Jiang Xicheng, trưởng nhóm bảo vệ môi trường trực thuộc tổ chức từ thiện mang tên Lion's Club Quảng Đông, là người đầu tiên đưa thông tin về phân bón nhiễm độc lên mạng.
Ông khẳng định, nông dân ở thành phố Quảng Châu - thủ phủ tỉnh Quảng Đông - đã sử dụng phân bón làm từ các loại rác thải đang trong quá trình phân hủy, bao gồm pin đã qua sử dụng, kính vỡ và chất thải nhà bếp.
Mẫu pin trong phân bón làm từ rác thải ở Quảng Châu.
"Tôi cảm thấy cực sốc khi biết việc này", Jiang Xicheng chia sẻ. "Thành phần kim loại nặng có nguồn gốc từ rác thải được phát hiện trong phân bón chắc chắn vượt quá mức an toàn cho phép. Chúng tiềm ẩn nguy cơ vô cùng lớn đối với sức khỏe con người".
Zhou Yongzhang, phó khoa Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, cho biết, chì và thủy ngân có trong pin đã qua sử dụng có thể gây nhiễm độc nặng đối với các loại rau củ quả. Nếu nông dân thường xuyên sử dụng pin hết hạn như một loại phân bón cho đất, tình trạng nhiễm độc sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Trong khi đó, một nông dân họ Zeng ở Quảng Châu thừa nhận, tại nơi mình sống, mọi người vẫn có thói quen sử dụng rác thải làm phân bón. Hình ảnh thường gặp tại các làng quê này là những xe chuyên thu mua rác thải để bán cho nông dân.
Một vỉ thuốc cũng được phát hiện trong phân bón làm từ rác ở Quảng Châu.
"Phân bón làm từ rác thải có thể độc hại nhưng rõ ràng chúng rất rẻ và hiệu quả nhanh", Zheng cho biết.
Zhu Lijia, giáo sư tại Học viện Quản trị Trung Quốc, bày tỏ, các cơ quan giám sát chính phủ phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. "Nông dân chắc chắn cũng có trách nhiệm nhưng nếu chính phủ sâu sát hơn trong việc hướng dẫn và giám sát hoạt động nuôi trồng của họ thì những chuyện tồi tệ như thế này đã không xảy ra".
Cho tới thời điểm này, mức độ nhiễm độc của phân bón sử dụng tại Quảng Châu cũng như số lượng nông sản nhiễm độc bày bán trên thị trường vẫn chưa được làm rõ. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Đông đang tiến hành điều tra vụ việc.
Theo VTC