Nóng nạn xe trá hình, "nhồi khách": Nhà xe thu lợi khủng, xử lý ra sao?

Nóng nạn xe trá hình, "nhồi khách": Nhà xe thu lợi khủng, xử lý ra sao?

Thứ 7, 25/01/2025 08:13

So với các xe chạy tuyến cố định đăng ký hoạt động theo quản lý của cơ quan chức năng, các xe trá hình vô tư hoạt động bất chấp quy định của pháp luật.

Lợi nhuận cao, không tốn chi phí

Thử tính toán, trên cùng một hành trình vận tải Tết, các hãng xe đăng ký tuyến cố định được tăng không quá 60% giá vé Tết. Tuy nhiên, với mức tăng như thế này, các hãng xe đăng ký hoạt động tuyến cố định, thực hiện đầy đủ các quy định, nghĩa vụ của Nhà nước thì không đủ sức cạnh tranh với các xe dù, xe trá hình đang nhan nhản như bây giờ.

Một doanh nghiệp vận tải hoạt động tuyến cố định Bình Định - Tp.Hồ Chí Minh cho hay, một lượt xe xuất bến, đơn vị tốn các khoản chi phí khoảng 7 triệu đồng/chuyến xe; chưa kể các khoản phí phát sinh khác. Trong khi đó, các xe trá hình, xe hợp đồng nhưng gom khách lẻ, xe tuyến cố định bỏ bến chạy dù, không mất chi phí lệnh xuất bến, các thuế phí khác. Ngược lại, giá bán của những xe trá hình này gần như bằng, thậm chí cao hơn so với xe hoạt động đầy đủ giấy tờ trong bến bãi.

Xe cố định bỏ bến, chạy dù để né tiền bến bãi, thu lợi nhuận khủng.

Xe cố định bỏ bến, chạy dù để né tiền bến bãi, thu lợi nhuận khủng.

Chặng hạn, như xe Tân Tiến, 24 phòng với số lượng tính đúng là 24 người với giá vé 1,3 triệu đồng/người/ một chuyến như vậy họ thu khoảng 31 triệu đồng; đó là chưa kể xe còn chở ghép người, cho người thêm nằm đường luồng với mức giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/vé.

Nhân viên nhà xe Tân Tiến ghi số tiền trên vé cho khách.

Nhân viên nhà xe Tân Tiến ghi số tiền trên vé cho khách.

Trong khi đó, những xe trá hình như thế này không phải chịu đóng phí lệnh xuất bến, thuế… bởi gần như chỉ nhận tiền mặt, tiền chuyển khoản song không xuất vé, xuất hóa đơn theo quy định.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định, cho biết, hiện nay, đối với các xe đăng ký tuyến cố định phải thực hiện các quy định của pháp luật trong vận tải hành khách. Trước khi xuất bến phải có lệnh xuất bến, với mức phí 238.000 đồng/xuất bến. Bến xe chỉ thực hiện thu phí được đối với các xe đăng ký tuyến cố định có kiểm soát, phần lớn nhiều nhà xe mặc dù đăng ký tuyến cố định nhưng không tuân thủ việc vào bến.

Sẽ xử lý như thế nào?

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 158/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đây sẽ là quy định mới siết chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải theo kiểu "xe hợp đồng" trá hình xe khách tuyến cố định. Đặc biệt, xe hợp đồng không được đón – trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh, trên các tuyến phố.

CSGT Công an tỉnh Phú Yên kiểm tra các xe tuyến cố định.

CSGT Công an tỉnh Phú Yên kiểm tra các xe tuyến cố định.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ người lái) hoặc xe có ít hơn 8 chỗ được cải tạo từ xe lớn hơn 8 chỗ, phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản, giữa đơn vị kinh doanh với người thuê cả chuyến xe, bao gồm cả lái xe.

Xe hợp đồng trên 8 chỗ cũng không được xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe ngoài hợp đồng đã ký kết; không được bán vé; không được thu tiền ngoài hợp đồng; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau. Lái xe sẽ chỉ được đón khách, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng đã ký, không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng do đơn vị vận tải cung cấp.

Khi vận chuyển hành khách, tài xế phải mang kèm hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết cùng danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử) – trong trường hợp lực lượng chức năng kiểm tra, sẽ phải xuất trình.

Đối với xe hợp đồng dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái), quy định mới cho phép không cần thực hiện ký hợp đồng vận tải thuê cả chuyến xe, theo quy định của Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ - nói cách khác là được gom khách lẻ cho chuyến đi.

Nóng nạn xe trá hình, "nhồi khách": Nhà xe thu lợi khủng, xử lý ra sao?- Ảnh 4.

Luật sư Hải Nhi -Đoàn Luật sư Tp.Đà Nẵng.

Với trường hợp xe hợp đồng vô tư gom khách lẻ như phản ánh của Người Đưa Tin, trao đổi với PV, luật sư Hải Nhi (Đoàn luật sư Tp.Đà Nẵng), cho hay: Hiện nay, tình trạng các xe vận chuyển hành khách hoạt động theo kiểu mập mờ, trá hình, gọi là xe hợp đồng nhưng gom khách lẻ, xe tuyến cố định bỏ bến chạy dù đang diễn ra tràn lan, đặc biệt trong dịp Tết – thời điểm nhu cầu sử dụng xe tăng cao so với ngày thường.

Ngoài ra, nhà xe còn thu giá vé cao rất nhiều lần, không minh bạch về chi phí. Xe hợp đồng trá hình, xe "chạy dù" bỏ bến này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không nộp thuế phí đầy đủ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và làm ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh vận tải hợp pháp.

Liên quan đến chế tài xử lý, hiện nay tùy một số hành vi cụ thể mà có các quy định xử phạt vi phạm khác nhau với các hành vi có liên quan: Đối với hành vi thu tiền nhưng không trao vé cho khách, căn cứ điểm l khoản 3 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì việc điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định sẽ bị phạt tiền từ 600 - 800 ngàn đồng.

Đối với hành vi thu tiền cao hơn giá vé niêm yết trong dịp Tết, căn cứ tại điểm b khoản 7, khoản 12 và điểm a khoản 14 Điều 26 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về chủ xe khách vi phạm lỗi xe khách tự tăng giá vé xe Tết 2025 bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5 triệu đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 triệu đến 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện.

Ngoài ra, nếu là cá nhân kinh doanh vận tải là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 2 điểm. Đối với hành vi không mang theo lệnh vận chuyển hoặc có mang nhưng không đầy đủ thông tin thì căn cứ điểm e khoản 5 Điều 20 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Đối với hành vi chở quá số người quy định thì căn cứ khoản 4 Điều 20 Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách (kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng) chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm chở quá số người quy định được phép chở của phương tiện.

Đối với xe trá hình, xe hợp đồng nhưng gom khách lẻ thì Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 158/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Qua đó, xe trên 8 chỗ (không kể chỗ người lái) thắt chặt hơn từ việc phải có hợp đồng, phải có phù hiệu "xe hợp đồng", không được đón khách ngoài điểm đã ghi trong hợp đồng, không được bán vé, thu tiền ngoài hợp đồng,… phải xuất trình được hợp đồng vận tải khi cơ quan chức năng kiểm tra nhằm siết chặt các xe trá hình.

Các hành vi điều khiển xe vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng bằng văn bản giấy không có hoặc không mang theo danh sách hành khách, đón trả hành khách không đúng địa điểm ghi trong hợp đồng bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo điểm đ, g khoản 5 Điều 20 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 1 -2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định (khoản 4 Điều 20 Nghị định 168/2024/NĐ-CP). Ngoài ra, có nhiều loại phương tiện hiện nay vận hành tự phát, không kê khai đóng thuế cho Nhà nước, gây thất thoát ngân sách nếu có cơ sở còn có thể bị xử lý về các hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật nếu các cá nhân, tổ chức này thực hiện các hành vi trốn thuế.

Tương tự, luật sư Phạm Ngọc Hải, đoàn Luật sư Tp.Đà Nẵng cho rằng, tuy đã được quy định rõ về các điều kiện liên quan nêu trên nhưng tình trạng xe hợp đồng "trá hình" vẫn còn tồn tại, không tuân thủ các quy định nêu trên nhưng vẫn đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định.

Các đối tượng còn đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng số như internet, mạng xã hội… Loại hình xe hợp đồng "trá hình" này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, tăng cường nguy cơ gây ùn tắc giao thông, gây thất thu thuế của Nhà nước.

Việc phát hiện và xử lý đối với các trường hợp xe hợp đồng "trá hình" hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thường sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như hợp thức hóa hợp đồng, điểm đến, điểm đi… để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Đồng thời, việc gom khách lẻ được thực hiện trên nhiều nền tảng, cách thức khác nhau nên cũng khó quản lý và kiểm soát.

Theo luật sư Hải, thời gian tới, để quản lý tốt hơn đối với loại hình xe hợp đồng "trá hình" cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát bằng phương tiện điện tử, phần mềm để nâng cao hiệu quả của công tác phát hiện vi phạm. Cơ quan CSGT cũng cần phối hợp với cơ quan Thuế để gửi thông tin các trường hợp vi phạm đã bị xử phạt hành chính để cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra việc kê khai thuế, nộp thuế của người vi phạm có đúng theo quy định hay không? Đối với các trường hợp nghiêm trọng, điển hình, cần xử lý nghiêm và công bố rộng rãi để làm gương, mang tính răn đe đối với các đối tượng khác.

Nhóm Phóng viên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.