa khiến nhà nông bất an.
Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang – một trong những địa phương trồng mía nhiều nhất khu vực ĐBSCL – nhiều hộ dân vừa "ngóng" nhân công thu hoạch vừa "ngóng" thương lái đến thu mua. Nhiều người tỏ ra lo lắng khi nước lũ và triều cường dâng ngập khỏi liếp mía đã nhiều ngày qua.
Không ít hộ phải chạy đi tìm thương lái để bán mía nhưng đành thất vọng quay về. "Giá thấp nhưng cũng phải bán. Nếu để ngập lâu thì mía chết, thiệt hại càng nặng", anh Nguyễn Văn Tùng, một hộ trồng mía ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp thông tin với báo Người Lao Động.
Lý giải về giá mía đang ở mức thấp, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho rằng, giá đường đầu vụ năm nay đang ở mức 13.500 đồng/kg, thấp hơn 2.500kg so với cùng kỳ năm 2016. Mặt khác, dù giá đường giảm nhưng tình hình tiêu thụ đường trong nước đang gặp nhiều khăn do tác động bởi đường nhập lậu từ Thái Lan.
Về nhân công thu hoạch mía, ông Ngoan chia sẻ, vào đầu tháng 10, giá thuê từ 140.000-160.000 đồng/tấn (tùy theo đường xa hay gần), tăng khoảng 20.000 đồng/tấn so với cùng kỳ. Đến những ngày cuối tháng 10, giá thuê lại tăng lên khoảng 200.000 đồng/tấn.
Nguyên nhân khan hiếm nhân công, bởi nguồn lao động phục vụ cho việc thu hoạch mía đã đi làm ở các khu công nghiệp.
Thông tin với báo Người Lao Động ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, để tránh thiệt hại do lũ và triều cường gây ra, ngành nông nghiệp huyện đang khẩn trương phối hợp cùng chính quyền địa phương đi kiểm tra thực tế để xác định địa bàn ưu tiên đốn mía. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng kêu gọi các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh tăng cường thu mua để giúp nông dân không bị thiệt hại về kinh tế do không bán được mía.
Ngọc Lài (tổng hợp)