Nông dân về đâu với nền nông nghiệp mùa nào "giải cứu" thức đó?

Nông dân về đâu với nền nông nghiệp mùa nào "giải cứu" thức đó?

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Thứ 4, 21/03/2018 14:24

Giải cứu dưa hấu, su hào, gừng, tỏi, hoa ly thậm chí giải cứu heo và bây giờ là giải cứu củ cải... Điệp khúc giải cứu nông sản như thế cứ lặp đi lặp lại qua từng năm, từng mùa… thành thói quen chưa biết bao giờ chấm dứt.

Câu chuyện nông sản “được mùa - rớt giá” mới đây lại tái hiện với người nông dân trồng củ cải trắng tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Nông dân về đâu với nền nông nghiệp mùa nào 'giải cứu' thức đó?

Những cuộc giải cứu nông sản bất tận.

Hàng nghìn tấn củ cải trắng được trồng ra nhưng không có nơi tiêu thụ. Củ cải rớt giá thê thảm từ 8 ngàn đồng/kg xuống còn 500 đồng – 1.000 đồng/kg khiến người dân buộc phải đổ bỏ thành quả lao động của mình. Trong khoảng 1 tháng sau Tết âm lịch, hàng trăm tấn củ cải bị người dân xã Tráng Việt hoặc là đổ xuống sông Hồng hoặc là vất bỏ thối. Có gia đình phải “nuốt nước mắt” đổ đi đến cả chục tấn củ cải.

Sau khi báo chí phản ánh các cơ quan chức năng thuộc TP.Hà Nội và bộ NN&PTNT đã họp bàn cách giải cứu củ cải cho người dân, giúp họ an tâm phần nào về đầu ra.

Thế nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó bởi ai có thể chắc chắn rằng, điệp khúc giải cứu nông sản sẽ không còn tái diễn.

Nào là dưa hấu (Quảng Ngãi), cà chua (Nghệ An), su hào (Hải Dương), gừng núi Xí Mần (Hà Giang), vải thiều (Bắc Giang)… nào chuối, nào tỏi, bí đỏ, hoa ly… thậm chí cả heo và nhiều hơn nữa. Mùa nào giải cứu thức đó.

Cuộc giải cứu này chưa qua thì một nông sản khác lại chờ giải cứu. Ví như chuyện giải cứu heo xong gà lại rớt giá năm 2017 vừa qua. Theo đó, trong những tháng đầu năm 2017, giá thịt lợn hơi trong nước liên tục sụt giảm mạnh, giá thịt lợn hơi cuối tháng 4/2017 đã xuống dưới 20.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong vòng 30 năm qua ở Việt Nam.

Nông dân về đâu với nền nông nghiệp mùa nào 'giải cứu' thức đó? (Hình 2).

Hình ảnh kêu gọi giải cứu gừng Hà Giang tại Hà Nội do Trung ương Đoàn Thanh Niên tổ chức hồi đầu năm 2017.

Ngay sau đó, các ban, ngành, doanh nghiệp cũng đã vào cuộc "giải cứu lợn" dấy lên phong trào "người người ăn lợn, nhà nhà ăn lợn".

Giá heo rớt thê thảm khiến các hộ chăn nuôi đã tự giết mổ lợn đem ra chợ hoặc bán rong với giá rẻ mong vớt vát được phần nào số tiền đã thua lỗ bởi càng nuôi càng tốn kém. Tuy nhiên khi giải cứu lợn chưa xong thì giá gà lại rớt thê thảm. Thời điểm đó giá gà công nghiệp xuất tại chuồng dao động ở mức thấp, 19-20 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, giá trứng giảm mạnh khi chỉ còn khoảng 900 - 1.000 đồng/quả. Được biết, số lượng gà công nghiệp hiện nay đã lên tới hàng chục triệu con nhưng lượng tiêu thụ khá chậm. Thịt gà công nghiệp đang ở giai đoạn “rẻ chưa từng thấy”…

Trên đây là ví dụ gần nhất trong việc giải cứu nông sản. Những cuộc giải cứu bất tận không thể nào liệt kê ra hết kéo dài hết mùa này đến mùa khác, năm này qua năm khác, và câu trả lời muôn thuở cho nguyên nhân sự việc là mất cân đối cung cầu, không chủ động thị trường tiêu thụ.

Nhưng chẳng có bài học nào rút ra, chẳng có hành động nào ngăn ngừa và cũng chẳng có ai đứng ra nhận trách nhiệm cho những thua thiệt rất lớn ấy và hậu quả thì chỉ có người nông dân gánh vác. Trong khi đó chúng ta có hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ, rất nhiều Viện nghiên cứu, và đầy đủ cơ quan quản lý phụ trách các lĩnh vực. Người nông dân rồi sẽ về đâu với một nền nông nghiệp như thế. Sau dưa hấu, củ cải, su hào...chúng ta còn phải “giải cứu” gì nữa, đang là câu hỏi chưa có lời đáp.

Củ cải rớt giá vì thời tiết... và lại rút kinh nghiệm

Trả lời báo chí về tình trạng củ cải, su hào của người dân rớt giá, ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng cục Trồng trọt (bộ NN& PTNT) cho biết: Thời tiết thuận lợi, củ cải phát triển nhanh, cây cải bị trổ hoa sớm nên bên trong bị xốp, bẻ ra dễ dàng, không bán được cộng với thị trường đang giảm giá và đã có nhiều loại khác thay thế cho củ cải.

Theo ông Sơn, thống kê từ các tỉnh có nhiều vùng rau chuyên canh thì diện tích rau cuối vụ Đông và lứa đầu vụ Xuân hiện nay nhiều nhất ở Hà Nội còn 1.150 ha, Hải Dương còn hơn 100 ha, các tỉnh khác còn 10 - 15 ha. Ông Sơn khẳng định lượng tồn này đang ở mức thấp và tình trạng sản lượng ế thừa nghiêm trọng, phải chặt bỏ không xảy ra trên diện rộng mà xảy ra cục bộ ở Hà Nội và Hải Dương, với 2 loại rau là củ cải trắng và su hào.

Cũng theo Cục trưởng cục Trồng trọt: Trước mắt, các rau ôn đới như su hào, bắp cải sẽ không kéo dài được nữa vì thời tiết nóng lên chất lượng sẽ giảm cho nên bản thân tự các địa phương đã có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, khảo sát tại xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội vẫn có hiện tượng nông dân lạm dụng và trồng nhiều loại rau này. Về lâu dài, ông Sơn cho rằng phải rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, đặc biệt là đợt rau gối giữa vụ Đông và Xuân để có hướng dẫn sát hơn.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.