Những ngày này, người hâm mộ thể thao trên cả nước đành phải ngậm ngùi theo dõi trận đấu hấp dẫn của U23 Việt Nam qua "Xôi lạc TV", hoặc một số link nước ngoài khác. Nguyên nhân là bởi đài truyền hình Việt Nam VTV và các nhà đài khác không mua được bản quyền ASIAD 18.
Tình trạng xem “lậu” khiến link xem mờ, chậm và nhiều người hâm mộ tỏ rõ sự thất vọng khi không được xem trận đấu trên sóng truyền hình. Sắp tới, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ bước vào vòng 1/8 hứa hẹn đây cũng sẽ là trận cầu không thể bỏ lỡ. Mới đây, theo một nguồn tin riêng của PV báo Người Đưa Tin, đã có đơn vị đang đàm phán việc mua bản quyền truyền hình ASIAD.
Đơn vị nói trên đang đàm phán và chưa có thông tin cụ thể. Thông tin này khiến người hâm mộ Việt Nam tiếp tục có sự hy vọng, háo hức chờ đợi tin vui sẽ được theo dõi trận đấu ở vòng 1/8 của đội U23 Việt Nam trên sóng chính thống tại Việt Nam.
Những nhà đài được liệt kê không đàm phán bản quyền ASIAD trong chiều nay gồm: K+, VTVcab, Viettel, FPT. Còn đại diện VTV khẳng định với PV báo Người Đưa Tin rằng VTV không mua bản quyền ASIAD. Không ít người hâm mộ cũng đồn đoán có thể là nhà đài VTC đang đàm phán với phía chủ sở hữu bản quyền.
Tuy nhiên, tối ngày 20/8 trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh VTC3 (Kênh Thể thao – Văn hóa – Giải trí), đài truyền hình kỹ thuật số VTC khẳng định: “Tôi chưa biết gì về chuyện đàm phán, thông tin nói VTC đàm phán xuất phát từ đâu thì tôi không biết. Còn đương nhiên, một người làm thể thao thì rất muốn có ASIAD để theo dõi”.
Được biết, đơn vị đứng ra đàm phán là một doanh nghiệp. Vậy một câu hỏi được nhiều người đặt ra là nếu đơn vị này đàm phán thành công thì sẽ thỏa thuận việc phát sóng với các nhà đài thế nào? Hay phát qua kênh nào? Quyền lợi ra sao?
Trước câu hỏi này, trả lời PV báo Người Đưa Tin, luật sư Lâm Văn Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Việc doanh nghiệp đàm phán được với chủ sở hữu bản quyền về việc bản quyền truyền hình ASIAD 18 thì sẽ có bản ký kết, thỏa thuận giữa hai bên. Trong đó sẽ có những điều khoản được làm và không được làm”.
“Khi doanh nghiệp đã sở hữu bản quyền ASIAD 18 tại Việt Nam, nếu trong điều khoản cho phép doanh nghiệp có quyền sử dụng, bán lại cho các nhà đài có nhu cầu tiếp sóng thì hoàn toàn có thể nhượng bản quyền. Đồng thời, dựa trên thỏa thuận về quyền lợi giữa nhà đài và doanh nghiệp như: Quảng cáo có tên doanh nghiệp trong mỗi trận đấu phát sóng, ký hợp đồng truyền thông… Miễn sao, cả đôi bên cảm thấy thoải mái và trên tinh thần hợp tác cùng có lợi”, luật sư Lâm Văn Quang cho biết thêm.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người hâm mộ vẫn đang chờ đợi tin vui chính thức từ đơn vị đàm phán mua bản quyền truyền hình ASIAD 18.
Xem thêm video: Cảm xúc của BLV Cường Camay khi theo dõi U23 Việt Nam qua Xôi lạc TV
Thanh Lam