Theo nguồn tin riêng của báo Người Đưa Tin, ngày 8/12, cơ quan điều tra, bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng (Sinh năm 1960), nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Cũng theo nguồn tin, ông Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Được biết, việc bắt giữ ông Thăng có liên quan về số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn tương đương 20% vào OceanBank, đợt góp vốn thứ ba được xác định trái với quy định Nhà nước.
Ông Đinh La Thăng 57 tuổi, có học vị tiến sĩ, quê Nam Định. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khoá X, XI, XII; đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII, XIV.
Ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khoá XII hồi tháng 1/2016. Đầu tháng 2/2016, ông được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Trước đó, ông Thăng có 20 năm công tác tại Tổng công ty Sông Đà; 3 năm làm Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Giai đoạn 2006-2011, ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
Từ năm 2011 đến tháng 2/2016, ông làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Ngày 7/5/2017 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Chiều 8/12, tại Hà Nội, ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua hai nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Điều 165, BLHS 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như sau: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. |
PV