Tuyên bố đanh thép
Lời đe dọa trên đối với Washington được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực tìm mọi cách ngăn chặn quân Syria tấn công Idlib – khu vực tập trung các phần tử nổi dậy ở phía Tây Bắc Syria.
Hãng tin CNN là cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về những căng thẳng xung quanh khu vực biên giới Syria-Iraq-Jodan nằm ở thành phố al-Tanf. Hiện vẫn chưa rõ liệu những tuyên bố của Nga có phải là dấu hiệu của một cuộc chiến sắp diễn ra tại đây hay chỉ đơn giản là một mối đe dọa nhằm vào căn cứ của Mỹ.
“Chúng tôi khuyên họ nên hoàn toàn tránh xa khỏi al-Tanf”, một quan chức giấu tên Mỹ nói với tờ CNN. “Chúng tôi sẽ đáp trả”, người này nói.
Ngoài ra, quan chức này cũng tuyên bố rằng lực lượng Mỹ có quyền tự vệ nếu các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đe dọa căn cứ của họ. Lực lượng do Mỹ dẫn đầu được cho là liên tục tuần tra trong khu vực bán kính khoảng gần 60km quanh căn cứ, theo CNN.
Đặc nhiệm Mỹ, Jordan cùng các khí tài hỗ trợ gồm hệ thống phóng tên lửa pháo binh cao cấp (HIMARS) hiện đang được triển khai tại căn cứ al-Tanf cùng với các thành viên của Maghawir al-Thawra, một nhóm phiến quân đối lập tại Syria, cũng được biết đến với cái tên lực lượng đặc công cách mạng.
“Mỹ không tìm cách chống lại Chính phủ Syria hay bất kỳ nhóm nào liên kết với Chính phủ”, một quan chức Mỹ giải thích trên tờ CNN. “Tuy nhiên, nếu bị tấn công, Mỹ sẽ không ngần ngại huy động các lực lượng cần thiết để bảo vệ Mỹ, liên minh hoặc các lực lượng đối tác”, người này nói thêm.
Vẫn chưa rõ Nga làm thế nào để thông báo với phía Mỹ về sự chuẩn bị đối với chiến dịch tại al-Tanf. Có thể họ sử dụng đường dây nóng chống xung đột mà hai phía đã duy trì trong nhiều năm qua để không xảy ra tình trạng xung đột giữa lực lượng hai nước.
Tuy nhiên, trong quá khứ, phía Mỹ đã không thành công trong việc sử dụng hệ thống này để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại al-Tanf cũng như Đông Bắc Syria, khiến nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của đường dây liên lạc này.
Một cuộc tấn công của Nga nhằm vào al-Tanf không phải là chưa có tiền lệ. Chiến đấu cơ Nga từng tấn công địa điểm này vào năm 2016, khiến một số lượng các chiến binh nổi dậy của nhóm phiến quân Quân đội Syria Mới thiệt mạng. Cuộc tấn công buộc Mỹ phải điều thêm lực lượng tới khu vực này.
Vào năm 2017, các lực lượng phiến quân Syria do Mỹ hậu thuẫn đã đẩy lùi toàn bộ quân Syria do Iran hậu thuẫn cùng xe tăng, xe bọc thép và pháo binh. Các cuộc không kích của Mỹ đã giúp bảo vệ căn cứ này, đồng thời tiêm kích F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ cũng bắn hạ 2 máy bay không người lái hiện đại của Iran trong các cuộc đụng độ khác.
Tiền đồn al-Tanf tới nay vẫn là một “cái gai” trong mắt quân đội Chính phủ Syria, ngăn chặn chính quyền Tổng thống Assad tái kiểm soát hoàn toàn đối với khu vực phía Nam đất nước. Đối với Iran, khu căn cứ này là một trở ngại lớn để giúp Tehran có được một tuyến đường bộ duy nhất nối liền lãnh thổ nước này tới các vùng đất của Liban nơi các chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn đang hoạt động.
Nhưng lời đe dọa gần đây nhất của Nga đối với căn cứ al-Tanf có khả năng liên quan tới những tuyên bố đầy gay gắt của Mỹ trước việc quân Chính phủ Syria chuẩn bị cho chiến dịch quân sự quy mô ở tỉnh Idlib.
Dường như người Nga muốn ám chỉ rằng nếu Mỹ “ra tay” tại Idlib thì Moscow cũng sẵn sàng đáp trả theo cách tương tự ở al-Tanf.
Hồi tháng Tư, khi Mỹ cùng Anh, Pháp tấn công chính quyền Assad, nhiều người từng cho rằng Nga có thể phản ứng ở al-Tanf nhưng trên thực tế Kremlin đã không làm như vậy.
Khi đó, Nga chọn không thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào chống lại các nhóm do Mỹ hỗ trợ, kể cả ở al-Tanf hay ở miền Đông Syria.
Mỹ bỏ ngỏ khả năng tấn công
Hiện tại, khi Mỹ cho hay Washington có khả năng tấn công lực lượng Syria nếu chính quyền Damascus mở một chiến dịch ở Idlib, đặc biệt nếu các binh sĩ của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học, thì Nga đã có cách tiếp cận quyết liệt hơn.
Moscow đã điều đáng kể máy bay, tàu chiến vào khu vực Địa Trung Hải, với lý do để tập trận nhưng cũng mang ý nghĩa đối phó với các hành động của Mỹ và hỗ trợ cho chiến dịch sắp tới của chính quyền Assad.
Ngoài ra, Nga cũng nỗ lực trong cuộc chiến thông tin nhằm chống lại Chính phủ Mỹ và các lực lượng đồng minh, đưa ra những cáo buộc rằng Washington đang hỗ trợ cho khủng bố. Trong số đó có tuyên bố cho rằng Mỹ và Jordan đang tích cực đứng sau các chiến binh đối lập hoạt động ở trại tị nạn Rukban ở vùng đất dọc biên giới Syria-Jordan.
“Hàng trăm chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng các chiến binh al-Nusra có vũ khí hạng nặng đang ẩn nấp trong những thường dân đang bị bắt làm con tin và được sử dụng làm lá chắn sống”, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 23/8.
“Thật không may, những điều đó xảy ra ngay trước mắt quân đội Mỹ, những người kiểm soát gần 60km khu vực quanh căn cứ bất hợp pháp al-Tanf của họ trên lãnh thổ Syria”, bà Zakharova nói thêm.
Hiện vẫn chưa rõ Nga và Syria sẽ làm gì để đẩy người Mỹ cùng đồng minh ra khỏi vùng al-Tanf. Nhưng rõ ràng thời điểm này quân đội Mỹ và lực lượng nổi dậy đối tác vẫn chưa có kế hoạch rời đi.
Xem thêm: Trận huyết chiến cuối cùng tại Idlib: Quân Syria đã sẵn sàng